Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, với yêu cầu khu vực này không chỉ đóng góp 10% trong GDP mà phải từ 20-25%.
Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long tại Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 19/9, tại Quảng Ninh, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019 với chủ đề “Cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam.” Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết tại Việt Nam, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, thực hiện cơ cấu lại nền tài chính quốc gia 10 năm qua đã đạt được kết quả bước đầu nhưng những thách thức, khó khăn còn rất lớn. Điều này thể hiện ở việc mặc dù tăng trưởng đạt được ở mức độ 6,35% cho giai đoạn 5 năm qua, tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình cơ cấu của nền kinh tế còn hạn chế và còn nhiều thách thức.
Để phát triển nhanh và bền vững, Bộ Tài chính cho rằng phải dựa trên cơ sở hiệu quả, bền vững, bao trùm. Với quan điểm phát triển chính sách tài chính-ngân sách phải đảm bảo thúc đẩy các vấn đề xã hội, trọng yếu là xóa đói giảm nghèo, đảm bảo dịch vụ công cần thiết với chất lượng đạt yêu cầu của khu vực và quốc tế.
“Để phát triển nhanh và bền vững chính sách tài chính không thể không nhắc tới việc phát triển phải đi liền với giải quyết môi trường, đảm bảo sự bền vững phát triển trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia ảnh bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu,” Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất, Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam cho rằng, năm 2019 là thời điểm Việt Nam trong quá trình trải nghiệm những thực tiễn thành công cho việc chuẩn bị chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Chiến lược này đóng góp cho định hình cải cách trong lĩnh vực tài chính trong giai đoạn Việt Nam đang hướng tới chuyển đổi số tích cực.
“Khuôn khổ cải cách hiện đại đặc biệt là tăng hiệu suất quản lý trong lĩnh vực tài chính công là đặc điểm quan trọng của quá trình hướng tới cải cách lâu dài sắp tới. Chúng tôi đánh giá cao cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong việc hướng tới một chính sách tài chính tạo động lực hướng tới mô hình tăng trưởng. Đây là nỗ lực lớn của chính phủ Việt Nam trong việc cơ cấu chính sách tài chính của một đất nước,” ông Sebastian nói.
Với mục tiêu tìm kiếm các động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong các chính sách tài chính ở Việt Nam trong thời gian tới, tại diễn đàn các chuyên gia đã tập trung vào việc nhận diện thực trạng mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của Việt Nam; định hướng giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, đánh giá lại thực trạng hiện nay của chính sách tài chính của Việt Nam góp phần tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó chỉ ra được những thách thức tồn tại của chính sách đó.
Theo giáo sư, tiến sỹ Ngô Thắng Lợi (Đại học Kinh tế Quốc dân) thì có nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam như hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ và chính sách đầu tư tạo công nghệ cao nhiều bất cập, sự yếu kém và những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân.
“Cần xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là một động lực quan trọng mà cần khẳng định là động lực cơ bản, là trụ cột chính nhằm tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện tại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế”, giáo sư, tiến sỹ Ngô Thắng Lợi cho biết.
Ngoài ra, theo giáo sư, tiến sỹ Ngô Thắng Lợi phải có các chính sách đột phá cụ thể cho khu vực tư nhân như tạo môi trường cũng như cơ hội tiếp cận bình đẳng tới các nguồn lực phát triển giữa các loại hình doanh nghiệp khác nhau, cũng như thực hiện giảm nhanh các chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy thị trường vốn, lao động, đất đai…
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, với yêu cầu khu vực này không chỉ đóng góp 10% trong GDP mà phải từ 20-25%, phấn đấu trong 10 năm tới, có 6-10 doanh nghiệp tư nhân trong top 500 của thế giới. Có như vậy mới đưa khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng cần có đánh giá để sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính công, đẩy mạnh đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Về cơ chế chính sách tài chính-ngân sách, phải thay đổi gì để góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam trên cơ sở thay đổi cơ cấu lại nền kinh tế.
Theo TTXVN/VIETNAM+