Thứ ba 30/04/2024 06:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Điện Biên Phủ: 32 năm vươn mình từ thị xã nghèo thành đô thị du lịch văn hóa - lịch sử

10:40 | 04/04/2024

(Xây dựng) – Với những lợi thế to lớn về vị trí địa lý, cảnh quan, sinh thái và di sản văn hóa, lịch sử, thành phố Điện Biên Phủ đang phấn đấu trở thành một đô thị du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia và đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Điện Biên Phủ: 32 năm vươn mình từ thị xã nghèo thành đô thị du lịch văn hóa - lịch sử
Thành phố Điện Biên Phủ hiện là đô thị loại III.

Đô thị du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia

Ngày 18/04/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-HĐBT về việc thành lập thị xã Điện Biên Phủ với diện tích hơn 6.300ha và 25.000 nhân khẩu, trực thuộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên).

Thị xã có xuất phát điểm rất thấp, giao thông khó khăn, hạ tầng kỹ thuật - xã hội lạc hậu, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 50%, tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế.

Nhưng sau 32 năm xây dựng và phát triển, Điện Biên Phủ đã có bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ, từ một thị xã miền núi vươn lên thành đô thị loại III vào năm 2003 và đang tiếp tục phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Hiện nay, thành phố Điện Biên Phủ có tổng diện tích tự nhiên 30.657,79 ha, bao gồm 7 phường và 5 xã. Dân số toàn đô thị đạt 81.690 người, tỷ lệ tăng trung bình đạt 1,15% (2021). Dự báo đến năm 2030, dân số toàn khu vực sẽ đạt khoảng 160.000 người, trong có đó 71,9% là dân số nội thị. Diện tích đất xây dựng vào năm 2030 dự kiến đạt khoảng 4.000 - 4.500ha.

Thành phố này có tính đặc thù cao với hệ thống dày đặc các di tích lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu như Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp.

Điện Biên Phủ: 32 năm vươn mình từ thị xã nghèo thành đô thị du lịch văn hóa - lịch sử
Thành phố Điện Biên Phủ có hệ thống di tích lịch sử dày đặc.

Bên cạnh đó, đô thị Điện Biên Phủ còn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của 19 dân tộc anh em vùng Tây Bắc, trong đó có những di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia như nghệ thuật xoè Thái, Tết Nào Pê Chầu của người Mông, lễ hội hoa ban... Nơi đây cũng sở hữu nhiều cảnh quan sinh thái đặc sắc như sông Nậm Rốm, cánh đồng Mường Thanh, hồ Pá Khoang, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang - Mường Phăng... Không những thế, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Điện Biên còn có vị trí địa chính trị, kinh tế thuận lợi khi nằm gần ngã ba biên giới giáp với Lào và Trung Quốc.

Với những lợi thế sẵn có, Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 18/04/2023 đã xác định sẽ xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một đô thị du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Đây cũng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Điện Biên, giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh của vùng Tây Bắc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng thời là đầu mối giao lưu về kinh tế đối ngoại và văn hóa, du lịch với các tỉnh Bắc Lào, Nam Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar.

Bên cạnh đó, Điện Biên Phủ còn có lợi thế lớn để phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistic) trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Quy hoạch đi trước một bước

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 08/06/2022 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ngày 07/04/2023, thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Kế hoạch 50-KH/TU, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 590/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP và Kế hoạch số 50-KH/TU.

Căn cứ các Nghị quyết của Trung ương, Kế hoạch thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn tại địa phương, UBND tỉnh Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành chức năng chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết và Kế hoạch nêu trên.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo nâng cấp chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, xác định quy hoạch phải đi trước, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Công tác quy hoạch đô thị luôn được quan tâm, chú trọng, thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung quy hoạch.

Điện Biên Phủ: 32 năm vươn mình từ thị xã nghèo thành đô thị du lịch văn hóa - lịch sử
UBND tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo nâng cấp chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, xác định quy hoạch phải đi trước một bước.

Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2045 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 18/04/2023 và đã lựa chọn được đơn vị lập đồ án quy hoạch.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác khảo sát, nghiên cứu tài trợ quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để triển khai đề xuất các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, thành phố Điện Biên Phủ đã thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch khu dân cư phía Đông phường Nam Thanh; Triển khai thực hiện các bước xây dựng Quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị; Triển khai khảo sát, lập các quy hoạch chi tiết; Công bố, công khai, cắm mốc quy hoạch đối với các đồ án chi tiết 1/500 trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian qua, thành phố cũng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng cộng 4 dự án trọng điểm đã được hoàn thành trên địa bàn thành phố, đó là dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên, dự án xây dựng cầu Thanh Bình, dự án đường 60m và dự án Hạ tầng khung.

Ngoài ra, thành phố Điện Biên Phủ đang tích cực triển khai một số dự án trọng điểm về đầu tư phát triển đô thị với mục tiêu hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, từ đó tạo nên diện mạo mới cho thành phố, hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 – 07/05/2024).

Các nhà đầu tư còn đang triển khai thực hiện một số dự án lớn tại thành phố như dự án chợ và thương mại dịch vụ Mường Thanh; dự án trung tâm thương mại và nhà ở thương mại thành phố Điện Biên Phủ; dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12… Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 148/NQ-CP và Kế hoạch của Tỉnh, tốc độ và chất lượng đô thị hóa của thành phố Điện Biên Phủ đã được được nâng cao.

Kết cấu hạ tầng của đô thị được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư bài bản để từng bước thực hiện các tiêu chí đảm bảo phù hợp với cấp đô thị theo quy hoạch.

Điện Biên Phủ: 32 năm vươn mình từ thị xã nghèo thành đô thị du lịch văn hóa - lịch sử
Thành phố Điện Biên Phủ đang tập trung thực hiện một số dự án trọng điểm nhằm hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo diện mạo mới cho đô thị.

Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng cuộc sống tại đô thị được nâng cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Kiến trúc đô thị được phát triển theo hướng xanh, hiện đại, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị.

Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Điện Biên Phủ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và đầu tư hệ thống kế cấu hạ tầng chưa thực sự đảm bảo thúc đẩy, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao và du lịch chưa đồng bộ. Một số chỉ tiêu cách xa so với chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn đến năm 2025, cần tiếp tục tập trung, phấn đấu hoàn thành trong những năm tới.

Để phấn đấu hoàn thành những nội dung, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 148/NQ-CP và Kế hoạch của Tỉnh, cấp ủy, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, thành phố Điện Biên Phủ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trước hết, thành phố sẽ tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Điện Biên Phủ: 32 năm vươn mình từ thị xã nghèo thành đô thị du lịch văn hóa - lịch sử
Phối cảnh Chợ du lịch Mường Thanh – Điện Biên bên dòng sông Nậm Rốm ở thành phố Điện Biên Phủ.

Một nhiệm vụ quan trọng khác mà thành phố Điện Biên Phủ cần thực hiện là từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đồng thời quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị nhằm đáp ứng vai trò là hạt nhân, động lực chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng bên cạnh nội lực của bản thân, thành phố Điện Biên Phủ cũng mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư công từ ngân sách Trung ương để thực hiện các chương trình, dự án trong kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

Mặt khác, Điện Biên Phủ cũng mong được tạo điều kiện tiếp cận với các chương trình dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là các lĩnh vực: Xử lý rác thải, nước thải đô thị; Cấp nước sạch; Công viên, nghĩa trang đô thị; Các dự án chống biến đổi khí hậu…

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load