(Xây dựng) - Ngày 26/8, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV, chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành, cho biết đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 của sân bay Long Thành.
Dự kiến tổng mức đầu tư cả 2 hạng của dự án trên là 5.411.7 tỷ đồng, trong đó hạng mục xây đường cất hạ cánh số 2 khoảng hơn 3.455 tỷ đồng, san nền khu vực nhà ga hành khách T3 hơn 1.956 tỷ đồng.
Đường cất hạ cánh số 1 của sân bay Long Thành đang dần hoàn thiện. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Nội dung tờ trình của ACV gửi Bộ Giao thông vận tải cho biết, hạng mục xây đường cất hạ cánh số 2 dài 4.000m song song với đường cất hạ cánh số 1, hệ thống đường lăn, đường nối, đèn tín hiệu, biển báo, trang thiết bị quản lý bay và các công trình khác. Khu vực xây đường cất hạ cánh số 2 nằm trong phạm vi đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 1.810ha, đã được giải phóng mặt bằng. Hạng mục này có giá trị đầu tư khoảng hơn 3.455 tỷ đồng do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp.
Hạng mục san nền khu vực nhà ga hành khách T3 của sân bay Long Thành có diện tích khoảng 181ha, tổng mức đầu tư hơn 1.956 tỷ đồng. Khu vực san nền đã được giải phóng mặt bằng, nằm trong khu xây dựng sân bay giai đoạn 2 đang được UBND tỉnh Đồng Nai quản lý.
Nhà ga hành khách – “trái tim” dự án sân bay Long Thành đã thành “hình hài”. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Theo ACV, các cảng hàng không cần đảm bảo có thêm đường cất hạ cánh để tránh toàn bộ sân bay bị ảnh hưởng, có thể phải đóng cửa trong trường hợp xảy ra sự cố máy bay, hoặc tiến hành bảo trì, bảo dưỡng đường cất hạ cánh, xử lý sự cố thiên tai.
Vì vậy, ACV cho rằng việc xem xét xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền nhà ga T3 là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng. Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm. Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 xây dựng một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026. Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực. |
Nguyên Dũng
Theo