(Xây dựng) - Chỉ trong vòng 3 năm (từ 2017 - 2020) diện tích rừng tự nhiên tỉnh Đắk Lắk đã suy giảm trên 27.000ha. Liên quan đến vấn đề này, nhiều đơn vị chủ rừng, các tập thể, cá nhân liên quan đã bị kiểm điểm.
Một quả đồi bị cạo trọc để làm nương, rẫy tại xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. |
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tổ chức rà soát và kiểm điểm 7 đơn vị chủ rừng, 10 tập thể và 90 cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ rừng khi để khi hơn 27.000ha rừng tự nhiên bị suy giảm trong những năm qua.
Theo đó, đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tổ chức rà soát và kiểm điểm đối với cá nhân, tập thể gồm 7 đơn vị chủ rừng là Vườn quốc gia, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và Trung tâm bảo tồn Voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng; 10 tập thể và 90 cá nhân thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định và đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức kiểm điểm các tổ chức cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ rừng để diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm thuộc trách nhiệm của các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện các đơn vị chủ rừng không trực thuộc Sở.
Qua rà soát của các chủ rừng, UBND các huyện, nguyên nhân rừng tự nhiên suy giảm do: Chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định (11,7ha); Cháy rừng (20,5ha); Phá rừng (hơn 2.816ha); Diện tích chỉnh sửa dữ liệu (hơn 8.388ha, từ rừng tự nhiên chuyển sang rừng trồng, đất chưa có rừng); Diện tích rừng nghèo kiệt giảm trữ lượng rừng không còn đủ tiêu chí là rừng (hơn 16.233ha).
Ngoài ra, các nguyên nhân chủ quan do một số nơi có tình trạng chủ rừng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm, UBND cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đưa 4 vụ việc phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo: Vụ án vi phạm quy định về bảo vệ rừng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar; hai vụ án phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô; Vụ việc có dấu hiệu tội phạm thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng suy giảm rừng tại 4 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp (Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ea H'Ma, Ya Lốp).
Ngọc Giang
Theo