(Xây dựng) - Tỉnh Đắk Nông tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư làm ăn chân chính, lâu dài, đưa Đắk Nông phát triển năng động, bền vững của vùng Tây Nguyên.
Ông Hồ Văn Mười |
Cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2021, chỉ số PCI của Đắk Nông tăng 8 bậc so với năm 2020. Đây là thứ hạng cao nhất trong 8 năm gần đây của tỉnh trong bảng xếp hạng PCI. Có được kết quả này là sự quyết tâm nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đăk Nông, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng DN.
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình số 23-CTr/TU ngày 27/8/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 - 2025 với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể.
UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương bám sát, chủ động thực hiện có hiệu quả cao nhất theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN, gắn với nhiệm vụ công tác năm của từng đơn vị.
Trong đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đưa công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân, DN là trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch. Đến nay, các thủ tục hành chính đều được công khai trên hệ thống thông tin một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Để tiết kiệm chi phí thời gian và chi phi phí không chính thức cho DN, người dân, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn DN, người dân sử dụng dịch vụ.
Đắk Nông xác định cần phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tập trung vào một số lĩnh vực còn phiền hà như: Đất đai, thuế, giao thông, quản lý thị trường… Đồng thời, cần thu hẹp khoảng cách thực thi giữa cấp tỉnh và cấp sở, ngành, địa phương; tạo môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn.
Trong quá trình triển khai, cùng với việc tiếp thu ý kiến từ cộng đồng DN để điều chỉnh chủ trương, chính sách ngày càng phù hợp, tỉnh đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, không đùn đẩy trách nhiệm; luôn đề cao tính tiên phong, sáng tạo trong điều hành, lãnh đạo…
Tỉnh cũng triển khai bộ chỉ số DDCI - đây là một công cụ theo dõi, giúp lãnh đạo tỉnh Đắk Nông nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng DN tại địa phương để từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Đặc biệt, để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, vướng mắc, tỉnh Đắk Nông thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại DN; xúc tiến đầu tư; cà phê doanh nhân - DN… Thường trực Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chủ trì, làm việc với nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh; kêu gọi nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông dành 1.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. |
Quyết tâm đưa nhà đầu tư trở lại Đắk Nông
Hiện nay, nhiều DN đang quan tâm, đầu tư vào các ngành nghề nhiều tiềm năng của Đắk Nông như khai thác bauxite, luyện nhôm; năng lượng gió, năng lượng mặt trời; phát triển các dự án, nhà máy chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu.
Nhiều dự án quy mô hàng trăm, đến hàng nghìn tỷ đồng đang được triển khai đầu tư tại TP Gia Nghĩa và các huyện của tỉnh. Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, gắn với nông nghiệp công nghệ cao đang được khảo sát, triển khai như: Tập đoàn Hoà Phát đề xuất đầu tư cụm dự án Alumin (công suất 2 triệu tấn Alumin/năm) và nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm, tại xã Đắk D’rung, Nâm N’Jang và Trường Xuân, huyện Đắk Song; Dự án điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW, xây dựng tại huyện Đắk Song và huyện Tuy Đức; tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là hơn 4,3 tỉ USD.
Nhìn chung, cộng đồng DN nhận định, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện mạnh mẽ; hệ thống hạ tầng của Đắk Nông ngày càng hoàn thiện; việc kết nối Đắk Nông với TP.HCM và các tỉnh, thành Đông, Tây Nam Bộ ngày càng thuận tiện. Đặc biệt, Dự án đường cao tốc xuyên Tây Nguyên và nối vào cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) - TP.HCM được kỳ vọng tạo động lực mới cho Đắk Nông phát triển.
Phát huy lợi thế cạnh tranh
Là cửa ngõ phía Tây Nam của vùng đất Tây Nguyên, Đắk Nông có nhiều thế mạnh, lợi thế trong thu hút đầu tư. Cụ thể, về công nghiệp, tỉnh có mỏ bauxite với trữ lượng 60% trữ lượng cả nước với hàm lượng, chất lượng nhôm tốt; là lĩnh vực đầu tư khai thác, chế biến sâu, cơ hội tốt để Đắk Nông “cất cánh”.
Đắk Nông là địa phương đứng trong Top đầu cả nước về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… Với số giờ nắng trong năm lớn, bức xạ nhiệt được đánh giá tương đương với Ninh Thuận và Bình Thuận.
Đắk Nông có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; trong đó có các loại cây có trữ lượng lớn của cả nước và hiệu quả cao như cà phê, hồ tiêu, bơ, mắc ca... Tỉnh có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650 nghìn ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 366 nghìn ha, chiếm hơn 56% tổng diện tích đất tự nhiên… rất thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, với nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp, không gian hoang sơ, như: hồ Ea Snô, quần thể hang động Chư Bluk với hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á… Đặc biệt, Đắk Nông có 2 điểm nhấn là Công viên địa chất toàn cầu vừa được UNESCO công nhận và khu bảo tồn hồ Tà Đùng với 25 nghìn ha được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây nguyên”… Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông ngày càng hoàn thiện đã phát huy vị trí thuận lợi của tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các Chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI với phương châm "Lấy sự hài lòng của người dân, DN là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước".
Đắk Nông tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả tất cả mọi nguồn lực theo phương châm “nội lực làm nền tảng” và “ngoại lực để đột phá”. Tập trung thu hút, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực, DN quy mô lớn đầu tư vào các lĩnh vực được chọn là khâu đột phá, thực hiện dự án có vốn lớn, đi đầu, dẫn dắt, tạo động lực lan tỏa. Với tiềm năng, lợi thế lớn cùng những chính sách ưu đãi được triển khai kịp thời, Đắk Nông kỳ vọng sẽ đạt được bước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Hồ Văn Mười
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông
Theo