Thứ sáu 26/04/2024 00:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

ĐBSCL: Chuỗi đô thị dọc sông Tiền, sông Hậu

09:03 | 29/04/2021

(Xây dựng) - Sau 46 năm đất nước hòa bình, thống nhất, diện mạo đô thị Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều đổi thay. Tất cả các đô thị trung tâm của tỉnh lỵ đã trở thành và đang hướng đến đô thị loại II. Riêng Cần Thơ là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương và đang hướng đến đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL…

dbscl chuoi do thi doc song tien song hau
TP Hà Tiên tương lai nhiều triển vọng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế.

Bức tranh đô thị sáng những gam màu…

Trước 30/4/1975, đô thị vùng ĐBSCL, nghèo nàn, dân cư, nhà cửa thưa thớt. Ngày đó, nói đến thành phố mọi người đều nghĩ đến Sài Gòn chứ không ai nghĩ đến thành phố tại vùng sông nước miệt vườn Cửu Long. Chỉ có hai địa danh mà từ thời Pháp thuộc đã tập trung xây dựng mang tên thành phố như Cần Thơ - Tây Đô và TP Mỹ Tho. Còn các nơi khác chỉ là thị xã.

Sau 46 năm xây dựng đất nước, đô thị vùng ĐBSCL đã khác xưa, sầm uất và nhộn nhịp. Hiện 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều có thành phố; toàn vùng có 24 đô thị từ loại I - III. Trong đó, 01 đô thị trực thuộc Trung ương là TP Cần Thơ; 02 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là TP Mỹ Tho - Tiền Giang, TP Long Xuyên - An Giang; 12 đô thị loại II và 09 đô thị loại III.

Những tỉnh có nhiều thành phố như tỉnh Đồng Tháp đã có 3 thành phố (Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự), Kiên Giang cũng 3 thành phố (Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc). Hậu Giang, trước 30/4/1975, thời chiến tranh chống Mỹ là tỉnh Chương Thiện (tên cha mẹ của Trần Lệ Xuân) được biết đến là Khu trù mật, nơi đóng quân để ngăn chặn cửa ngõ căn cứ cách mạng U Minh nay đã hình thành 2 thành phố (Vị Thanh, Ngã Bảy).

Sau 30/4/1975, nơi cuối trời Tổ quốc là tỉnh Minh Hải, chia tách thành Cà Mau và Bạc Liêu. Bây giờ, Cà Mau đã thay “áo mới” là TP Cà Mau đẹp hơn nhiều. TP Bạc Liêu được đầu tư xây dựng nhiều hơn, với những công trình văn hóa ấn tượng như: Nhà hát 3 nón lá, đờn kìm tại Quảng trường Hùng Vương hay Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Cà Mau, Bạc Liêu đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư BĐS đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, khu dân cư, ngày khang trang hơn. Bến Tre sau một thời gian dài là thị xã Bến Tre, được biết đến như ốc đảo nhưng khi cầu Rạch Miễu được xây dựng, bắc qua sông Tiền, nối liền đôi bờ Tiền Giang - Bến Tre, thị xã Bến Tre trở TP Bến Tre. Bến Tre thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách với danh tiếng “vương quốc dừa Bến Tre”.

Đồng Tháp trước đây chỉ có thị xã Cao Lãnh, nơi được xem là “khuất nẻo” vì đường xá giao thông không thông thương. Nay khi cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống được xây dựng, Đồng Tháp đã kết nối liên vùng và trở thành một trong những tỉnh có nhiều thành phố nhất vùng ĐBSCL. Đó là TP Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự. Các đô thị của tỉnh Đồng Tháp đang phát triển nhộn nhịp.

Ấn tượng là sự đổi thay của TP Cần Thơ. Từ lâu, TP Cần Thơ được xem là thủ phủ miền Tây nhưng từ khi sau 30/4/1975 và đặc biệt là từ khi Cần Thơ trở thành TP trực thuộc Trung ương (ngày 26/11/2003), tốc độ phát triển đô thị ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nhiều hơn, nhiều khu đô thị khang trang. Sau 15 năm trực thuộc Trung ương, GDP TP Cần Thơ tăng trưởng 8,81 lần. TP Cần Thơ nhộn nhịp, sầm uất, trở thành trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ bán lẻ thứ ba của cả nước.

dbscl chuoi do thi doc song tien song hau
Cần Thơ - đô thị miền sông nước đã nhiều đổi thay đang hướng đến thành phố hạt nhân vùng ĐBSCL.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “TP Cần Thơ được mệnh danh là Tây Đô - thủ phủ miền Tây; là 01 trong 05 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL. Những năm qua, Cần Thơ là điểm sáng đầy tiềm năng, phát triển mạnh kinh tế - xã hội; trong đó, kinh tế tăng trưởng ở mức khá, tăng bình quân 7,53%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển, chất lượng ngày càng được nâng lên; các lĩnh vực văn hóa - xã hội từng bước được cải thiện và nâng cao…”.

