(Xây dựng) - Ngày 17/11 tại Hà Nội, Học viện Cán bộ và quản lý đô thị (AMC) và Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức – Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức năm 2020. Hội thảo thu hút 19 đơn vị là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức thuộc các Bộ, ngành về dự. PGS.TS Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ dự và chủ trì hội thảo.
Hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình triển khai Quyết định số 705/QĐ–TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030 của bộ, ngành. Với góc độ là người làm báo trong ngành Xây dựng xin được trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác đào tạo trên.
PGS.TS. Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội thảo. |
Đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm tính pháp lý
Học viện Cán bộ và quản lý đô thị (AMC) và các cơ sở đào tạo thuộc các bộ, ngành cần xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ công chức, viên chức bảo đảm tính pháp lý, tính thực tiễn. Bởi trong bối cảnh thế giới phẳng như hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, nền hành chính của Việt Nam cũng không ngừng đổi mới. Theo đó, cán bộ công chức, viên chức cần thường xuyên cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới hiện đại để đổi mới tư duy tác phong làm việc, hình thành những kỹ năng chuyên sâu phù hợp với nền văn minh công nghiệp và đa dạng hóa các kết nối quốc tế.
Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rạch ròi giữa hai khái niệm “Đào tạo” và “Bồi dưỡng”. Qua tìm hiểu được biết, bồi dưỡng là tăng thêm năng lực phẩm chất; là hoạt động trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm việc. Đào tạo là cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp mang tính hệ thống trong thời gian dài có thêm hiểu biết mới, nghề nghiệp mới để có thể lao động trong lĩnh vực mới.
Trên cơ sở căn cứ các văn bản pháp lý các Học viện, các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ đề xuất xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng đào tạo cho phù hợp. Các văn bản đó là: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2005, Luật Cán bộ, Công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật Giáo dục năm 2009, Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức người lao động của Bộ Nội vụ ngày 22/3/2016; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030 của bộ, ngành.
Căn cứ vào nhu cầu thực tế
Qua tìm hiểu về chương trình bồi dưỡng đào tạo của các đơn vị cơ sở thuộc các bộ, ngành và Học viện AMC nên thiết kế chương trình bồi dưỡng, đào tạo các nhà khoa học, giáo viên không chỉ bám sát khung pháp lý, mà còn phải bám sát thực tiễn, như khảo sát về nhu cầu bồi dưỡng của từng loại hình bồi dưỡng trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho người học đang cần theo công việc theo vị trí việc làm.
TS. Trần Hữu Hà - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện AMC phát biểu khai mạc hội thảo. |
Khảo sát nghiên cứu nghiêm túc về nhu cầu bồi dưỡng của từng tiêu chuẩn ngạch viên chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý vị trí việc làm. Phải mô tả cụ thể nhiệm vụ, công việc của từng tiêu chuẩn cán bộ công chức, viên chức.
Chương trình đào tạo cần được xây dựng đa dạng, phong phú cập nhật chương trình của các nước có nền hành chính tiên tiến.
Chương trình bồi dưỡng cần có nhiều chuyên đề sâu để học viên có nhiều lựa chọn. Chuyên đề không trùng lặp gồm các kiến thức mới giúp học viên hoàn thiện kỹ năng, tránh sử dụng nội dung đào tạo dài hạn đưa vào hoạt động bồi dưỡng.
AMC đào tạo nhiều chương trình chuyên sâu
Đối với Học viện AMC (Bộ Xây dựng) ngoài các văn bản pháp lý trên cần nắm chắc và cụ thể hóa các chương trình đào tạo bồi dưỡng quản lý Nhà nước về xây dựng, đô thị và quy hoạch xây dựng cho cán bộ, công chức chính quyền các cấp. Như Đề án 1961 “Đào tạo bồi dưỡng năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010- 2015 và tiếp tục kéo dài đến năm 2020. Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng cho công chức địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường các xã (Đề án 156)… Các chương trình đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống, cho doanh nghiệp và hành nghề hoạt động xây dựng…
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), PGS TS. Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã tặng hoa chúc mừng các thầy cô giáo Học viện AMC và lãnh đạo các trường về dự hội thảo. |
Từ năm 2015 đến nay, Học viện AMC đã đào tạo bồi dưỡng được 1.483 lớp với 87.235 lượt học viên. Đề án 1961 đến nay đã đào tạo được 689 lớp với 32.329 lượt học viên. Học viện AMC luôn xác định việc đổi mới chương trình, tài liệu là một nhiệm vụ trọng điểm. Học viện luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, quản lý việc lên lớp của giảng viên về thời gian, nội dung chất lượng bài giảng. Đội ngũ giảng viên được Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đặc biệt quan tâm vì đây là lực lượng chủ chốt quyết định đến chất lượng và uy tín của Học viện.
Hội thảo có mặt 19 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, ngành. |
Học viện AMC đã thực hiện rất tốt các khóa đào tạo theo các đề án lớn và nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành khác. Và còn triển khai tốt công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ đào tạo, bồi dưỡng. Những năm qua, AMC đã và đang nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự ủng hộ nhiệt tình của các đơn vị chức năng thuộc bộ. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban giám đốc, đứng đầu là TS. Trần Hữu Hà - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện thì thời gian tới AMC sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trước áp lực của cơ chế thị trường trong các chính sách mới về đào tạo bồi dưỡng. Do đó, Học viện phải tự chủ về tài chính, xã hội hóa các hoạt động nhiều hơn trong bối cảnh đào tạo ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Để tạo đà phát triển hơn nữa, công tác chuẩn hóa chức danh cán bộ về xây dựng và quản lý đô thị là công việc mà AMC rất quan tâm. Vì đây không chỉ là phương hướng đào tạo của AMC mà là kế hoạch của ngành Xây dựng. Vậy nên, AMC có kế hoạch công tác đào tạo tới cần chuyên sâu hơn, xây dựng được các chương trình đào tạo thật hay và thiết thực để học viên nhận thức được giá trị của việc đào tạo bồi dưỡng, các chương trình sau khi học viên tiếp thu có thể phục vụ tốt vào thực tế.
ThS. Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng
Theo