Thứ sáu 26/04/2024 18:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đà Nẵng: Thí điểm mô hình bảo vệ cây xanh đô thị

12:34 | 02/10/2014

(Xây dựng) - Cây xanh có vai trò quan trọng trong phát triển đô thị, là lá phổi bảo vệ thành phố. Để bảo vệ cây xanh đô thị, tạo môi trường trong sạch cho thành phố, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ cây xanh, nhất là trong mùa mưa bão. Biện pháp sử dụng chống dựng bằng cọc sắt bảo vệ cây khỏi đổ đang được Đà Nẵng thí điểm sử dụng tại một số tuyến đường.


Cây xanh tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh được bảo vệ bởi những cọc sắt chống ngã trước mưa bão.

Tuyến đường Nguyễn Văn Linh là tuyến đường đầu tiên của Đà Nẵng được thí điểm việc lắp đặt bảo vệ này.

Để tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh công tác XHH phát triển cây xanh, hiện nay kinh phí thực hiện sản xuất, lắp dựng thí điểm cọc chống thép nêu trên từ một phần ngân sách thành phố và phần lớn được Công ty CP DINCO tài trợ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Việc thí điểm chống dựng tăng cường đối với cây xanh có kích thước lớn trên vỉa hè đường phố trong mùa gió bão là chủ trương của Đà Nẵng, nhằm tăng cường bảo vệ cây xanh đô thị trong mùa mưa bão.

Hiện nay, đường Nguyễn Văn Linh có khoảng 300 cây Lim xẹt, Muồng tím được trồng có kích thước lớn. Cơn bão số 11 năm 2013 đã gây nhiều thiệt hại, dù đã được cắt tỉa, chống dựng nhưng thời gian qua vẫn xảy ra 3 trường hợp ngã đổ cây khi có mưa to gió lớn. Trong khi đó, đường Nguyễn Văn Linh, trục giao thông quan trọng, mật độ giao thông đông đúc, có yêu cầu cao về cảnh quan kiến trúc, an toàn giao thông. Trước những bất cập nêu trên, việc nghiên cứu đề xuất biện pháp chống dựng phù hợp đối với cây xanh bóng mát công cộng trên vỉa hè đường phố (mô hình kết cấu, vật liệu cọc chống, kích thước cọc chống…) là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với cây xanh trên các tuyến đường quan trọng.

Theo đó, mô hình chống dựng bảo vệ cây được xem là phù hợp khi đảm bảo 05 yếu tố “An toàn - Mỹ quan - Giá thành hợp lý - Phù hợp hạ tầng đi kèm - Dễ kiểm soát, quản lý”. Cây chống cách gốc khoảng 1/3 chiều cao cây với độ nghiêng góc chống tối ưu từ 30-45 (độ). Đường kính cây chống khoảng D60, dài khoảng 2,5m, góc chống khoảng 30 (độ) sử dụng cho cây có chiều cao không quá 9m, bề rộng tán không quá 5m. Có sử dụng cùm thép ngang thân cây để liên kết 4 cọc chống, có liên kết bulông và đệm cao-su để dễ nới lỏng khi cây phát triển. Trong mô hình chống dựng này, cùm thép có vai trò hết sức quan trọng để liên kết đảm bảo các cọc chống làm việc đồng thời, góp phần đảm bảo cho cây ổn định, an toàn. Nếu góc chống càng lớn thì mô hình chống càng hiệu quả, tiết kiệm. Tuy nhiên hố trồng cây hiện nay có kích thước là (1,2m x 1,2m) nên khi tăng góc chống thì chân cọc chống sẽ vượt ra xa bo viền hố trồng cây làm ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân.

Ông Lâm cũng cho biết thêm: Việc nghiên cứu đề xuất đã tiến hành so sánh 02 phương án sử dụng cọc chống thép và cọc gỗ có chất lượng, nhóm II, chịu được mưa nắng, không sử dụng cọc gỗ nhóm V như phi lao. Tuy nhiên về kỹ thuật và giá thành cho thấy cọc chống thép có nhiều ưu điểm hơn, giá thành hợp lý hơn. Để thực hiện việc thí điểm này, chúng tôi đã tập trung khảo sát, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước cả trên lý thuyết và thực tế để đề xuất mô hình cọc chống phù hợp đảm bảo an toàn, mỹ quan, giá thành hợp lý, phù hợp hạ tầng ngầm đi kèm theo. Việc thí điểm đã chuẩn bị kỹ, tiến hành từng bước đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông.

Bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị cần có sự tham gia của các nguồn lực, các tầng lớp nhân dân. Hiện nay việc sử dụng cọc chống thép để chống dựng cây xanh mới tập trung ưu tiên cho đường Nguyễn Văn Linh vì hạn chế về kinh phí. Thực tế cho thấy giải pháp phòng chống bão khả thi, hiệu quả nhất hiện nay vẫn là cắt tỉa mạnh cây xanh và cần có sự chung tay bảo vệ của người dân là hết sức cần thiết.

Những cọc chống đỡ này sẽ là một bộ phận quan trọng hình thành khả năng tự chống đỡ của cây trước gió bão. Trước đây, với thói quen sử dụng biện pháp chống dựng đơn giản, thông thường chỉ phù hợp với cây nhỏ, mặt bằng khu đất rộng rãi đã không bảo vệ được cây xanh khi mưa bão về. Với bộ chống đỡ, hi vọng trong mùa mưa bão này những cây xanh được trang bị sẽ chống đỡ tốt. Đồng thời phương án này sẽ được nhiều tổ chức, doanh nghiệp nghiệp cùng tham gia, góp sức bảo vệ lá phổi của thành phố ngày càng trong hơn, đẹp hơn.

Ngọc Long

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load