Thứ năm 25/04/2024 13:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đầu tư xây dựng 100 đô thị tiêu biểu: Nên sắp xếp thành từng nhóm đô thị tiêu biểu cụ thể

15:57 | 14/03/2023

(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, về nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chương trình đưa ra nhiệm vụ thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm ít nhất 100 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị.

Đầu tư xây dựng 100 đô thị tiêu biểu: Nên sắp xếp thành từng nhóm đô thị tiêu biểu cụ thể
Không có đô thị nào tiêu biểu toàn diện, nhưng dù không toàn diện nó vẫn là đô thị tiêu biểu từng phần và đó chính là yếu tố tạo nên tính đặc thù, bản sắc của mỗi đô thị.

Vậy đô thị tiêu biểu là gì? Và chúng ta nên thực hiện việc đầu tư xây dựng các đô thị tiêu biểu ra sao? Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng).

PV: Vừa qua, Nghị quyết số 148/NQ-CP đã đưa ra nhiệm vụ thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm ít nhất 100 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị. Vậy theo ông, đô thị tiêu biểu là gì?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Trước khi nói về đô thị tiêu biểu, ta lấy ví dụ về đô thị thông minh để trao đổi qua một chút. Trên thế giới, người ta dùng khái niệm đô thị thông minh cũng khá nhiều rồi và mọi người cũng nhận thức được rằng, không có đô thị nào thông minh một cách toàn diện mà chỉ có đô thị thông minh “từng phần”. Tuy nhiên, dù đô thị thông minh từng phần nó vẫn được gọi là đô thị thông minh.

Vì vậy, một đô thị được coi là tiêu biểu, có thể tiêu biểu một cách toàn diện tuy nhiên nên lựa chọn đô thị tiêu biểu từng phần trong quá trình phát triển. Đây cũng là một nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Xây dựng cũng có chương trình hành động để thực hiện theo nội dung này.

Một đô thị có rất nhiều nội dung vì thế khi chúng ta lựa chọn đô thị tiêu biểu thì nên phân nhóm tiêu biểu. Dựa theo Nghị quyết của Bộ Chính trị là quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững, vì vậy chúng ta phải chia nhóm vấn đề về đô thị tiêu biểu theo những nội dung này. Thứ nhất là, đô thị tiêu biểu về mặt quy hoạch; Thứ hai là, đô thị tiêu biểu về mặt quản lý; Thứ ba là, đô thị tiêu biểu về mặt xây dựng và thứ tư là đô thị tiêu biểu về phát triển bền vững. Chúng ta sẽ phân chia thành 04 nhóm lớn, và 100 đô thị tiêu biểu sẽ được sắp xếp phù hợp ở 4 nhóm lớn này.

Và xuyên suốt trong các nhóm đô thị tiêu biểu là đảm bảo đô thị phát triển bền vững. Thế giới đã có định nghĩa phát triển bền vững đó là sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại đến thế hệ tương lai. Nghĩa là, phát triển bền vững đô thị cũng phải hài hòa về phát triển kinh tế đô thị, đảm bảo công bằng xã hội trong đô thị và bảo vệ môi trường đô thị, đó là 3 trụ cột chính trong phát triển bền vững.

PV: Vậy theo ông, Việt Nam có thể xây dựng các đô thị tiêu biểu theo các khía cạnh cụ thể nào?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Theo định nghĩa của UN Habitat, năm 1992: “Đô thị hóa là quá trình dân số tập trung ở thành thị hoặc tăng tỷ lệ dân cư sống ở thành thị do dịch cư từ nông thôn ra thành thị hoặc do diện tích đất ở đô thị tăng lên”.

Có thể hiểu, đô thị hóa là sự mở rộng của đô thị về diện tích và dân số; nó là quá trình mà dân cư nông thôn chuyển sang thành dân cư đô thị, đất nông thôn thành đất đô thị hay nói cách khác là quá trình mở rộng quy mô diện tích và dân số.

Vì vậy, khi chúng ta bàn về đô thị tiêu biểu, thì phải có những đô thị tiêu biểu về mặt dân số của đô thị. Nghĩa là, dân số đáp ứng tiêu chí của loại đô thị tương ứng, nhưng đồng thời trong quản lý sẽ quản lý được dân số được dự báo trong quy hoạch, đến thời kỳ quy hoạch đáp ứng được dân số như quy hoạch mong đợi, thì đấy được coi là tiêu biểu. Trong quá trình biến đổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đến một thời kỳ nào đó, dân số không được như quy hoạch dự báo, có thể tăng hoặc giảm do sự sáp nhập của địa giới hành chính hoặc do sự thay đổi của văn bản pháp quy.

Quản lý diện tích đất đô thị, cũng là một khía cạnh mà trong đô thị hóa được mở rộng về diện tích. Quá trình tăng lên của diện tích đất đô thị, chúng ta cần dự báo và quản lý đất đô thị theo quy hoạch, nếu làm được tốt như thế thì cũng được coi là tiêu biểu.

