Thứ ba 05/11/2024 07:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đánh giá tác động của việc chậm giải ngân chi phí đầu tư xây dựng đến tiến độ công trình xây dựng

09:35 | 10/11/2019

(Xây dựng) - Đầu tư công những năm qua đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm liên tục tiếp diễn suốt nhiều năm tạo ra “nút thắt cổ chai” cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ công trình xây dựng.

Đánh giá tác động của việc chậm giải ngân chi phí đầu tư xây dựng đến tiến độ công trình xây dựng
Còn nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (Nguồn: Internet).

Hiện nay, hoạt động quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản có phạm vi rộng lớn, chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố tác động cụ thể như: Điều kiện về kinh tế - xã hội; Điều kiện về khoa học công nghệ; Thể chế kinh tế; Phân cấp và phối hợp trong quản lý; Năng lực đội ngũ lãnh đạo và trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; Phẩm chất của người quản lý…

Ngoài các yếu tố cơ bản trên, còn một số nhân tố ảnh hưởng khác cũng tác động đến quá trình quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ Ngân sách Nhà nước ví dụ như: Sự phát triển của hệ thống kế toán, thanh tra, kiểm toán. Các cơ quan này hoạt động tốt sẽ phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm về tài chính; phát hiện khoảng trống, tồn tại của cơ chế quản lý; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính nhà nước. Tựu chung lại, khi bàn đến quản lý, yếu tố con người bao giờ cũng là yếu tố quan trọng nhất không chỉ trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ Ngân sách Nhà nước nói riêng mà còn tất cả các hoạt động quản lý Nhà nước nói chung.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… Hơn nữa, sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán.

Do vậy, 3 nguyên nhân chủ quan chủ yếu đó là: Thứ nhất, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.

Thứ hai, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng…

Thứ ba, nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai, thiếu vốn đối ứng. Tuy vậy, xét trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, còn phải sử dụng vốn vay nước ngoài để cân đối nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, hơn bao giờ hết, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề cấp bách cần được quyết liệt thực hiện kịp thời. Bởi khi không có sự phối hợp giữa các bộ quản lý chuyên ngành, các địa phương với nhau. Nếu quản lý chưa tốt thì dẫn tới tiến độ chậm. Sự chậm này sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ về kinh tế và xã hội.

Các dự án đầu tư công trọng điểm chậm hoàn thành theo tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, mà còn làm tăng áp lực nợ công cho Nhà nước. Bởi dự án chậm gần như là sẽ đội vốn. Dự án chậm thì sẽ kéo theo giải ngân chậm. Trong khi hầu hết nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng là đi vay, vay trong nước, vay nước ngoài. Như vậy, sẽ không phát huy ngay được giá trị mong muốn của dự án.

Ngoài ra, do thời tiết diễn biến bất lợi, cộng với giá vật liệu xây dựng tăng cao liên tục, nguồn cung ứng vật tư hạn chế… nên nhiều công trình, dự án bị chậm tiến độ thi công, hoặc phải tạm ngừng thi công. Song song đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án bồi thường, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích và qua tổng hợp cũng ảnh hưởng tới việc giải ngân chi phí đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, nhận thức của một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được sâu sắc và đầy đủ, chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành triển khai các giải pháp đã đề ra. Năng lực quản lý, điều hành, thi công của các ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế; còn tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần dẫn đến tình trạng chậm giải ngân chi phí đầu tư xây dựng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận định: Đầu tư công là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế. Nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm vẫn ách tắc như vừa qua thì nền kinh tế của chúng ta không thể tăng trưởng được. Nếu đầu tư công phát huy hiệu quả, không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp, ngành, địa phương, người lao động, mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Và các dự án đầu tư công trọng điểm chậm hoàn thành theo tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, mà còn làm tăng áp lực nợ công cho Nhà nước.

Tuyết Hạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load