(Xây dựng) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.
Đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn cả nước đã hình thành hệ thống các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) gồm: 407 KCN, trong đó có 04 khu chế xuất được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 128.684 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha, chiếm khoảng 67% diện tích đất thành lập.
26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha.
18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha, trong đó khoảng 100.000 ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng.
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện trên các mặt: Thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực...
Việc phát triển KCN, KKT thời gian qua bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, thể hiện chủ yếu trên các mặt: Chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Loại hình phát triển chậm được đổi mới.
Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế. Phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội. Hiệu quả sử dụng đất chưa cao.
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, một trong những nguyên nhân chính là thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, KKT chưa được hoàn thiện, chưa có sự sáng tạo, đột phá để thích ứng với yêu cầu phát triển, tạo hướng đi mới cho phát triển KCN, KKT, cụ thể:
Tính pháp lý về quy định khung đối với KCN, KKT chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở cấp Nghị định. Trong khi đó, hoạt động của KCN, KKT liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động...
Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình thực thi chính sách về KCN, KKT, nhất là việc phát triển mô hình mới; thường xảy ra sự xung đột, thiếu thống nhất khi quy định của pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam nói chung và của KCN, KKT nói riêng thiếu hiệu quả để định hướng dòng đầu tư. Hiện chính sách ưu đãi đầu tư đối với KCN, KKT áp dụng chung trên địa bàn cả nước, chưa tính đến một số yếu tố đặc thù về điều kiện phát triển của từng KKT; chưa phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất và dịch vụ; thiếu chính sách khuyến khích việc hợp tác, liên kết giữa các dự án trong KCN, KKT. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc thu hút các khu thành lập sau và ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn; thúc đẩy việc hình thành các khu mang tính chuyên môn hóa cao và hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KKT chưa đồng bộ, phức tạp, chồng chéo, thiếu tính ổn định và khó dự đoán. Thực tiễn này là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư về sự ổn định của môi trường đầu tư và tính minh bạch, công bằng của chính sách và làm gia tăng vướng mắc, khiếu nại, tranh chấp trong hoạt động đầu tư.
Do vậy, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của các KCN, KKT, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được đề ra, việc xây dựng Luật là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, KKT, tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đề xuất 6 nhóm chính sách thực hiện
Dự thảo Luật đề xuất 6 nhóm chính sách thực hiện
Chính sách 1: Quy định nội dung và các điều kiện liên quan đến việc lập phương hướng xây dựng KCN, KKT trong quy hoạch vùng; phương án phát triển hệ thống KCN, KKT trong quy hoạch tỉnh.
Chính sách 2: Quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng KCN, thành lập KKT.
Chính sách 3: Ưu đãi đối với các KCN, KKT tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư thực hiện liên kết ngành, cụm liên kết ngành tại KCN, KKT.
Chính sách 4: Thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KCN mới, KKT mới, khu chức năng mới trong KKT.
Chính sách 5: Ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ.
Chính sách 6: Quản lý nhà nước về KCN, KKT.
Đỗ Quang
Theo