(Xây dựng) – Hiện nay, các nhà hàng karaoke, vũ trường phải đóng cửa để thay đổi lại kiến trúc nội - ngoại thất theo yêu cầu phòng chống cháy nổ mới. Một trong những yêu cầu mới đó là phòng hát phải xây lắp bằng vật liệu khó cháy, nhưng thị trường vật liệu xây dựng trong nước và thế giới lại chưa có loại vật liệu cách âm mà khó cháy, khiến dịch vụ này chưa biết khi nào được hoạt động trở lại.
Quảng Ninh có trên 500 nhà hàng, cơ sở dịch vụ karaoke bị đóng cửa. |
Thời gian qua, dịch vụ karaoke, vũ trường ở một số tỉnh để xảy ra cháy, mất an toàn xã hội, có vụ cháy thiệt hại lớn thương vong trên 30 người, nên việc tăng cường, quản lý phòng chống cháy nổ (PCCN) đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là rất cần thiết. Các chủ doanh nghiệp karaoke, vũ trường đồng tình hưởng ứng vì sự kinh doanh an toàn cho chính mình.
Song thực tế, các vụ cháy thời gian qua diễn ra không phải riêng chỉ ở dịch vụ karaoke, vũ trường, mà tất các các ngành hàng, nhà xưởng, khu công nghiệp… đều đã từng xảy ra gây thương vong và thiệt hại tài sản. Không chỉ công trình trên bến, mà tàu bè dưới nước cũng từng bị cháy. Trong 2 năm gần đây, vịnh Hạ Long đã xảy ra 3 vụ cháy tàu ngay trên mặt nước.
Dịch vụ karaoke, vũ trường nguy cơ cháy và nguy cơ thương vong cao hơn các ngành nghề kinh doanh khác. Kết quả điều tra, xác minh các vụ cháy gây thương vong là do kiến trúc công trình không có đường thoát hiểm khi bất trắc cháy nổ xảy ra. Nguyên nhân gây cháy do trong quá trình sửa chữa công trình, khi hàn cắt sắt thép người thợ bất cẩn để phoi hàn đang cháy văng vào vật dễ cháy mà bén lửa. Có nguyên nhân chập điện nhưng ít, bởi yêu cầu về kỹ thuật phòng hát dây dẫn điện, dẫn tín hiệu phải đủ tiết diện, công suất tải mới đảm bảo âm thanh.
Cơ quan quản lý cần làm rõ nguyên nhân gây cháy; những tồn tại khi cháy khó cứu hộ cứu nạn để có những quy định sát với thực tế. Hiện nay, yêu cầu PCCN cho dịch vụ karaoke, vũ trường phải xây dựng bằng vật liệu khó cháy, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể dùng loại vật liệu xây dựng gì cho đạt yêu cầu.
Một hội viên gạo cội của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, hiện trên thị trường vật liệu xây dựng trong nước và thế giới chưa có loại vật liệu xây dựng nào đáp ứng được cả 3 yêu cầu: Về mỹ thuật, về cách âm, lại khó cháy... dùng để xây dựng phòng hát karaoke, hoặc phòng thu thanh, phim trường. Hiện, chưa có nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước nào đăng ký hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng đạt đồng thời được cả 3 tiêu chí: Cách nhiệt, cách âm, mỹ thuật. Trong xây dựng bông thủy tinh có thể cách âm, khó cháy… nhưng chỉ là một cốt liệu, không thay thế được toàn bộ vật liệu xây dựng nội ngoại thất phòng hát karaoke, phòng thu thanh, phim trường. Trong khi theo Nghị định 54/2019/NĐ-CP và Thông tư 01/2021/TT-BTC về điều kiện kinh doanh karaoke, phải đảm bảo điều kiện về cách âm (phòng hát karaoke phải đảm bảo tiêu chuẩn cách âm, không để âm thanh phát tán ảnh hưởng môi trường).
Phòng hát karaoke còn là công trình có tính thẩm mỹ cao, trang trí nội ngoại thất phải bắt mắt, văn minh, lịch sự, không thể dùng bê tông, sắt thép boong ke để xây dựng được khiến dịch vụ karaoke rơi vào thế “bí”. Các cơ quan quản lý Nhà nước ở cở sở cũng lúng túng chưa biết tháo gỡ khó khăn này bằng cách nào.
Các dịch vụ karaoke, vũ trường bị đóng cửa không có lộ trình, không có thời hạn đã và đang cộm lên vấn đề xã hội. Cụ thể, mỗi nhà hàng karaoke có từ 5 phòng hát trở lên đầu tư xây dựng khoảng 10-20 tỷ đồng, nhà hàng nhiều phòng đầu tư đến 50 tỷ đồng. Chỉ riêng một tỉnh như ở Quảng Ninh có trên 500 nhà hàng, cơ sở dịch vụ karaoke bị đóng cửa, khối tài sản khổng lồ bị “đắp chiếu” lãng phí tài sản xã hội.
Bình quân 1 phòng karaoke có 1 nhân viên phục vụ, dừng hoạt động mỗi tỉnh có hàng ngàn lao động mất việc làm. Đóng cửa karaoke Nhà nước thất thu thuế, dịch vụ văn hóa này còn là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của nhân dân và là một sản phẩm du lịch có giá trị thiết thực ở các địa phương tiềm năng du lịch.
Dịch vụ karaoke đường đột bị đóng cửa, nhiều nhà đầu tư khốn đốn khi vừa xuống tiền đầu tư, chỉnh trang phòng hát, riêng trang trí nội thất mất khoảng 300 triệu đồng/phòng (chưa kể thiết bị âm thanh). Sau 4 năm đóng cửa cách ly chống dịch Covid-19 nhà cửa hư hỏng, điện, loa máy lâu ngày không dùng tự hư hỏng. Nhiều cơ sở dịch vụ karaoke vừa được cấp phép còn chưa ráo mực, dịch vụ karaoke vừa khởi động trở lại sau ngày dài phong tỏa chống dịch, nay bị nghỉ một ngày là một ngày nặng nợ. Nợ tín dụng đến kỳ hạn không trả được, ngân hàng siết nợ đã phiền, nhiều người khốn khổ hơn là khoản nợ tín dụng ngoài, “đao búa” đến siết nợ.
Một khối lượng lớn công trình nhà cửa - thiết bị âm thanh bỏ hoang lãng phí tiền của xã hội; người dân mất việc làm; đình đốn một nhu cầu văn hóa; nguy cơ tín dụng xấu… Lãnh đạo nhiều địa phương trăn trở, tìm cách hóa giải nhưng đang “bí” về tìm loại vật liệu xây dựng đáp ứng được cả 3 yêu cầu: Mỹ thuật, cách âm, khó cháy.
Bùi Ánh Hồng
Theo