Thứ ba 05/11/2024 05:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Điều kiện tiên quyết để nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng là chất lượng xây dựng

19:49 | 26/11/2019

(Xây dựng) – Đây là một trong những nội dung chính tại Hội thảo “Các yêu cầu thực tiễn về thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu thiết kế xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bàn giao công trình” do Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC) tổ chức vào ngày 26/11, tại Bộ Xây dựng.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo một số Cục, Vụ, Viện Bộ Xây dựng và Bộ Công An; Các cán bộ chủ chốt của CDC và các đối tác của CDC (các chủ đầu tư các dự án lớn, các nhà thầu xây dựng, các công ty tư vấn trong và ngoài nước) đang có hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

dieu kien tien quyet de nghiem thu ban giao cong trinh dua vao su dung la chat luong xay dung
Ông Hoàng Quang Nhu - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Hoàng Quang Nhu - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Hội thảo này được tổ chức với sáng kiến của Công ty CDC, đây là một diễn đàn để các nhà tư vấn xây dựng Việt Nam thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, bổ sung các thông tin kiến thức mới. Các tham luận, các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, các chuyên gia tham dự hội thảo sẽ giúp Bộ Xây dựng thu được những kiến thức quý báu phục vụ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng”.

Tại Hội thảo, diễn giả Ngô Lâm – Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về công trình xây (Bộ Xây dựng) đã trình bày các yêu cầu về công tác nghiệm thu công trình bàn giao đưa vào sử dụng. Diễn giả cho biết: “Theo kết quả kiểm tra của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho thấy công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được các chủ thể quan tâm, chất lượng công trình từng bước được nâng cao, việc lập hồ sơ quản lý chất lượng đã được chú trọng.

Tuy nhiên, số công trình có tồn tại, sai sót trong thi công xây dựng vẫn ở mức cao, khoảng 87,5% công trình, trong đó 20,8% công trình tồn tại liên quan đến trình tự, thủ tục, hồ sơ quản lý chất lượng”.

Ông Ngô Lâm cũng cho biết, điều kiện tiên quyết của việc nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng là công trình phải được thi công đảm bảo chất lượng, phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật và các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó diễn giả cũng nêu lên các tồn tại thường gặp trong công tác nghiệm thu công trình bàn giao đưa vào sử dụng là về năng lực các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Nhiều tồn tại liên quan đến năng lực chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia xây dựng (69,9% số công trình). Hay việc áp dụng tiêu chuẩn và tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật. Theo đó, có 32,4% công trình có tồn tại trong việc tuân thủ và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật như: Không phê duyệt danh mục tiêu chuẩn áp dụng, sử dụng tiêu chuẩn không phù hợp hoặc đã hết hiệu lực; Việc áp dụng các tiêu chuẩn nhất là tiêu chuẩn nước ngoài còn khá tùy tiện và chưa đồng bộ; Chỉ dẫn kỹ thuật thường được lập sơ sài, chỉ bao gồm các tiêu chuẩn thiết kế, không có các yêu cầu kỹ thuật để thi công và nghiệm thu; một số chỉ dẫn kỹ thuật có các nội dung không phù hợp với tính chất dự án…

Đồng thời, các vấn đề liên quan đến hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng; phần kết cấu, xây dựng; công tác xử lý các khuyết tật, sự cố; công tác quan trắc, thí nghiệm, kiểm định… cũng còn nhiều tồn tại.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, diễn giả Hoàng Ngọc Huynh – Phó Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã nói về một số lưu ý trong quy trình thẩm duyệt thiết kế nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, một số lưu ý trong thiết kế về phòng cháy chữa cháy và áp dụng QCVN 06:2010/BXD. Bên cạnh đó, diễn giả Hoàng Ngọc Huynh cũng chỉ ra những bất cập khi áp dụng quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD như: Chưa quy định việc xác định chiều cao nhà khi nhà không có cửa sổ; không quy định cụ thể trường hợp nào được phép thiết kế cầu thang loại 3 làm thang thoát nạn; chưa minh họa đầy đủ các trường hợp thiết kế buồng thang N1; Khó thực hiện nội dung đường giao thông cho xe chữa cháy phải đảm bảo cho xe thang hoặc xe có cần nâng để có thể tiếp cận đến từng căn hộ hoặc gian phòng trên các tầng cao; chưa quy định bán kính bảo vệ của 01 thang máy chữa cháy, diện tích, kích thước của buồng đệm cho thang máy chữa cháy; chưa quy định bố trí các công năng trong nhà đa năng.

Các vấn đề liên quan đến quy trình thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, các lỗi thường gặp trong quá trình thiết kế cũng được diễn giả Phạm Xuân Luyến – Trưởng Phòng khảo sát thiết kế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) làm rõ.

Diễn giả Lý Xuân Trung – Phó Tổng Giám đốc CDC đã phân tích về việc áp dụng hệ thống BIM tại CDC: Trong quá trình phát triển của mình, CDC đã triển khai áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng theo quy trình ISO 9001 từ năm 2007. Tuy nhiên, hệ thống này khi áp dụng có khá nhiều quy trình thủ tục chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của CDC. Do đó, năm 2010 CDC biên soạn lại một hệ thống mới trên nền tảng ISO 9001:2008 để làm nền tảng phát triển cho mình.

Diễn giả Lý Xuân Trung cho biết thêm: Hệ thống quản lý chất lượng BIM bao gồm 4 trụ cột chính: CDE (môi trường dữ liệu chung); Hệ thống tiêu chuẩn BIM; Hệ thống thư viện tài nguyên trung tâm: Hệ thống kiểm soát thiết kế. Một số dự án BIM tiêu biểu như: Tổ hợp Casino Phú Quốc; Toàn nhà thương mại dịch vụ Thành Đạt; Trụ sở chính Daikin Việt Nam…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chủ đề của Hội thảo và đều được các diễn giả giải đáp trực tiếp mọi thắc mắc đã nêu ra.

Đức Cương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load