Thứ năm 21/11/2024 21:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Đô thị du lịch Tây Ninh xanh

16:33 | 02/01/2024

(Xây dựng) - Tỉnh Tây Ninh đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới mục tiêu “Tây Ninh xanh”, trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, là điểm đến hấp dẫn để sinh sống và làm việc của vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Đô thị du lịch Tây Ninh xanh
Ông Nguyễn Thanh Ngọc

Ông vui lòng cho biết quy hoạch hạ tầng đô thị gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh được thực hiện như thế nào?

- Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh dựa trên tiếp cận cân bằng có trọng tâm giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, điều chỉnh bằng công cụ chính sách; xây dựng Tây Ninh xanh; giảm lệ thuộc vào tài nguyên; chủ động gia nhập thị trường và kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh. Tỉnh Tây Ninh quy hoạch 3 vùng kinh tế với 4 trục động lực, cấu trúc không gian, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn Tây Ninh xanh bằng cách cân bằng và tích hợp nguồn lực (vốn, đất đai, hạ tầng) để tăng tốc phát triển bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, là điểm đến hấp dẫn để sinh sống và làm việc; đến năm 2050 trở thành một tỉnh kinh tế phát triển với ngành công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, có thương mại và du lịch phát triển, là cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thương mại, du lịch là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể Tây Ninh thực hiện như thế nào?

- Sự phát triển của ngành du lịch trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh Tây Ninh chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện bộ mặt nông thôn và phát triển đô thị. Tỉnh tập trung nhiều giải pháp để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, trong đó chọn Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, tạo động lực lan toả du lịch địa phương và cả khu vực Đông Nam Bộ. Tỉnh chú trọng mời gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, có tâm huyết, có năng lực và kinh nghiệm phát triển du lịch, đầu tư, triển khai các dự án du lịch - thương mại - dịch vụ trọng điểm theo quy hoạch, tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp, phong phú đa dạng, chất lượng, góp phần thu hút khách du lịch đến Tây Ninh ngày càng nhiều. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác.

Đô thị du lịch Tây Ninh xanh
Núi Bà Đen Tây Ninh “nóc nhà Nam Bộ” những kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Tỉnh Tây Ninh đề ra giải pháp gì để hiện thực hóa các mục tiêu về lĩnh vực du lịch như ông vừa nhắc đến?

- Trước hết, cần đổi mới tư duy về du lịch, phát triển du lịch không chỉ là Nhà nước và DN làm mà phải huy động toàn xã hội và các tầng lớp Nhân dân cùng làm, cùng tham gia thì mới có sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, bền vững. Trong đó, coi trọng yếu tố xây dựng và hình thành văn hóa du lịch, văn hóa ứng xử, văn minh, thân thiện của người dân, DN với du khách gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường; là yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu, nét đặc sắc riêng để thu hút, giữ chân du khách đến với Tây Ninh, góp phần phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng, chú trọng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (về hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, cơ sở vật chất kỹ thuật). Đồng thời, coi trọng phát triển nguồn nhân lực cũng như đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Và một yếu tố không thể thiếu đó là ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc hỗ trợ DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch. Song song đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến, quảng bá du lịch. Nâng cao quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước làm công tác quản lý về du lịch và liên quan đến du lịch có đầy đủ kiến thức, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch và các ngoại ngữ cần thiết, đồng thời tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Đô thị du lịch Tây Ninh xanh
Thành phố Tây Ninh văn minh hiện đại.

Ông đánh giá thế nào về lợi thế để Tây Ninh phát triển đô thị du lịch?

- Tỉnh Tây Ninh có 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam, cùng với đó là 3 cửa khẩu quốc gia Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ khác. Đây là đầu mối giao thương quan trọng kết nối Việt Nam với các nước ASEAN trong vùng Mekong mở rộng, các hành lang kinh tế quốc tế nhờ tuyến đường Xuyên Á. Theo định hướng quy hoạch, tỉnh Tây Ninh sẽ hình thành hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái, trong đó có một số khu đô thị có chức năng đô thị vệ tinh cho TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Các đô thị mới sẽ góp phần gia tăng hoạt động dịch vụ du lịch, là động lực cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng và cả nước. Mặt khác, Tây Ninh còn là địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế để đón bắt làn sóng đầu tư để phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Tỉnh Tây Ninh xác định phát triển phải theo tư duy đột phá, trong đó cần nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế chung mang tầm quốc gia cũng như khu vực, không chỉ ở góc độ địa phương. Từ đó có giải pháp và huy động nguồn lực chung của cả vùng để cùng khai thác phát triển, xóa bỏ tư duy “cục bộ địa phương” vì lợi ích chung, góp phần vào sự phát triển chung của vùng và quốc gia. Phát triển kinh tế xanh hướng đến các lĩnh vực có giá trị cao và ít ảnh hưởng đến môi trường; phát triển xanh để thu hút chất xám, vốn và công nghệ với thông điệp mạnh mẽ về cải cách hành chính và sức hấp dẫn về môi trường xanh tạo sự tin tưởng và lợi ích cho các nhà đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Yphong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load