(Xây dựng) – Là một vùng đất cổ với nhiều di tích lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc, huyện Đan Phượng (Thành phố Hà Nội) đang có nhiều cơ hội để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Đình Vạn Xuân ở làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. |
Tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú
Nằm cửa ngõ của kinh thành Thăng Long xưa, Đan Phượng là vùng đất địa linh, nhân kiệt với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Ngày nay, mảnh đất Đan Phượng vẫn còn gìn giữ được hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa vô cùng đặc sắc để thu hút du khách và phát triển du lịch. Theo thống kê của Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Đan Phượng, cả huyện có 155 di tích lịch sử với nhiều lễ hội, di sản văn hóa, đặc sản, ẩm thực… độc đáo.
Năm 2021, huyện Đan Phượng đã tổ chức Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ, điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng là điểm du lịch cấp thành phố. Trong đó, làng Hạ Mỗ thuộc xã Hạ Mỗ là một vùng đất cổ nổi tiếng gần xa với thành cổ Ô Diên, một thời từng là kinh đô của nước Vạn Xuân dưới triều Hậu Lý Nam Đế, Lý Phật Tử vào thế kỷ thứ 6.
Đây cũng là quê hương của Thái úy Tô Hiến Thành, một vị quan nổi tiếng đức độ, liêm khiết, đồng thời cũng là một danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa, có nhiều công lao với đất nước dưới hai triều vua Lý Anh Tông, Lý Cao Tông vào thế kỷ thứ 13.
Cuộc sống ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, diện mạo làng Hạ Mỗ cũng đổi thay rất nhiều. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm, đường làng được trải nhựa phẳng lỳ, đen bóng, nhưng các giá trị, lịch sử văn hóa của mảnh đất cổ này vẫn đang được người dân Hạ Mỗ gìn giữ rất cẩn thận.
Trong đó, đình Vạn Xuân được thiết kế theo kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc với các nóc nhà được liên kết chặt chẽ với nhau ở phía trên. Đình Vạn Xuân thờ Hoàng tử Lý Bát Lang và phối thờ Hậu Nam Đế Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang cùng Biệt súy Lý Phổ Đỉnh, các nhân vật nổi tiếng thời Tiền Lý.
Cách đình Vạn Xuân không xa là chùa Hải Giác, một ngôi chùa trăm gian rất cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 6, hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều bức tượng quý mang phong cách cuối thời nhà Lê, đầu thời nhà Nguyễn.
Điểm dừng chân tiếp theo là đền Văn Hiến, vốn là văn chỉ thờ Khổng Tử để biểu dương các vị khoa bảng trong làng. Nhưng sau khi Thái úy Tô Hiến Thành qua đời, người dân đã chôn cất, xây mộ và thờ ông tại đền Văn Hiến. Hiện nay, đền Văn Hiến vẫn còn lưu giữ được bộ Bia Khoa Tràng (bia ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi thuở trước) và bộ mộc bản in sách “Cổ Kim Truyền lục” là những tư liệu quý minh chứng cho truyền thống văn hiến của ngàn đời của làng Hạ Mỗ.
Hàng năm, người dân làng Hạ Mỗ đều tổ chức lễ hội rất lớn vào dịp đầu năm để kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng làng (Hoàng tử Lý Bát Lang) vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch và kỷ niệm ngày sinh của Thái úy Tô Hiến Thành vào ngày 22 tháng Giêng Âm lịch, thu hút đông đảo du khách gần xa về tham dự.
Hiện nay, 3 di tích nổi bật của làng Hạ Mỗ đang được đề nghị xem xét xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, làng Hạ Mỗ còn có di tích miếu Hàm Rồng, đền Chính khí hay đền Tri Chỉ (thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) để hình thành một chuỗi các điểm tham quan tâm linh.
Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm cho biết, Hạ Mỗ đã chọn xây dựng NTM kiểu mẫu dựa trên 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và du lịch là những thế mạnh của địa phương.
Trong lĩnh vực du lịch, xã Hạ Mỗ có lợi thế nhờ truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia như đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác hay đền Văn Hiến. Ngoài ra, nơi đây còn có truyền thống hiếu học với nhiều bậc hiền tài của đất nước như Thái úy Tô Hiến Thành, Hoàng giáp Đỗ Trí Trung, thiền sư Trí Bảo…
Một điểm du lịch cấp thành phố khác là Khu sinh thái Đan Phượng (The Phoenix Garden) tọa lạc ở thị trấn Phùng được ví như Đà Lạt thu nhỏ với những vườn hoa quanh năm khoe sắc, mỗi mùa lại có những loài hoa mới để thay đổi cảnh quan. Đến với khu sinh thái Đan Phượng, du khách cũng sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa Tây Bắc với những cánh đồng ruộng bậc thang thu nhỏ, hoặc cắm trại, vui chơi trên bãi cỏ nhân tạo, hòa mình vào không gian thiên nhiên xanh mướt.