Trong tương lai, TP Cần Thơ sẽ phát triển mạnh hơn, với mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao…

Chuỗi đô thị - động lực phát triển kinh tế vùng

Tốc độ thị hóa vùng ĐBSCL được đẩy nhanh nhưng còn chậm so với nhu cầu. Các tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất và có xu hướng tiếp tục gia tăng chủ yếu nằm trong vùng Nam sông Hậu, còn các tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nằm ở Bắc sông Hậu, thấp nhất là Bến Tre (10%), Đồng Tháp, Long An (18%), Vĩnh Long (17%), Trà Vinh 17%, Tiền Giang 15%”.

Các chuyên gia cho rằng, để cạnh tranh trên trường quốc tế, cần hình thành vùng đại đô thị, có quy mô chục triệu dân. Xét về phát triển đô thị, vùng ĐBSCL không đủ lực để tạo thành một vùng như vậy; do đó, cần nhận đúng thực tế là không thể tách rời vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. Quan điểm mới về định hướng phát triển đô thị của vùng ĐBSCL, đó là phát triển chuỗi đô thị hiện hữu dọc theo sông Tiền, sông Hậu, thành vùng đô thị hóa - công nghiệp hóa tập trung, trong đó TP Cần Thơ giữ vai trò trung tâm vùng. Vùng đô thị này liên kết phát triển chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ ở phía Đông, kết nối quốc tế với Campuchia về phía Tây.

Theo Ths.KTS Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, phát triển vùng công nghiệp cần gắn với phát triển đô thị. Phát triển vùng ĐBSCL trở thành một hệ thống kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ. Kiến tạo các trung tâm phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng đất đai màu mỡ của vùng ĐBSCL, một nền nông nghiệp và thủy sản phát triển cao, vận hành nhịp nhàng với các trung tâm đô thị và chế biến cho mỗi tiểu vùng sinh thái đô thị (gồm Hồng Ngự, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau), kết hợp các đô thị trung tâm tỉnh lỵ khác của vùng (gồm Tân An, Cao Lãnh, Long Xuyên, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh và Sóc Trăng).

Phát triển hệ thống đô thị từ tập trung đa cực sang mô hình phân tán theo các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gắn với công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, nghiên cứu, đào tạo, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng và tiểu vùng dọc sông Tiền, sông Hậu. Các đô thị loại I có vai trò cấp vùng bao gồm 06 thành phố tỉnh lỵ: Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Long Xuyên (tỉnh An Giang), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Tân An (tỉnh Long An).

Các đô thị được đề xuất đóng vai trò trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gồm: TP Cần Thơ (tiểu vùng dọc sông Tiền sông Hậu), TP Rạch Giá (tiểu vùng Tây sông Hậu), TP Cà Mau (tiểu vùng bán đảo Cà Mau), TP Bạc Liêu (tiểu vùng ven biển Đông), TP Hà Tiên (tiểu vùng tứ giác Long Xuyên, Hồng Ngự (tiểu vùng Đồng Tháp Mười). Tại các đô thị này, vai trò vung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp được thúc đẩy bằng các trung tâm chuyên ngành về nghiên cứu ứng dụng, giúp kiến tạo và đổi mới sản phẩm nông nghiệp và bảo tồn hệ thống sinh thái đặc trưng của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Bên cạnh đó, các đô thị này cũng là trung tâm du lịch tiểu vùng.

Tương lai, vùng ĐBSCL có chuỗi đô thị tập trung theo dọc sông Hậu từ Châu Đốc tới Cần Thơ, dọc theo sông Tiền, từ cửa khẩu An Giang tới Bến Tre rồi rẽ ngang về phía TP.HCM, tạo thành một chuỗi đô thị hình trăng lưỡi liềm, là vành đai đô thị vùng ĐBSCL. Vành đai này là nơi tập trung hiện hữu sức người, sức của và cũng là những vùng đất tương đối thuận lợi cho phát triển và định cư lâu đời. Vì thế, việc đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, hạ tầng lớn như cao tốc cần ưu tiên đầu tư trong vành đai này mới đạt được hiệu quả. Nếu dàn trải ra những vùng mật độ thấp một cách khiên cưỡng thì hiệu quả lại không cao.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load