Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu (đã được phê duyệt ngày 30/1/2011, tại Quyết định 193/QĐ-TTg), tổng số dân bị ảnh hưởng trực tiếp nằm trong mặt bằng xây dựng công trình và vùng ngập lòng hồ phải di chuyển 1.331 hộ với 5.867 khẩu, số dân bị ảnh hưởng trực tiếp 617 hộ với 3.873 khẩu (số liệu điều tra tháng 12/2008). Dự báo, tổng số dân di chuyển đến khi hoàn thành công tác di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu tính đến hết năm 2014 (kể cả số dân sở tại phải di chuyển, số dự phòng phát sinh) là 1.760 hộ với 7.805 khẩu. Các hộ thuộc đối tượng di dân được bố trí tái định cư chủ yếu trên địa bàn huyện Mường Tè (Lai Châu) gồm 8 khu, 35 điểm, trong đó tái định cư chính thức gồm 7 khu, 33 điểm trên địa bàn 6 xã, 1 thị trấn, khả năng bố trí 1.770 hộ. Các khu tái định cư được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phù hợp với quy hoạch thủy lợi chung của vùng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho dân tái định cư và dân sở tại, được đầu tư xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, công trình cấp điện, nước sinh hoạt và các công trình công cộng khác. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu áp dụng theo chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và Quyết định số 34 ngày 8/4/2010 của Thủ tướng về việc ban hành Quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Công tác di dân, tái định cư phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016 và hoàn thành công trình vào năm 2017.
Trước đó, chính quyền tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè cũng được đánh giá cao về tinh thần chủ động trong công tác quy hoạch, tái định cư cho các hộ dân. Trong vòng 5 tháng rưỡi, chính quyền huyện Mường Tè và tỉnh Lai Châu đã di dời hoàn toàn 47 hộ dân với 177 nhân khẩu sinh sống trên khu vực mặt bằng công trường rộng 1.500ha đến nơi ở mới ổn định, góp phần quan trọng trong việc khởi công dự án thủy điện Lai Châu đúng tiến độ (ngày 5/1/2011).
Chia sẻ những kinh nghiệm thành công ban đầu, ông Lò Văn Giàng - Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: Việc đầu tư xây dựng công trình trọng điểm quốc gia thủy điện Lai Châu cũng là thời cơ để tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Mường Tè nói riêng bố trí sắp xếp lại dân cư, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, thông qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh… Với tinh thần đó, tỉnh Lai Châu xác định công tác tổ chức di dân, tái định cư cho gần 1,8 nghìn hộ dân hiện đang sinh sống trong vùng ngập lòng hồ và khu vực mặt bằng công trường là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo, sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự tin tưởng ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mà trước hết là đồng bào trong diện phải di dời, tái định cư. Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở ban ngành của tỉnh và huyện Mường Tè đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án thủy điện Lai Châu, từ đó xác định trách nhiệm của mình trong việc di dân đến nơi ở mới, phục vụ yêu cầu của dự án…
Cũng theo ông Giàng, thời gian tới, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch, quy hoạch đặt ra. Tuy nhiên, ông Giàng cũng đề xuất: Để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Lai Châu thực hiện công tác di dân, tái định cư cho các hộ nằm trong vùng lòng hồ bảo đảm nguyên tắc “đồng bào đến nơi ở mới từng bước có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”, bên cạnh việc áp dụng những chính sách đầu tư, hỗ trợ di dân tái định cư, tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư các công trình giao thông liên vùng và các công trình hạ tầng xã hội quan trọng khác, đồng thời điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp lại dân cư huyện Mường Tè và các đơn vị hành chính liên quan của tỉnh. Lai Châu đề nghị Chính phủ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính mới để góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè và các huyện tiếp nhận dân tái định cư thủy điện Lai Châu.
Lai Châu cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, phối hợp với tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến công tác tái định cư dự án thủy điện Lai Châu.
Được biết, thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện lớn, trọng điểm duy nhất của Việt Nam toàn bộ mặt bằng công trình và vùng lòng hồ nằm trọn vẹn trên địa bàn huyện Mường Tè.
Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho thủy điện Lai Châu Ngày 29/1/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 188/QĐ-TTg về việc ban hành cơ chế quản lý và thực hiện dự án thủy điện Lai Châu. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thủy điện Lai Châu và UBND tỉnh Lai Châu là chủ đầu tư dự án bồi thường di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu. Cụ thể, Tập đoàn EVN được thành lập BQLDA làm đầu mối quản lý. Một số hạng mục được phép lập và phê duyệt riêng trước khi thiết kế kỹ thuật được duyệt bao gồm quy hoạch tổng mặt bằng thi công công trình, các hạng mục dẫn dòng thi công, các hạng mục công trình thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng và phục vụ thi công. Cty CP Tư vấn xây dựng Điện 1 được chỉ định là đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, lập hồ sơ mời thầu các gói thầu công trình chính. Tuy nhiên, những công việc đặc thù, phức tạp mà tư vấn trong nước chưa có kinh nghiệm thì cho phép chủ đầu tư thuê tư vấn phụ nước ngoài để trợ giúp thực hiện. Tư vấn giám sát thi công công trình do chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn giám sát trong nước. Chủ đầu tư có thể thông qua đấu thầu quốc tế hạn chế để lựa chọn tư vấn nước ngoài nhiều kinh nghiệm trong một số lĩnh vực thuộc tuyến năng lượng và đập bê tông đầm lăn (RCC), trợ giúp trong giám sát thi công các hạng mục công trình có kỹ thuật phức tạp, thẩm định hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu thiết bị nhập ngoại. Cơ chế nói trên cũng cho phép chủ đầu tư phê duyệt phạm vi công việc khảo sát, thiết kế, phê duyệt kết quả đấu thầu và hợp đồng tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Phạm vi công việc thuê tư vấn phụ nước ngoài cho công tác thiết kế chính do Bộ Công Thương thỏa thuận trước khi phê duyệt. Tư vấn thiết kế tổ chức thi công các hạng mục công trình thuộc công trình chính và công trình dẫn dòng, mỏ đá do Tổng thầu thi công thực hiện. Ngoài ra, cơ chế còn đề cập đến các vấn đề liên quan như định mức đơn giá, tổng dự toán và dự toán xây dựng công trình, thiết bị công nghệ, quản lý và thực hiện dự án bồi thường di dân, tái định cư, thu xếp vốn cho dự án... |
Hòa Bình
Theo baoxaydung.com.vn