Thứ sáu 26/04/2024 17:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Để mỗi căn nhà là “cột mốc sống” nơi địa đầu cực Bắc

22:56 | 07/04/2021

(Xây dựng) - Gần 3.900 căn nhà cho người nghèo vùng biên giới được xây dựng thần tốc trong 20 tháng qua đã tạo niềm tin và sự phấn khởi lớn trong nhân dân tỉnh Hà Giang. Chương trình “Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo” giai đoạn 1 của tỉnh Hà Giang đã kết thúc, giai đoạn 2 đang gấp rút triển khai. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - Nguyễn Văn Sơn về chương trình này.

de moi can nha la cot moc song noi dia dau cuc bac
Ông Nguyễn Văn Sơn trả lời phỏng vấn Báo điện tử Xây dựng.

PV: Thưa ông, Chương trình nhà ở cho người nghèo ở Hà Giang đã kết thúc giai đoạn 1 với nhiều kết quả tốt đẹp, ông có thể cho biết, điều thuận lợi nhất, cũng như điều khó khăn nhất trong việc triển khai chương trình giai đoạn 1 này là gì?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo không ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời nhằm tri ân những người có công tham gia đóng góp vào sự phát triển, cũng như là bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Chương trình thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho người nghèo. Trong đó, giai đoạn 1 chúng tôi tập trung vào hỗ trợ cho cựu chiến binh, gia đình chính sách và hộ nghèo ở 34 xã biên giới để thực hiện chương trình xóa nhà tạm.

Chương trình đã tạo được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng giúp đỡ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giúp định hướng cho tỉnh Hà Giang thực hiện nội dung chương trình này.

Đến nay, chương trình thực hiện đã kết thúc giai đoạn 1 với tổng kinh phí chúng tôi đã huy động được 349 tỷ.

Trong quá trình thực hiện, Chương trình đã có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân từng thôn bản có hộ thuộc đối tượng của Chương trình. Lực lượng nòng cốt là công an, quân sự, biên phòng cũng như Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tham gia đóng góp ngày công. Giai đoạn 1, toàn tỉnh đã huy động được trên 126.000 ngày công để thực hiện chương trình này đã góp phần rất quan trọng để thực hiện xây những căn nhà 3 bền: “Mái, tường, nền” để giúp cho đồng bào.

Tuy nhiên, Chương trình đã gặp không ít khó khăn. Hầu hết các hộ thuộc diện chính sách đều có hoàn cảnh khó khăn, ở phân tán tại các địa bàn hẻo lánh, xa xôi, một số hộ còn ở nơi có nguy cơ sạt lở cao nên cần phải di dời đến nơi an toàn... Kinh phí là rất thiếu, đòi hỏi có thêm các nguồn lực hỗ trợ bên cạnh số tiền hỗ trợ theo quy định là 60 triệu đồng/hộ.

Đặc biệt hơn, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Giang phải cùng cả nước phòng, chống dịch Covid 19 vì vậy, mọi hoạt động phục vụ cho Chương trình đều gặp khó khăn. Bên cạnh đó, trong năm 2020 Hà Giang gặp nhiều thiên tai như, mưa lũ, gió lốc... Thế nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị mà với trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, tôi làm Phó Ban thường trực để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này. Tại các huyện, xã cũng có Ban Chỉ đạo Chương trình. Tất cả đều quyết tâm cao nhằm giúp các hộ gia đình thuộc Chương trình có căn nhà mới, để an cư lạc nghiệp. Mỗi căn nhà vùng biên giới sẽ là cột mốc sống nơi địa đầu cực Bắc.

Kết quả của giai đoạn 1 đã khiến cho toàn dân trong tỉnh vui mừng, đó là sự cố gắng của từ chính những người được hỗ trợ đến người dân trong các thôn, bản, các cấp chính quyền. Như lời của đồng chí nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đây là một cuộc thực hiện thần tốc, thần kỳ của tỉnh Hà Giang. Chỉ sau 20 tháng đã có hơn 3897 hộ vùng biên được ở trong ngôi nhà mới kiên cố và sạch sẽ.

