Năm 2024, thị trường đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội diễn ra sôi động, nhất là ở các quận, huyện Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Oai... Tuy nhiên, tình trạng trúng đấu giá rồi bỏ cọc vẫn xuất hiện, gây nhiễu loạn thị trường.
Trước thực tế đó, Hà Nội sẽ siết chặt công tác đấu giá đất năm 2025, ưu tiên đối tượng đấu giá là tổ chức, thay vì cá nhân, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất...
![]() |
Năm 2024, các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai thu hút đông đảo người dân tham gia. |
Điều kiện tham gia đấu giá chặt chẽ hơn
Điều 7, Quyết định số 61/2024/ QĐ-UBND ngày 27-9-2024 của UBND thành phố Hà Nội (có hiệu lực từ ngày 7-10-2024), về việc lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất nhằm giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất nêu rõ, phương án đấu giá quyền sử dụng đất được quyết định theo từng dự án cụ thể, tuân thủ quy định tại Khoản 3, Điều 55, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP và điều chỉnh phù hợp với thực tế. Mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy đầu tư phát triển các khu đô thị, nhà ở theo hướng hiện đại, đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong đó, đấu giá quyền sử dụng đất chủ yếu phục vụ triển khai dự án đầu tư, nhằm hình thành các khu đô thị, nhà ở văn minh, hiện đại.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất ở cho cá nhân, UBND thành phố sẽ xem xét, quyết định theo từng dự án, phù hợp với định hướng phát triển chung và đặc thù từng khu vực, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Thực hiện đấu giá đất theo quyết định mới, Giám đốc Trung tâm Quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng cho biết, năm 2025, huyện dự kiến thu 3.000 tỷ đồng từ đấu giá đất. Nếu như năm 2024, huyện chủ yếu đấu giá đất cho cá nhân, thì năm 2025, để chuẩn bị lên quận, huyện chỉ tổ chức đấu giá đất cho các tổ chức, nhằm phát triển khu đô thị đồng bộ. Với quy mô đấu giá lớn và giá khởi điểm cao, nhiều khu đất trị giá hàng nghìn tỷ đồng, tình trạng bỏ cọc khó xảy ra. Theo quy định, tiền đặt cọc là 20% giá trị thửa đất, đồng nghĩa với việc mỗi tổ chức phải đặt cọc hàng trăm tỷ đồng.
Tại quận Hoàng Mai, công tác đấu giá đất cũng được triển khai với nhiều điều chỉnh đáng chú ý. Ngày 3-1-2025, quận tổ chức đấu giá 4,4ha đất tại phố Bằng B (phường Hoàng Liệt), Khu đô thị Nam hồ Linh Đàm với giá khởi điểm hơn 86 triệu đồng/m² (theo bảng giá đất cũ của Hà Nội). Kết quả, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Song Lộc trúng với giá hơn 91 triệu đồng/m². Quận thu được khoảng 1.800 tỷ đồng.
Trong năm 2025, bảng giá đất mới theo Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND có hiệu lực, điều chỉnh giá đất vị trí 1 đường Bằng B còn hơn 57 triệu đồng/m². Mức này chỉ cao hơn giá khởi điểm khoảng 1,6 lần, thay vì 4,21 lần như trước, giúp bảng giá đất tiệm cận thị trường hơn, hạn chế tình trạng giá khởi điểm quá cao.
Điều kiện tham gia đấu giá năm 2025 cũng chặt chẽ hơn. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Tuấn Đạt cho biết, Luật Đấu giá tài sản quy định đơn vị trúng đấu giá phải có năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án. Doanh nghiệp tham gia phải đặt cọc trước 20% giá trị lô đất (khoảng 345 tỷ đồng trong trường hợp đấu giá đất tại Bằng B), đồng thời có bảo lãnh ngân hàng và báo cáo tài chính minh bạch. Ngoài ra, doanh nghiệp phải từng triển khai ít nhất một dự án nhà ở hoàn thiện trong vòng 5 năm gần nhất.
Cần có cơ chế linh hoạt
Tại các huyện có tốc độ đô thị hóa cao, việc đấu giá đất hướng tới các tổ chức giúp quy hoạch và quản lý hạ tầng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại những huyện vùng ven, như: Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa..., việc đấu giá cho tổ chức, thay vì cá nhân gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Giỏi ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), từng nhiều lần tham gia đấu giá đất tại các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, cho rằng, đấu giá đất cho tổ chức chỉ nên áp dụng tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa mạnh.
“Nhiều người dân ở nông thôn vẫn có nhu cầu mua đất nền qua đấu giá cá nhân. Nếu giao đất cho tổ chức đấu giá, rồi xây dựng theo quy hoạch tổng thể và bán lại với giá cao hơn nhiều lần sẽ gây khó khăn cho người dân địa phương trong việc sở hữu đất ở”, ông Giỏi chia sẻ.
Bên cạnh đó, người dân còn lo ngại, việc hạn chế đấu giá cá nhân có thể khiến nguồn cung đất nền sụt giảm, đẩy giá bất động sản vùng ven tăng cao.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, năm 2025, huyện dự kiến đấu giá 22 dự án với diện tích hơn 39.500m², thu khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai năm 2024, giá khởi điểm căn cứ vào bảng giá đất của UBND thành phố. Điều này đặt ra thách thức, bởi bảng giá đất ở nhiều huyện vùng ven còn thấp so với thực tế, dẫn đến tình trạng đấu giá cao rồi bỏ cọc, buộc địa phương phải tổ chức đấu giá lại nhiều lần, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Để tránh tình trạng bỏ cọc và thu hút nhà đầu tư có năng lực, thành phố cần giao quyền cho các địa phương xác định giá khởi điểm để sát với thực tế hơn.
Thiết nghĩ, đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025 vẫn là nguồn thu quan trọng của các địa phương. Do vậy, thành phố cần có cơ chế linh hoạt hơn trong xác định giá khởi điểm và cân nhắc duy trì đấu giá cá nhân tại các khu vực có nhu cầu thực tế cao. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các huyện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách thuận lợi, minh bạch.
Theo Bạch Thanh/hanoimoi.vn