Ngoài ra về dân số, chúng ta cũng cần chú trọng đến vấn đề dịch cư đô thị mà lâu nay ít được để ý đến. Chúng ta chỉ để ý đến di cư nói chung trong bối cảnh kinh tế - xã hội, giữa tỉnh này sang tỉnh kia, vùng này sang vùng kia. Dịch cư đô thị là những người từ nông thôn ra đô thị hay những người có thu nhập thấp không phải là lực lượng chính quy của đô thị. Những người đó thu nhập thấp và điều kiện để hòa nhập được với cộng đồng dân cư đô thị đó là rất khó khăn và không có tính công bằng. Đôi khi giá điện nước họ phải trả cao hơn giá bình thường trong khi thu nhập của họ lại thấp. Chính sách về dịch cư đô thị thế nào thì cần được quan tâm và đô thị nào quan tâm tới dịch cư đô thị tốt thì cũng là những đô thị tiêu biểu về mặt dịch cư đô thị. Ở đây, tôi muốn nói rằng những yếu tố để lựa chọn thành phần tiêu biểu có thể được chia ra thành những nhóm nhỏ.

Sự phát triển đô thị có 2 loại hình về hạ tầng và được quan tâm nhiều, đó là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hạ tầng xã hội liên quan nhiều ngành khác nhau còn hạ tầng kỹ thuật là những lĩnh vực chính mà Bộ Xây dựng quan tâm.

Về hạ tầng xã hội có những đô thị tiêu biểu về giáo dục. Có những đô thị có rất nhiều trường đại học mà bản chất giống như một đô thị đại học. Nó là những đô thị cần được quan tâm, lĩnh vực giáo dục có thể có 1-2 đô thị nào đó đại diện, ngoài ra còn có đô thị tiêu biểu về văn hóa, y tế hay thể dục thể thao. Hay đô thị tiêu biểu về nhà ở đô thị, trong đó có đô thị tiêu biểu về nhà ở xã hội.

Liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, thì phải có đô thị tiêu biểu về giao thông, thoát nước mưa đô thị hay quản lý cao độ nền của đô thị, có đô thị tiêu biểu về quản lý nước thải, đô thị tiêu biểu về quản lý chất thải rắn, về chiếu sáng đô thị, về công viên cây xanh, đô thị tiêu biểu về công trình ngầm trong đô thị... Tất cả các lĩnh vực hạ tầng đều nên có một số đô thị tiêu biểu đại diện.

Ngoài ra còn có đô thị tiêu biểu về kinh tế đô thị, nghĩa là đô thị tự làm ra nguồn lực kinh tế thông qua quản lý đất đai, tài nguyên theo quy hoạch. Hay, đô thị tiêu biểu về mặt thương hiệu đô thị, có bản sắc; ở đó kiến trúc, công trình tiêu biểu của nó mang những đặc thù riêng của các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn có đô thị tiêu biểu về phát triển công nghiệp trong đô thị. Sự đồng bộ về công nghiệp hóa và đô thị hóa. Cũng nên lựa chọn những đô thị tiêu biểu từ những khu công nghiệp hiện nay chưa có đồng bộ về nhà ở công nhân hay hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chọn một vài khu công nghiệp tiêu biểu mà nó vừa được công nhận là đô thị để chỉ ra rằng đấy là sự đồng bộ để nó hướng tới một đô thị công nghiệp trong tương lai. Từ đó, thay đổi nhận thức của xã hội là phải quy hoạch đô thị công nghiệp ngay từ ngày đầu. Hiện nay, thế giới cũng quan tâm đến vấn đề quản lý phát triển các khu ven đô. Các khu ven đô hướng tới đô thị, theo quy hoạch nhưng có những nơi làm chưa tốt. Vì theo quy hoạch, khu vực ven đô có thể là đô thị trong tương lai, nhưng chúng ta lại phát triển theo Chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm quy hoạch nông thôn mới. Với những tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau giữa nông thôn mới và đô thị dẫn tới sự không đồng bộ và phải triển khai từ đầu gây nên lãng phí.

Ngoài ra còn có các đô thị đặc thù như: Đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp, đô thị di sản, đô thị đại học, đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững, đô thị du lịch.

PV: Có thể thấy, việc thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm ít nhất 100 đô thị tiêu biểu trong thời gian tới là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, từng bước phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Vậy theo ông, chúng ta cần triển khai thực hiện ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Như tôi đã phân tích ở trên, bám sát tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, chúng ta sẽ có 4 nhóm đô thị tiêu biểu về: Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững. Tất cả những yếu tố này đều hướng tới đô thị phát triển bền vững. Và từ những nhóm chính, chúng ta sẽ lựa chọn các đô thị tiêu biểu ở các khía cạnh khác nhau. Không có đô thị nào tiêu biểu toàn diện nhưng dù không toàn diện nó vẫn là đô thị tiêu biểu từng phần và đó chính là yếu tố tạo nên tính đặc thù, bản sắc của mỗi đô thị.

Tôi cho rằng, không nên đầu tư dàn trải, không nên có một bộ tiêu chí chung cho các loại đô thị mà chúng ta cần phải hướng đến theo các nhóm của vấn đề được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tùy theo nguồn lực, đặc thù của từng địa phương mà chọn hướng đi phù hợp để phát triển theo từng nhóm các đô thị tiêu biểu khác nhau.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Khánh Hòa (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load