PV: Với gần 3.900 căn nhà cho người nghèo được xây dựng nhanh chóng, liệu đây có phải là áp lực cho việc triển khai giai đoạn 2 hay không? Theo ông, đâu là điều khó khăn nhất trong việc triển khai giai đoạn 2 này?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Trong giai đoạn 1, chúng tôi đã tổ chức triển khai thực hiện ở 34 xã biên giới cũng như cho hộ gia đình chính sách, người có công, cựu chiến binh nghèo. Trong giai đoạn 2 chúng tôi ưu tiên cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nội địa để thực hiện. Theo số liệu điều tra và rà soát hộ nghèo cuối năm 2020, số căn nhà thiếu kiên cố, đơn sơ là 6.185 hộ, chiếm tỷ lệ 14,91% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, trong đó có 2.417 căn nhà cần được hỗ trợ xây nhà mới trong năm 2021.

Xuất phát từ đó, chúng tôi đã phát động giai đoạn 2, kêu gọi sự tham gia đóng góp, quyên góp của các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh tham gia đóng góp để thực hiện chương trình xóa nhà tạm giai đoạn 2.

Trong Lễ phát động giai đoạn 2, chúng tôi thì đã huy động được 60 tỷ đồng, như vậy, chỉ đủ chi cho 1.000 căn nhà. Còn 1.417 căn nữa thì tiếp tục cần có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, các nhà hảo tâm và các doanh nghiệp, cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân. Nếu chúng tôi thành công giai đoạn 2 thì đây là bản lề cho các năm tiếp theo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Với quyết tâm cao cùng với kinh nghiệm của giai đoạn 1, tôi tin giai đoạn 2 chúng tôi vẫn thành công. Chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức trên mọi miền.

PV: Thưa ông, Chương trình của tỉnh với tên gọi “Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo”. Vì sao hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 1 của chương trình này? Ở giai đoạn hai này, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã phải là ưu tiên hàng đầu hay chưa?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Hà Giang là một tỉnh biên giới cực Bắc Tổ quốc, có chiều dài biên giới tiếp giáp với hai tỉnh của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 277,56 km. Nơi đây cũng là nơi thoát khỏi chiến tranh biên giới muộn nhất của cả nước suốt từ năm 1979 đến 1989 và đặc biệt là trên chiến trường Vị Xuyên, nơi xảy ra cuộc chiến khốc liệt.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới thì là Hà Giang chịu nhiều đau thương, mất mát. Do vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, chúng tôi xác định việc mà giải quyết những việc tồn đọng như rà phá bom mìn, quy tập hài cốt liệt sĩ, quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình có công, cựu chiến binh nghèo, các hộ nghèo trên tuyến biên giới.

Xuất phát từ ý tưởng của đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và gia đình, cùng Hội chữ thập đỏ đã hỗ trợ 500 căn nhà. Đặc biệt, gia đình nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tài trợ 356 căn nhà. Số căn nhà này được xuất phát từ tên gọi Sư đoàn 356 đã tham gia chiến đấu tại mặt trận biên giới Vị Xuyên.

Cuộc chiến tàn khốc đã đi qua 30 năm nhưng để lại nhiều mất mát, đau thương cho người dân cả nước trong đó có Hà Giang. Với mong muốn không để còn một cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ phải còn ở trong căn nhà tạm vì thế Ban Chỉ đạo Chương trình đã quyết chọn đối tượng ưu tiên trong giai đoạn 1 là cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, người có công cũng như nghèo ở 34 xã biên giới.

Còn tại sao chúng tôi ưu tiên cho 34 xã biên giới? Chúng tôi mong muốn người dân sống trên 34 xã biên giới yên tâm sống và sản xuất. Chúng tôi xác định, mỗi người dân, mỗi hộ dân là một cột mốc sống để gìn giữ, để bảo vệ biên cương.

