Thứ năm 23/01/2025 10:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Điện Biên: Chính quyền “bất lực” trước sai phạm của doanh nghiệp

16:25 | 03/04/2023

(Xây dựng) - Mặc dù Sở Xây dựng, UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã ra hàng loạt văn bản yêu cầu dừng hoạt động, thậm chí UBND huyện còn có công văn đề nghị Điện lực Điện Biên dừng cung cấp điện, nhưng Nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ lò xoay tuynel di động của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng gạch tuynel công nghệ cao Điện Biên vẫn vô tư hoạt động. Điều này thể hiện sự “bất lực” của chính quyền địa phương.

Điện Biên: Chính quyền “bất lực” trước sai phạm của doanh nghiệp
Nhà máy vẫn hoạt động do UBND huyện Điện Biên triển khai các biện pháp ngăn chặn không hiệu quả.

Như Báo điện tử Xây dựng từng thông tin, liên quan đến hàng loạt sai phạm của Nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ lò xoay tuynel di động ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, từ ngày 23/3 – 28/6/2022, UBND huyện Điện Biên liên tục có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng gạch tuynel công nghệ cao Điện Biên tạm dừng ngay hoạt động sản xuất cho đến khi hoàn thiện, khắc phục, bổ sung đầy đủ các nội dung mà Đoàn kiểm tra của huyện yêu cầu.

Thậm chí, ngày 23/5/2022, UBND huyện Điện Biên còn có Công văn số 1153/UBND-KTHT gửi Công ty Điện lực Điện Biên đề nghị dừng cung cấp điện trong thời gian chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định đối với dự án Nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ lò xoay tuynel di động tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Tuy nhiên, biện pháp này không được Điện lực Điện Biên đồng ý.

Do chỉ có những biện pháp “mạnh tay trên giấy” của chính quyền huyện Điện Biên nên Nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ lò xoay tuynel di động tại xã Thanh Xương của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng gạch tuynel công nghệ cao Điện Biên vẫn tiếp tục hoạt động ngay trước cổng UBND huyện.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Đăng - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên thừa nhận đã nắm được thông tin Nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ lò xoay tuynel di động tại xã Thanh Xương hoạt động trở lại bất chấp yêu cầu tạm dừng của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, UBND huyện lại không thể tìm ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đăng, đối với diện tích gần 14.600m2 doanh nghiệp chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai nhưng đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, các cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên xác định đó là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Hiện tại, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên đang củng cố hồ sơ để tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Sau khi ban hành quyết định xử phạt, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục tiếp theo thuộc thẩm quyền cấp huyện.

Như vậy, những sai phạm của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng gạch tuynel công nghệ cao Điện Biên đã rất rõ ràng. UBND huyện Điện Biên và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Điện Biên cũng biết và kết luận điều này. Vị trí của nhà máy cũng chỉ cách cổng UBND huyện Điện Biên vài trăm mét. Xe chở gạch, nguyên liệu sản xuất vẫn ra vào ầm ầm suốt ngày.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà chính quyền các cấp huyện Điện Biên, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Điện Biên chỉ triển khai những biện pháp “xử lý trên giấy” mà không có cứ biện pháp hiệu quả nào ở thực địa dẫn đến việc doanh nghiệp “nhờn” luật và coi thường vai trò của chính quyền địa phương.

Câu hỏi về trách nhiệm của UBND huyện Điện Biên trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm của doanh nghiệp cần sớm được trả lời rõ ràng. Nếu không dư luận có quyền nghi ngờ về sự minh bạch, công bằng trong thực thi công vụ của chính quyền huyện Điện Biên và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Điện Biên.

Lã Vọng

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bình Định: Khởi tố vụ án khai thác cát trái phép

    (Xây dựng) - Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Định) đã tiến hành Khởi tố vụ án khai thác cát trái phép tại Công ty TNHH Đắc Tài có trụ sở tại thôn Thủ Thiện Thuận, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Đây là vụ án khai thác trái phép khoáng sản (cát) lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

  • Nhiều cá nhân và tập thể bị kỷ luật tại Gia Lai

    (Xây dựng) - Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Gia Lai đã tiến hành xử lý kỷ luật đối với nhiều cá nhân và tập thể thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai và nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đăk Đoa do các sai phạm trong lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ.

  • Nghệ An: Vi phạm quy định phòng cháy, Công ty Trung Đô bị xử phạt 80 triệu đồng

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành quyết định xử phạt 80 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Trung Đô (Công ty Trung Đô) do đưa công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

  • Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Đại học Huế

    (Xây dựng) - Ngày 18/1, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Huế cho biết, vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế để điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

  • Gia Lai: Hơn 2,7 tỷ đồng sai phạm tại huyện Chư Prông phải thu hồi

    (Xây dựng) - Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa công bố Kết luận Thanh tra, yêu cầu thu hồi số tiền hơn 2,7 tỷ đồng do sai phạm tại các cơ quan trực thuộc UBND huyện Chư Prông. Kết luận này nêu rõ những hạn chế trong quản lý tài chính và đầu tư xây dựng tại địa phương trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023.

  • Năm 2024, Thanh tra Sở Xây dựng Quảng Nam xử phạt nhiều đơn vị với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng

    (Xây dựng) – Trong năm 2024, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng Quảng Nam đã phát hiện, tham mưu xử lý vi phạm hành chính nhiều đối tượng vi phạm, với tổng số tiền xử phạt là 1,365 tỷ đồng, trong đó xử lý vi phạm về trật tự xây dựng là 1,04 tỷ đồng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load