(Xây dựng) - Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đang được Bộ Xây dựng gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian ngắn sắp tới. Một trong những nội dung mới mà Bộ Xây dựng phải trình Thủ tướng Chính phủ là việc cho phép điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4 - đoạn đi qua tỉnh Bắc Ninh.
Sau khi nhận được Dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội của Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, đơn vị được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ tư vấn cho Đồ án, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét về hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua Bắc Ninh, vào cuối tháng 9/2014.
Theo đó, nếu tính cả phương án mà tư vấn Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đưa ra, thì có 3 phương án hướng tuyến đường Vành đai 4 (Phương án A, B và C). Tuy nhiên, để đảm bảo tính toàn vẹn và phát triển cho tỉnh Bắc Ninh cũng như vùng Thủ đô Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất chọn phương án C, là phương án tỉnh Bắc Ninh đề xuất dịch chuyển tuyến đường Vành đai 4 về phía Đông khoảng 0,5km, nhằm đạt 4 ưu điểm như: Đảm bảo tính khả thi cao, mặc dù tuyến này có chiều dài dài hơn nhưng chủ yếu đi qua vùng đồng ruộng và vùng chưa có dự án phát triển, chi phí giải phóng mặt bằng thấp; không làm chia cắt không gian 2 đô thị lớn, phương án hướng tuyến này sẽ trở thành đường vành đai của 2 đô thị này, tạo sự phát triển và ảnh hưởng lan tỏa cho vùng Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài là các khu vực chưa có điều kiện phát triển; tạo sự kết nối giao thông tốt hơn với các tỉnh phía Đông Bắc như Quảng Ninh, Hải Dương; và phù hợp với quy hoạch vùng tỉnh và định hướng quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, phương án hướng tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1287 ngày 29/7/2011, về chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam QL18 (phương án A), có nhược điểm như: Đoạn từ thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành đến TP Bắc Ninh, dài 15km, chạy song song và sát gần với QL38, sẽ không hiệu quả về giao thông; đoạn tuyến này chia cắt hoàn toàn khu đô thị mới Nam Sơn thuộc đô thị trung tâm của tỉnh. Đây là khu đô thị mới đã được quy hoạch vùng tỉnh xác định là một trọng điểm mới về đô thị của TP Bắc Ninh, với các chức năng chính: giáo dục, khoa học công nghệ, thương mại, du lịch và thể dục thể thao, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mặt khác, phương án này sẽ chia cắt làm thiếu không gian phát triển đô thị Hồ, là đô thị trung tâm phía Nam sông Đuống.
Đối với phương án hướng tuyến đang được tư vấn lập quy hoạch Vùng Thủ đô đề xuất điều chỉnh (phương án B), có nhược điểm như: Tuyến này đi qua khu vực quần thể di tích lịch sử xếp hạng quốc gia tại huyện Thuận Thành, gồm thành cổ Luy Lâu, chùa Dâu, Lăng và đền thờ Sỹ Nhiếp, lăng Kinh Dương Vương và Khu quy hoạch du lịch, Khu công nghiệp Thuận Thành 3, 2 khu đại học và đặc biệt cắt qua 2 làng thuộc phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh; tuyến Vành đai 4 đi theo hướng này không giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn mà còn chia cắt hoàn toàn không gian nội thị của hai đô thị lớn là Thuận Thành (hướng phát triển thành thị xã sau năm 2020) và đô thị lõi Bắc Ninh (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đang lập Đồ án quy hoạch chung).
Theo KTS Trần Trọng Hanh, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đồng thời cũng là Chủ nhiệm Đề án Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh thì, phương án C tạo điều kiện để phát triển tối đa cho tỉnh Bắc Ninh mà vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa lịch sử, đồng thời phát triển một cách hợp lý, hài hòa. Việc chia đều QL38 mới và đường Vành đai 4 làm cho việc phân bố giao thông tương đối đều, tạo điều kiện phát triển hợp lý về mặt không gian. Hay nói cách khác, việc chọn phương án C có mấy cái lợi về: tổ chức không gian, mỹ quan và hiệu quả kinh tế. Chỉ có một nhược điểm làm đoạn đường này kéo dài hơn, nhưng lại có lợi ích làm giãn giao thông, chống ách tắc khi mật độ các phương tiện giao thông đang dịch chuyển trên đường quá cao.
Thanh Nga
Theo