Thứ hai 29/04/2024 21:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đô thị ven sông Đồng Nai cần có định hướng cụ thể

08:44 | 10/08/2023

(Xây dựng) – Phát huy lợi thế của hệ thống sông Đồng Nai để phát triển đô thị gắn với du lịch, không gây tác động xấu đến môi trường, giữ gìn được di sản kiến trúc và di sản văn hóa cộng đồng, cần những giải pháp cụ thể trong quy hoạch phát triển du lịch đường sông của tỉnh Đồng Nai.

Đô thị ven sông Đồng Nai cần có định hướng cụ thể
Ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai chia sẻ về phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại kỳ họp giao ban báo chí tháng 8/2023.

Lịch sử hình thành và phát triển văn hóa và con người Đồng Nai gắn liền với những dòng sông, từ xa xưa người dân đã chọn những con sông để mưu sinh và đường sông là tuyến giao thông chính của họ.

Đồng Nai có hơn 200km đường sông đi qua những vùng dân cư, khu đô thị xen giữa những cánh rừng ngập mặn. Dọc bờ sông với những lò gốm, nhà cổ, đình, chùa có từ hàng trăm năm trước, được thờ cúng chu đáo, nhiều di tích khảo cổ như: Di tích Bình Đa với bộ sưu tập đàn đá Bình Đa là bảo vật quốc gia, làng nghề khai thác đá Bửu Long, cù lao Phố… Tất cả hợp lại, tạo nên nét văn hóa của người dân địa phương và những đặc trưng riêng của vùng đất Đồng Nai.

Sông Đồng Nai không chỉ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, mà còn có giá trị về văn hóa khảo cổ học và tiềm năng khai thác du lịch. Từ nhiều năm nay, hệ thống sông Đồng Nai đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.

Trong quá trình hoàn thiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp những vấn đề thiết thực cho định hướng phát triển địa phương trong tương lai. Nhiều chuyên gia nhận định: Quy hoạch phát triển du lịch đường sông Đồng Nai là phát huy lợi thế của hệ thống kênh, rạch từng bước hình thành lên những khu đô thị sông nước để khai thác du lịch. Với vai trò là hạt nhân trong liên kết du lịch vùng, tỉnh tập trung phát triển du lịch đường sông làm cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai cùng nhau khai thác tiềm năng này, qua đó tạo nên những giá trị mới cho ngành Du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định: “Dọc theo sông Đồng Nai kéo dài từ cửa biển lên rừng, đây là cụm không gian xanh rất quý giá, để có thể phát triển du lịch, trở thành điểm đến quan trọng, hấp dẫn. Từ đây có thể dễ dàng đi Thành phố Hồ Chí Minh hay các điểm đến, cũng trung tâm du lịch khác như: Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết...”.

Tuy nhiên, một trong những điểm yếu làm chậm sự phát triển du lịch đường sông Đồng Nai hiện nay chính là hạ tầng còn kém, chưa đủ điều kiện phục vụ du khách. Các bến tàu, hệ thống đường giao thông kết nối các điểm đến vẫn chưa được đầu tư xây dựng bài bản, nên không thể phát huy tối đa lợi thế du lịch đường sông. Bên cạnh đó, hệ thống tàu phục vụ để phát triển du lịch cũng như giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan vẫn chưa được giải quyết triệt để làm hạn chế khả năng khai thác du lịch đường sông của Đồng Nai.

Để khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch đường sông, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu: Nhà đầu tư khi xây dựng sản phẩm du lịch, trước hết phải xác định được hướng phát triển bền vững, ít gây tác động xấu đến môi trường, phải giữ gìn được di sản kiến trúc và di sản văn hóa cộng đồng, phải cụ thể hóa phát triển du lịch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu đô thị ven sông. Vì những gì đang hiện hữu dọc sông Đồng Nai là những giá trị quý báu đem lại bản sắc độc đáo cho đô thị. Tuy nhiên, để đánh thức tiềm năng du lịch đường sông ở vùng Đông Nam Bộ đòi hỏi có sự liên kết của các ngành, các cấp, sự thống nhất của chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Đô thị ven sông Đồng Nai cần có định hướng cụ thể
Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển kinh tế ven sông, nhưng thời gian qua vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Chia sẻ về định hướng khai thác tiềm năng của sông Đồng Nai trong việc phát triển đô thị và du lịch, ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sông Đồng Nai là con sông đẹp nhất Đông Nam Bộ, cần có cách phù hợp để khác thác tiềm năng lợi thế như quy hoạch các khu đô thị mới của thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, phải gắn liền với phát triển du lịch. Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai phương án cụ thể hóa để phát triển du lịch gắn liền với phát triển kinh tế xã hội đối với các khu đô thị ven sông. Có như vậy mới giải được bài toán đô thị ven sông theo định hướng phát triển của tỉnh”.

YPhong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load