Không những thế, khu sinh thái Đan Phượng còn có quần thể chùa Đại Từ Ân, quảng trường Cực Lạc, hồ điều hòa và dòng sông lịch sử, rất thích hợp để trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh cho du khách gần xa.
Để phát triển du lịch, huyện Đan Phượng còn có một lợi thế rất lớn, đó là các di sản văn hóa phi vật thể như: Chèo Tàu Tổng Gối (xã Tân Hội) hay ca trù (xã Thượng Mỗ). Đó là những loại hình nghệ thuật vô cùng đặc sắc đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được bảo tồn và phát huy cho thế hệ mai sau. Hiện nay, các CLB chèo Tàu và ca trù đã được thành lập với sự tham gia của nhiều người trẻ nhằm giảng dạy, trao đổi và gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể quý báu này.
Một di sản văn hóa độc đáo khác tại huyện Đan Phượng là nghệ thuật diều sáo ở xã Hồng Hà. Vào ngày rằm tháng Ba Âm lịch hàng năm, làng Bá Dương Nội đều tổ chức lễ hội thả diều truyền thống thu hút sự tham gia của nhiều CLB thả diều đến từ nhiều tỉnh, thành phố và hàng nghìn du khách gần xa đến với xã Hồng Hà để thưởng thức nét đẹp văn hóa độc đáo của mảnh đất Đan Phượng. Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, huyện Đan Phượng còn có một số nông sản, ẩm thực hấp dẫn để thu hút du khách như nem Phùng (thị trấn Phùng), đậu phụ, cháo se (xã Hạ Mỗ), bưởi tôm vàng (xã Thượng Mỗ)…
Trong những năm gần đây, tại huyện Đan Phượng còn phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp với trải nghiệm nông nghiệp như mô hình rau sạch hữu cơ, vườn nho hạ đen, vườn dâu tằm, vườn hoa lan hồ điệp… Tại đây, du khách không chỉ được mua hàng mà còn có thể theo dõi quá trình chăm sóc cây, hoặc tự tay thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp và chụp hình lưu niệm.
Chị Nghiêm Phương Thảo, một du khách đến thăm vườn nho hạ đen ở xã Đan Phượng chia sẻ: “Tôi rất thích ăn nho, nhưng mới là lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác thu hoạch nho tại vườn. Hơn nữa, khi đến đây tôi cũng có thể trực tiếp nhìn thấy quá trình chăm sóc cây nho để biết rằng trái cây mình ăn được đảm bảo chất lượng và sạch”.
Huyện Đan Phượng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. |
Phát triển du lịch là khâu đột phá xây dựng NTM kiểu mẫu
Từ đầu năm 2024, Đan Phượng đã trở thành huyện đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội có 100% các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện nay, Đan Phượng đã đạt đủ 9/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 và đang trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, phát triển du lịch sẽ là một trong những động lực chính của huyện Đan Phượng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân và xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, tài nguyên chủ đạo sẽ là hệ thống di tích lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc kết hợp với các loại hình trải nghiệm nông nghiệp.
Trong thời gian qua, huyện Đan Phượng đã tăng cường quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại 2 điểm đến du lịch xã Hạ Mỗ và khu sinh thái Đan Phượng.
Huyện đã tổ chức trưng bày và giới thiệu các sản phẩm văn hóa - ẩm thực - du lịch, các trò chơi dân gian truyền thống, các đêm giao lưu văn nghệ; triển lãm ảnh… thu hút sự tham gia của hàng nghìn du khách gần xa. Chỉ tính riêng Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023 đã có tới 80.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm, tạo ra giá trị sản xuất lên đến 20 tỷ đồng trong vòng 4 ngày diễn ra sự kiện.
Để bắt kịp xu hướng của thời đại, huyện Đan Phượng còn triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch, chú trọng phát triển mô hình du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra những sản phẩm du lịch theo hướng hiện đại gắn với các hoạt động truyền thống, thực hiện quảng bá hoạt động du lịch trên website du lịch của huyện với các hình thức đa dạng, độc đáo.
Một trong những ví dụ dễ nhận thấy nhất là nhiều người dân đã đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… để các du khách biết đến sản phẩm của mình.
Không những thế, UBND huyện Đan Phượng còn phối hợp với Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và hướng dẫn du lịch tại các điểm du lịch xã Hạ Mỗ và khu sinh thái Đan Phượng, từ đó nâng cao kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho các hướng dẫn viên, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương.
Mặt khác, huyện Đan Phượng cũng đang tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, nhà ở như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Tây Thăng Long; dự án Green City tại xã Liên Trung… Việc hoàn thành các dự án này sẽ có ý nghĩa quan trọng để thu hút du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Đan Phượng.
Dịch Phong
Theo