(Xây dựng) - Ngày 12/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Italia tại Việt Nam cùng WWF – Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên đồng tổ chức buổi chiếu phim “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” của David Attenborough – nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh.
Khách mời đến dự buổi chiếu phim tham gia thảo luận. |
Bộ phim là lời cảnh tỉnh về tác động của con người đối với thiên nhiên, khi số lượng động vật hoang dã đã giảm 70% kể từ năm 1970, một nửa diện tích rừng nhiệt đới của thế giới đã mất đi và thập kỷ vừa rồi được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử.
Trong vai một nhân chứng sống, David Attenborough kể câu chuyện chân thực về sự thay đổi của thế giới chỉ trong một đời người. Với lối dẫn truyện truyền cảm đặc trưng, ông dẫn dắt người xem đi xuyên thời gian, cùng ông trải qua 60 năm khám phá và sống vì thế giới sinh vật để nhìn thấy những biến đổi tàn khốc và sự suy thoái mà môi trường tự nhiên đang phải gánh chịu.
Buổi chiếu phim có sự góp mặt của các khách mời là đại diện các Bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ làm về môi trường, mạng lưới thanh niên, các nhà hoạt động vì khí hậu và môi trường và các doanh nghiệp. Sự kiện cũng nhằm kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được hình thành và đánh dấu một năm đếm ngược đến Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Vương quốc Anh vào tháng 11/2021.
Nhân sự kiện này, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward chia sẻ: “Tác phẩm “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” của Ngài David Attenborough ra đời vào thời điểm vô cùng quan trọng đối với thế giới. Bộ phim cho thấy quy mô của những mối đe dọa đối với thế giới hoang dã và vai trò của mỗi chúng ta trong việc tìm giải pháp. Với tư cách là chủ nhà của COP26, Vương quốc Anh cam kết đưa thế giới xích lại gần nhau, đặc biệt thông qua sáng kiến “Cam kết của các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên”, với hy vọng đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030, hướng đến phát triển bền vững. Chúng ta chỉ có một hành tinh và chúng ta cần chung tay hành động ngay từ hôm nay.”
Khách mời đặc biệt tại sự kiện, Nhà báo, nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm cũng chia sẻ: “Thế giới tự nhiên đang tàn úa, bằng chứng ở ngay bên cạnh chúng ta thôi!" - Ngài David Attenborough cảnh báo nhân loại trong bộ phim tài liệu mới nhất của ông. Điều tôi luôn ngưỡng mộ ở ông là tầm nhìn mang tính tương lai và tính giải pháp mà ông đưa ra. Và thông điệp quan trọng nhất của bộ phim, với chúng ta là: "Cuối cùng, chúng ta sẽ học cách để làm việc với tương lai thay vì chống lại nó. Hành động, không phải là để cứu hành tinh của chúng ta mà là để bảo vệ chúng ta…”
Cũng tại sự kiện, bà Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc, Nhà sáng lập Tổ chức Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển – CHANGE nhấn mạnh: “Những hậu quả của biến đổi khí hậu đang gây tác động tiêu cực lên cuộc sống người dân và các nền kinh tế trên toàn thế giới, mà các đợt hạn mặn kỷ lục, lũ lụt, các trận bão chồng bão đã diễn trong năm nay tại nước ta là một minh chứng. Cùng lúc đó, các quốc gia vẫn đang phải tiếp tục chống chọi với đại dịch Covid-19. Phải chăng thiên nhiên đang gửi đi một thông điệp?
Tôi cảm nhận được rằng bộ phim “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” đã thể hiện thông điệp này một cách tuyệt vời. Tôi hy vọng bộ phim sẽ đến được với rất nhiều người Việt Nam, để mọi người không chỉ thấu hiểu được các tác động mà lối sống không bền vững đang gây ra cho ngôi nhà chung duy nhất, mà quan trọng là được truyền cảm hứng về những việc chúng ta có thể làm để giảm thiểu biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, cho một tương lai tốt đẹp hơn’.
Bộ phim “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” được công chiếu tại một số rạp trên toàn cầu từ ngày 28/9/2020 và được phát hành trên Netflix từ ngày 4/10/2020.
Mộc Miên
Theo