Thứ năm 28/03/2024 20:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đề xuất ban hành Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19

15:57 | 06/12/2021

(Xây dựng) - Ngày 6/12, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”.

de xuat ban hanh khung chinh sach phuc hoi va phat trien kinh te xa hoi ben vung gan voi chien luoc phong chong dich covid 19
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp (tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội) kết hợp trực tuyến (với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và hơn 30 điểm cầu quốc tế).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì và có phát biểu chỉ đạo quan trọng truyền đi thông điệp rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế và khơi dậy động lực mới, thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

de xuat ban hanh khung chinh sach phuc hoi va phat trien kinh te xa hoi ben vung gan voi chien luoc phong chong dich covid 19
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Từ tháng 12/2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt về kinh tế - xã hội thế giới.

Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến cả cung và cầu.

Lần đầu tiên tăng trưởng quý III/2021 giảm sâu (- 6,17%). Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ước đạt 2-2,5%.

Dự báo dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường, nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình CNH, HĐH phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển triển mới.

de xuat ban hanh khung chinh sach phuc hoi va phat trien kinh te xa hoi ben vung gan voi chien luoc phong chong dich covid 19
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn.

Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế - xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000-2019.

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 67/142 nền kinh tế, tăng 10 bậc trong 2 năm 2018 và 2019; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2021 đứng thứ 44/126 quốc gia.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 và thực hiện CNH, HĐH trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn.

Điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài. Chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được quan tâm đúng mức. Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về CNH, HĐH cần phải tập trung giải quyết để đạt được các mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách CNH, HĐH phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về CNH, HĐH. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.

Đồng thời, các nội dung ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia và các nhà khoa học tại Diễn đàn sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.

de xuat ban hanh khung chinh sach phuc hoi va phat trien kinh te xa hoi ben vung gan voi chien luoc phong chong dich covid 19
TS Mary Hallward-Driemeier tham luận trực tuyến với chủ đề Công nghiệp 4.0: Xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam.

Tại phiên toàn thể Diễn đàn, đại diện các bộ ngành đã báo cáo về Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19; Tương lai kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số và chia sẻ kinh nghiệm thành công của Bang Utah trong vấn đề phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Liên quan đến Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định: Việc ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Dự thảo Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 đề xuất các nhóm nhiệm vụ: Thứ nhất là triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, hoàn thiện quy định phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiết giảm chi phí.

Thứ hai là thí điểm và thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với du lịch, vận tải hàng không, các dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Thứ ba là thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của lao động, về lưu thông hàng hóa, dịch vụ và bảo đảm sản xuất an toàn.

Thứ tư, chú trọng thúc đẩy xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; hiện đại hóa ngành Y tế.

Dự thảo Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 đồng thời đề xuất các nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; An sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại diện cho các tổ chức quốc tế, từ đầu cầu trực tuyến, TS Mary Hallward - Driemeier, Cố vấn kinh tế cao cấp về Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo Ngân hàng Thế giới thì cho rằng trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid- 19, cần thiết thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ chiến lược tăng trưởng xanh.

Theo TS, nền kinh tế kỹ thuật số là công cụ hướng tới tăng khả năng cạnh tranh và phục hồi sau Covid-19. Việt Nam có thuận lợi là Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách liên quan như Chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020); Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 (tại Quyết định số 2289/QĐ-TTg, ngày 31/12/2020; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030…

Theo tinh thần của các quyết sách nói trên, Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho nền kinh tế kỹ thuật số là 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Đặc biệt, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã bắt đầu nhấn mạnh vào phát triển bền vững theo hướng “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”; “Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả đầu ra của các quá trình sản xuất”.

TS cho rằng với các nỗ lực trên, Việt Nam đang có cơ hội gắn chiến lược tăng trưởng xanh với công nghệ kỹ thuật số.

de xuat ban hanh khung chinh sach phuc hoi va phat trien kinh te xa hoi ben vung gan voi chien luoc phong chong dich covid 19
Toàn cảnh Diễn đàn.

Trong khuôn khổ phiên Diễn đàn cấp cao đã diễn ra tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tọa đàm tập trung vào 2 nhóm nội dung lớn là đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load