(Xây dựng) - Ngày 01/8/2018, tại Quyết định số 950/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950). Triển khai Đề án 950, các Bộ, địa phương đã vào cuộc khẩn trương.
Bộ Xây dựng phổ biến rộng rãi nội dung của Đề án 950
Đề án 950 đã xác định các quan điểm, nguyên tắc về phát triển đô thị thông minh và 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Tại các Hội thảo, Hội nghị trong và ngoài nước, Bộ Xây dựng phổ biến rộng rãi nội dung của Đề án 950. |
Theo đó, đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích. Các địa phương tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh thông qua việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao tính tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng lượng và các nguồn lực phát triển để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội...
Ngay sau khi Đề án 950 được ban hành, Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Đề án đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của Đề án. Tại nhiều Hội nghị, Hội thảo trong nước và quốc tế, các sự kiện tổ chức tại địa phương, Bộ Xây dựng đã chủ động giới thiệu về Đề án.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp xây dựng 02 chương trình truyền hình phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam VTV và Truyền hình Quốc hội để giới thiệu, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam theo các quan điểm và nguyên tắc của Đề án 950.
Đồng thời, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 950, phân giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, có kế hoạch thực hiện cụ thể. Theo đó, các Bộ: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ duy trì sự kết nối thường xuyên, phối hợp trong triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh. Các địa phương duy trì chế độ báo cáo định kỳ hàng năm tình hình thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển đô thị thông minh…
Các Bộ chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý
Triển khai Đề án 950, các Bộ, ngành đang khẩn trương tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam. Điển hình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số tiêu chuẩn trên cơ sở tiếp thu các tiêu chuẩn của ISO về phát triển đô thị thông minh. Bộ này cũng đang triển khai một số nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu hỗ trợ xây dựng và phát triển đô thị thông minh, gồm: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; Phát triển dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh.
Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn giai đoạn 2019 – 2020 các Tiêu chuẩn hạ tầng thông minh cho cộng đồng và Tiêu chuẩn hệ thống giao thông thông minh.
Tương tự, Bộ Xây dựng cũng đang triển khai nghiên cứu Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh; Quản lý dự án phát triển đô thị có quy mô lớn ứng dụng giải pháp đô thị thông minh; Xây dựng chương trình thí điểm phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông minh. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0); Xây dựng Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0). Hiện Bộ này đang triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý cơ sở dữ liệu liên thông; triển khai các địa phương đăng ký thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”; Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ địa hình, không gian địa lý quốc gia thống nhất trên đất liền, vùng biển và hải đảo; Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám quốc gia…
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hoàn thiện Đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”; Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các bộ, ngành” và Đề án “Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia”.
Các địa phương chủ động phát triển đô thị thông minh
Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, trước và sau khi Đề án 950 được phê duyệt, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện định hướng phát triển đô thị thông minh trên địa bàn.
Các địa phương tích cực phát triển đô thị thông minh. |
Cả nước hiện đã có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.
Cụ thể, 15/38 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; 08/38 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950;15/38 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án.
Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng 30 tỉnh đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 12/63 tỉnh đã triển khai xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 13/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh; trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị và một số ứng dụng khác.
Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh, trên cả nước có 28 tỉnh, thành phố đã đăng ký thí điểm dịch vụ đô thị thông minh, trong đó 19 địa phương có kế hoạch thực hiện cụ thể.
Chương trình thí điểm sẽ thực hiện trong năm 2020, gồm thí điểm trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh và triển khai thí điểm một số dịch vụ cơ bản (gồm các dịch vụ phản ánh hiện trường, giám sát điều hành giao thông, an ninh trật tự đô thị, giám sát thông tin môi trường mạng, giám sát an toàn thông tin). Nội dung các đề án được các địa phương lập, phê duyệt sau khi có Đề án 950 đã bước đầu phản ánh được các nhiệm vụ ưu tiên mà Đề án 950 đã xác định. Nhiều Đề án về đô thị thông minh được các địa phương phê duyệt trước thời điểm Đề án 950 được ban hành tập trung về nội dung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và lựa chọn một số trụ cột trong các lĩnh vực dịch vụ, ứng dụng để ưu tiên phát triển.
Tuy nhiên, các nội dung về thực hiện quy hoạch đô thị thông minh chưa được chú trọng đầy đủ. Nội dung về quản lý đô thị thông minh chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu đô thị.
Cũng theo ghi nhận Bộ Xây dựng, các địa phương có sự khác nhau trong việc phân công cơ quan đầu mối chủ trì xây dựng đề án đô thị thông minh giữa các Sở: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư.
Quý Anh
Theo