Chủ nhật 22/12/2024 19:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Giáo dục

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tiên phong đào tạo trong thời đại CMCN 4.0

17:18 | 18/11/2019

(Xây dựng) – Với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong hai trung tâm đào tạo và nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất cả nước. Trong kỷ nguyên CMCN 4.0, nhà trường luôn đi đầu trong công tác đào tạo, giảng dạy nhằm cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước, góp phần không nhỏ để tạo dựng vị thế của ngành khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong khu vực.

dai hoc khoa hoc xa hoi va nhan van ha noi tien phong dao tao trong thoi dai cmcn 40
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất cả nước.

Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt nền giáo dục đại học Việt Nam trước những đòi hỏi và thử thách lớn. Để bắt kịp xu thế của thời đại, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội không ngừng thay đổi, nâng cấp hệ thống đào tạo, chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất.

Tại Lễ khai giảng năm học 2019 – 2020, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhắn nhủ đến hon 2000 tân sinh viên: Trong thế giới Cách mạng công nghiệp 4.0, đúng là IQ (Intelligence Quotient - chỉ số thông minh) và EQ (Emotional Quotient - chỉ số cảm xúc) là vô cùng quan trọng. Nhưng hơn bao giờ hết, chúng ta lại cần đến LQ (Love Quotient - chỉ số trắc ẩn), khả năng đặt mình vào góc nhìn của người khác, thứ mà máy móc không bao giờ có.

dai hoc khoa hoc xa hoi va nhan van ha noi tien phong dao tao trong thoi dai cmcn 40
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại buổi lễ trao bằng tiến sĩ năm 2019.

Qua những lời tâm tình của GS.TS Phạm Quang Minh, có thể thấy, bên cạnh việc đào tạo để trở thành công dân toàn cầu, nhà trường còn khơi dậy, bồi dưỡng tâm hồn của sinh viên. Để sau khi trưởng thành từ mái nhà Nhân văn, những sinh viên ấy còn trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội, cống hiến cho đất nước.

Từ trước đến nay, các quốc gia muốn phát triển thì cần đầu tư cho giáo dục. Nhà giáo Chu Văn An từng trả lời vua Trần Minh Tông rằng: Thần đọc sách, chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được. Người xưa cũng có câu “Tiên học lễ, Hậu học văn”. GS.TS Phạm Quang Minh chia sẻ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không chỉ tập trung giáo dưỡng các em sinh viên để thành công trong lĩnh vực của bản thân mà còn là trở thành công dân tốt, đầy lòng bao dung và trắc ẩn, luôn quan đến những người xung quanh.

Ngày nay, kỷ nguyên 4.0 bùng nổ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự ra đời của hàng loạt thiết bị tân tiến, robot giúp việc, trí tuệ nhân tạo… Cùng nói về lòng trắc ẩn, GS.TS Phạm Quang Minh tin rằng, người ta chỉ có niềm tin khi xung quanh vẫn còn điều tốt đẹp, có sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ, làm giảm sự đau buồn, khổ hạnh. Còn nếu như người với người nhìn thấy nhau không có sự thiện cảm nào thì có lẽ chúng ta trở thành robot hết rồi.

Đồng quan điểm với GS.TS Phạm Quang Minh, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và công tác sinh viên (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cũng cho rằng: Con người mới là nhân tố quan trọng, quyết định máy móc vận hành như thế nào. Xã hội phát triển bùng nổ là nhờ trí tuệ và sức sáng tạo của con người, máy móc thiết bị chỉ là công cụ, phương thức để chúng ta thực hiện những “ước mơ không tưởng ấy”.

dai hoc khoa hoc xa hoi va nhan van ha noi tien phong dao tao trong thoi dai cmcn 40
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Những năm gần đây, các lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn đang có cơ hội rất rõ ràng trong tổng thể nền giáo dục và hoạt động xã hội. Tuy nhiên, cơ hội sẽ mãi là cơ hội, nếu chúng ta không đổi mới phương thức giáo dục, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Đặc biệt, cần nắm bắt xu thế của dòng chảy giáo dục hiện đại mới có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe cả thị trường nhân lực.

PSG.TS Hoàng Anh Tuấn cũng đưa ra khái niệm tương đối mới đó là “nhân văn số” (digital humanities). Nhân văn số có thể hiểu là nền khoa học xã hội và nhân văn đáp ứng tiêu chuẩn của “xã hội số”. Từ đó, đòi hỏi chúng ta phải có những đổi mới mang tính đột phá trong các giá trị khoa học truyền thống phải hài hòa với các phương pháp nghiên cứu hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, xử lý tổng hợp dữ liệu…

Đổi mới - sáng tạo là thuộc tính bắt buộc của bất kỳ một tổ chức hoặc xã hội nào. Không có đổi mới - sáng tạo sẽ không có phát triển. Giáo dục đại học không là ngoại lệ, cần bắt nhịp với xu thế phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ và thị trường lao động. Các nhà tuyển dụng có yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất và kỹ năng cũng như trình độ chuyên môn của sinh viên đã tạo ra áp lực đổi mới đối với nhà trường trong việc cân đối giảng dạy kiến thức với đào tạo kỹ năng và phát triển tư duy tích cực cho sinh viên. Sự biến động về nghề nghiệp trong tương lai khiến hoạt động đào tạo của các trường đại học đối diện nguy cơ lạc hậu so với nhu cầu nhân lực mới.

Với tình hình thực tiễn như trên, nhà trường thường xuyên cập nhật và ứng dụng phương pháp mới vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, xuất bản… Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có lợi thế lớn trong việc thích ứng với đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số bởi đây là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hài hòa giữa khối ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học ứng dụng… hàng đầu của đất nước. Với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, bên cạnh việc duy trì các ngành khoa học cơ bản, nhà trường đang triển khai xây dựng những “ngành lai” trên cơ sở liên kết các ngành hiện có. Theo đó, bên cạnh ngành Quốc tế học và ngành Nhân học, trường đang triển khai xây dựng ngành “Nghiên cứu phát triển quốc tế” (IDS). Phát triển song song với 3 ngành Xã hội học, Công tác xã hội, và Tâm lý học thì nhà trường đang nghiên cứu xây dựng ngành lai phục vụ cho thực tiễn Lão hóa và Phát triển xã hội…

Vì cùng nằm trong khối các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường tập trung xây dựng một số ngành như: Kinh tế - Quản lý, Kinh tế - Du lịch, Kinh tế - Báo chí truyền thông, Quản trị Kinh doanh – Nghệ thuật… Rõ ràng, đặc tính đa ngành và khoa học cơ bản đang là một lợi thế lớn cho Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và các đơn vị thành viên – điển hình là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng trong việc phát triển các ngành đào tạo liên ngành, xuyên ngành, đón đầu xu hướng nhân lực thời đại 4.0.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (USSH) là một trung tâm đại học có truyền thống, có bề dày và uy tín về nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của cả nước. Chính những điều trên đã tạo nên thương hiệu USSH “Honoring the past, Embracing the future”– Trân trọng quá khứ, Nắm giữ tương lai. Trong suốt chiều dài lịch sử, USSH đã có nhiều thế hệ trí thức, nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu - những người đặt nền móng cho nhiều ngành học của đất nước. Hiện nay, với tỷ lệ GS, PGS đạt hơn 28%, 255 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, đây là tỷ lệ cao hàng đầu của cả nước.

Mới đây, Tạp chí của Hoa Kỳ U.S News & World Report đã công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities). Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm ở vị trí 1059. Nếu xếp hạng theo khu vực Châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ 275.

Sơn Tùng - Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load