- Quảng Ninh: GS.TSKH Vũ Minh Giang sơ bộ có ý kiến về thần tích đền Xã Tắc
- Quảng Ninh: Đền Xã Tắc - cột mốc văn hóa vùng biên cương
(Xây dựng) – Đây là khẳng định của PGS.TS Đặng Văn Bài về đền Xã Tắc. Đền nằm ở TP Móng Cái, năm 2005 được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Dân địa phương tôn thờ, coi đền Xã Tắc như cột mốc văn hóa người Việt ở nơi biên ải vùng đông bắc Quảng Ninh. Nhưng gần đây dư luận cho rằng TP Móng Cái bịa ra tích, tự dựng đền Xã Tắc, nói đền này tích thờ “Mã Viện”. TP Móng Cái đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học, trưng cầu ý kiến các nhà sử học, nhà văn hóa lớn của Việt Nam về sự tích đền Xã Tắc.
Hội thảo khoa học đền Xã Tắc được tổ chức vào ngày 24/11/2018
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam dự và có bài tham luận. PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định đền Xã Tắc (Móng Cái) là hiện tượng văn hóa độc đáo của cư dân nông nghiệp lúa nước, sự tích hợp văn hóa ở vùng địa đầu biên giới quốc gia.
Trong tín ngưỡng sơ khai của dân tộc Việt Nam, cư dân nông nghiệp có nhiều hình thức “thiêng hóa” thần trời, thần núi, thần sông, thần biển… Trong đó, Thần Đất (Xã) và Thần Nông (Tắc) là hai yếu tố quan trọng nhất. Đây là hai vị thần bảo hộ trực tiếp cho văn minh lúa nước.
Người xưa quan niệm “phi thổ bất lập, phi cốc bất thực, vương giả dĩ thổ, vi trọng vi thiên hạ cầu phúc bảo công” theo nghĩa: “không có đất thì không thể trồng trọt, không có ngũ cốc thì không có cái ăn. Người làm vua lấy đất làm trọng, vì thiên hạ cầu Thần Đất cho phúc lộc may mắn”.
Trong Quốc triều chính biên toát yếu cũng viết “Tắc mà không Xã thì không sinh trưởng được. Xã mà không có Tắc thì không thành hiệu gì hết, cho nên hiệp tế Xã Tắc vi công lợi ngang nhau”. Từ đó suy ra đất và ngũ cốc là những yếu tố cần thiết không chỉ đối với cư dân nông nghiệp mà còn quan trọng cho cả quốc gia. Hơn nữa, đất đai còn được nhận thức là lãnh thổ của quốc gia dân tộc vì thế lại càng quan trọng hơn bất cứ thứ nào khác.
Nhận thức trên là cơ sở tinh thần để người ta sáng tạo ra hay linh thiêng hóa hai yếu tố đất và ngũ cốc (lúa) thành hai vị thần Xã và Tắc và được phối hợp thờ tại một thiết chế văn hóa - không gian tâm linh gọi là đàn Xã Tắc. Và kèm theo đó, có nghi thức thờ cúng mà đỉnh cao là lễ tế Xã Tắc. Các nhà khoa học coi đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tổng hợp, được gọi chung là lễ hội văn hóa truyền thống.
Nhìn từ góc độ văn hóa phi vật thể, đàn Xã Tắc/đền Xã Tắc và lễ tế thần Xã Tắc là biểu hiện cụ thể nét đặc trưng đa thần trong tín ngưỡng dân gian Việt. Tín ngưỡng và lễ tế thần Xã Tắc trong mức độ nào đó được tích hợp/lồng ghép, hay biểu hiện trong các hình thức tín ngưỡng điển hình của Việt Nam.
PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết, xuất phát từ những quan điểm khoa học phân tích trên để có thái độ ứng xử văn hóa đối với đền Xã Tắc và lễ tế thần Xã Tắc. Phục hồi lễ hội đền Xã Tắc ở TP Móng Cái, là hoạt động thiết thực để bảo tồn phần “hồn cốt” cũng như tính trường tồn trong tín ngưỡng thờ thần Xã Tắc.
Người xưa đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa cũng như sự cần thiết phải thành kính tôn thờ thần linh. Tài liệu bia ký còn lại ở đền Xã Tắc, mở đầu văn bia số 2 (đặt bên trái sân đền) ghi rõ “Thường thần cốc (thần lúa gạo), thần đất, là thần Xã Tắc chính là chúa tể của một làng, một nước. Bia số 3 (đặt bên trái trong đền) thể hiện rõ mục tiêu và mong muốn của người xưa “Thường nghe: Có được lạc thổ là nhờ ở Xã Tắc tôn thần. Từ xưa đến nay dân ta làm nghề buôn bán, đều hàm ân quang của tôn thần, người khỏe của thì nhiều đều hưởng hòa bình, thịnh vượng… mong được mãi ngàn năm kính phụng tế tự thần thì mọi người được vui cả, hưởng phúc lâu dài”.
Tuy nhiên chưa có tài liệu nào minh chứng xác thực đền Xã Tắc ở Móng Cái được xây dựng từ năm nào. Theo tài liệu văn khắc trên bia đá thì đền Xã Tắc được trùng tu lớn nhất vào năm 1879. Thời đó, Móng Cái là phủ Hải Ninh, văn khắc trên bia đá có nội dung: “…Miếu ở thôn Tây Ngạn của ta phụng thờ Xã Tắc đại vương đã được xây dựng từ lâu…”. Như vậy, ngay thời điểm đó, người dân Móng Cái cũng không biết đền Xã Tắc được xây dựng ở niên đại nào.
Do tính chất đa thần, tích hợp và hỗn dung văn hóa tín ngưỡng mà đền Xã Tắc xưa kia có nhiều bộ phận hợp thành: Đền thờ chính, nhà Mẫu, ban thờ Chúa Bà Bản Cảnh, lầu Cô, lầu Cậu và cây hương Trung thiên thờ Mẫu Cửu trùng thiên. Qua hồ sơ lưu tích, cho thấy đền Xã Tắc thờ long thần, thổ địa, bản thổ và cũng là nơi thờ bản cảnh thành hoàng làng “Xã Tắc đại vương”, ngoài ra đền còn phối thờ Mẫu và Trần triều.
Rõ ràng là đền Xã Tắc dựng lên để duy trì tín ngưỡng thờ thần Xã Tắc và các vị thần linh khác có liên quan tới cư dân nông nghiệp và thương nhân buôn bán ở vùng biên viễn của quốc gia.
Đền Xã Tắc trùng tu lớn năm 1879 (Kỷ Mão), năm 2005 được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
“Thường thì địa đầu biên giới bao giờ cũng là nơi đụng độ đầu tiên giữa kẻ thù xâm lược và đội quân trấn thủ biên cương. Do đó, hơn bất cứ nơi nào khác, biểu tượng của quốc gia dân tộc - ý chí độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng như biểu tượng cho khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc và mùa màng bội thu trở nên vô cùng quan trọng đối với cư dân Móng Cái xưa và nay”, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định.
Như vậy là đền thờ Xã Tắc có sử tích rõ ràng, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, không thể là ngôi đền thờ một vị quan lại thời Đông Hán của Nhà nước phong kiến Trung Quốc được.
Bùi Ánh Hồng
Theo