Từ đó, chúng tôi xác định đối tượng ưu tiên trong giai đoạn 1. Qua rà soát có trên 3.000 căn, trong đó có 1 số hộ đặc biệt khó khăn trong nội địa. Kết thúc giai đoạn 1, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đặt ra. Vì vậy, đến giai đoạn 2, chúng tôi tập trung xóa nhà tạm tại các xã nội địa.

PV: Tỉnh nhà kỳ vọng điều gì vào chương trình này khi nó kết thúc? Ông có thể công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ mail liên lạc, hay số tài khoản của chương trình.... để nhiều nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, bà con xa gần trên mọi miền tổ quốc, cũng như đồng bào ở nước ngoài biết đến ủng hộ không?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng như Ban Chỉ đạo Chương trình rất mong muốn 2.417 căn nhà giai đoạn 2 được triển khai thành công trong trong năm 2021. Tuy nhiên, tất cả còn còn phụ thuộc vào việc huy động kinh phí. Đến nay, Chương trình mới có 60 tỷ, chỉ đủ hỗ trợ cho 1.000 căn nhà, chúng tôi còn thiếu 1.417 căn nhà nữa.

Chúng tôi tiếp tục huy động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư cũng như là cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện trong năm 2021.

Ngoài ra, tỉnh Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn nhà dột nát, tạm bợ. Với mục tiêu đó, tỉnh Hà Giang rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ cho Chương trình.

PV: Nhà ở cũng đã rất quan trọng, nhưng nước sinh hoạt cũng quan trọng không kém. Ông có thể cho biết, tỉnh có chương trình nào về nước sinh hoạt tương tự chương trình nhà ở cho người nghèo hay chưa?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Đúng vậy, đời sống đồng bào nhân dân các dân tộc vùng cao hiện nay còn rất khó khăn, đặc biệt là 4 huyện núi đá của tỉnh Hà Giang, gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ. Không chỉ thiếu thốn về nhà ở mà điện, nước, y tế, giáo dục, cơ hội việc làm là những vấn đề Đảng bộ, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm, đã và đang thực hiện.

Chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng đề án cung cấp nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao núi đá. Tuy nhiên tại đây không có mạch nước ngầm mà chỉ phụ thuộc vào nước mưa vì vậy tỉnh đã xây bể, mua lu đựng nước cho bà con, thế nhưng chỉ giải quyết được nhu cầu trong thời gian ngắn. Chính phủ đã cho xây dựng 125 hồ treo chứa nước tại 4 huyện vùng cao nhưng vì vị trí địa lý quá cao nên đến nay mới chỉ có khoảng 35% hộ dân được dùng nước sạch. Vào mùa khô thì vẫn là thiếu nước sinh hoạt, kể cả nước cho sản xuất chăn nuôi.

Nước sinh hoạt cho người dân là vấn đề không thể xã hội hóa mà phải bằng sự đầu tư của Nhà nước. Do vậy, tôi rất mong Chính phủ, các Bộ, ngành hãy quan tâm giúp Hà Giang để thực hiện đề án Xây dựng hồ treo mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Hà Giang. Nếu được xây dựng 265 hồ này, thì vấn đề khát nước, đói nước của Hà Giang mà đặc biệt đối với 4 huyện cao nguyên đá sẽ được giải quyết một cách căn bản.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc Chương trình nhà ở cho người nghèo của tỉnh Hà Giang thành công như kế hoạch đề ra!

Mọi sự đóng góp và ủng hộ xin chuyển đến:

Tài khoản: 820.2110.000.19, tại Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang.

Đơn vị tiếp nhận: Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hà Giang.

Số điện thoại: 02193866339

Email Văn phòng: [email protected].

Thực hiện: Tâm Bút - Mai Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load