(Xây dựng) - Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị cho toàn thể cán bộ chủ chốt Đảng ủy Khối.
Đồng chí Nguyễn Phong Nhật - Phó Bí thư Thương trực phát biểu khai mạc hội nghị. |
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối báo cáo truyền đạt những nội dung cốt lõi, trọng tâm của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng chí báo cáo viên đã nhấn mạnh kết quả đạt được cũng như hạn chế, tồn tại trong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thời gian qua.
Cụ thể, cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng đồng bộ. Sóng di động đã phủ 99,7% dân số, 130 triệu thuê bao. Kinh tế số được hình thành, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới xuất hiện, xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet tạo nhiều việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chính phủ điện tử, tiến tới công nghệ số được triển khai bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực…
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế thể hiện rõ nhất ở thể chế, chính sách như: Mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các doanh nghiệp nước ta còn thấp. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh với tội phạm đảm bảo an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Nguyên nhân, do nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất...
Để thực hiện thành công Nghị quyết số 52, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tận dụng có hiệu quả cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tầm nhìn năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á… Để làm được điều này, cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
Lê Anh – Phương Mai
Theo