(Xây dựng) – Mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật gần 10 năm, cơ quan Thi hành án đã ban hành Quyết định cưỡng chế, nhưng không hiểu vì sao chính cơ quan này lại liên tục hoãn thi hành tới 3 lần và đến nay, Bản án vẫn chưa thể thi hành. Người dân đặt câu hỏi, liệu có sự thiếu quyết liệt hay yếu kém về năng lực quản lý của lực lượng chức năng khiến người dân phải chịu khổ, thiệt thòi? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất kèo dài gần 10 năm mà người dân phải gánh chịu?
Đà Nẵng chậm trễ thi hành bản án dân sự gần 10 năm, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất người dân phải gánh chịu? |
Gần 10 năm đòi nhà, đất cho mượn bất thành
Theo đơn thư phản ánh đến Báo điện tử Xây dựng, năm 2011, ông Nguyễn Anh Tuấn sau khi mua và được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất có địa chỉ 196 (nay là 252) Huỳnh Ngọc Huệ, phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Sau đó, ông Tuấn đã cho các hộ gia đình ông Trần Miên, Trần Đại và Trần Điệp mượn lại nhà để ở. Tuy nhiên, sau đó các gia đình trên không chịu bàn giao nhà nên ông Nguyễn Anh Tuấn đã khởi kiện các bên ra Tòa án các cấp có thẩm quyền. Kết quả giải quyết của Tòa án quận Thanh Khê, Tòa án thành phố Đà Nẵng, Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đều phán quyết, khẳng định các hộ gia đình trên phải giao trả toàn bộ nhà đất cho ông Nguyễn Anh Tuấn.
Cụ thể, Bản án sơ thẩm số 429/2012/DSST ngày 16/11/2012, của Tòa án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng tuyên xử: Buộc ông Trần Miên và bà Phạm Thị Tuyết phải giao trả nhà và đất tại 196 Huỳnh Ngọc Huệ, tổ 49 phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BG 876578 để ông Nguyễn Anh Tuấn quản lý sử dụng.
Bản án phúc thẩm số 35/2013/DS-PT ngày 24/05/2013, của Tòa án dân thành phố Đà Nẵng tuyên xử: Buộc ông Trần Miên, bà Phạm Thị Tuyết, hộ ông Trần Đại (gồm ông Đại, bà Huỳnh Thị Thu Hồng, Trần Đức, Trần Thị Thùy Trang) và hộ ông Trần Điệp (gồm ông Điệp, bà Đỗ Thị Thu Tâm, Trần Đạt, Trần Đỗ Nhã Phương) phải giao trả toàn bộ 03 ngôi nhà với tổng diện tích xây dựng 130,2 m2 và diện tích đất 221,7 m2 tại 196 Huỳnh Ngọc Huệ, tổ 28B Phần Lăng (nay thuộc tổ 166, phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cho ông Nguyễn Anh Tuấn.
Ngày 18/7/2019, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng có Thông báo giải quyết đơn đề nghị tái thẩm số 207/TB-TA, trả lời cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Chợ Cồn, Đà Nẵng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Chợ Cồn, Đà Nẵng nộp đơn đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm vì cho rằng, Tòa án không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là tình tiết mới phát sinh. Tuy nhiên đối chiếu với Điều 351 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về Tái thẩm thì ông Nguyễn Anh Tuấn là nguyên đơn của vụ án, biết việc vay tiền của Ngân hàng nhưng không thông báo cho Tòa án biết nên đây không phải là tình tiết mới phát sinh có thể làm thay đổi nội dung vụ án. Do đó, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm Bản án dân sự phúc thẩm số 35/2013/DS-PT ngày 24/05/2013 của Tòa án dân thành phố Đà Nẵng.
Ngày 29/9/2020, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng có Thông báo giải quyết đơn đề nghị tái thẩm số 325/TB-TA, trả lời cho ông Trần Miên, bà Phạm Thị Tuyết: Tòa án cấp Sơ thẩm và Tòa án cấp Phúc thẩm buộc ông, bà phải giao nhà, đất tại 196 Huỳnh Ngọc Huệ cho ông Nguyễn Anh Tuấn là có căn cứ. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm Bản án dân sự phúc thẩm số 35/2013/DS-PT ngày 24/05/2013 của Tòa án dân thành phố Đà Nẵng.
Thiếu quyết liệt hay thiếu năng lực?
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ông đã có đơn yêu cầu thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 35/2013/DS-PT ngày 24/05/2013 của Tòa án dân thành phố Đà Nẵng và được Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê ra Quyết định Thi hành án số 56/QĐ-CCTHADS ngày 05/7/2013. Trong quá trình tổ chức thi hành án, Cơ quan Thi hành án Thanh Khê, Chấp hành viên thiếu quyết liệt, dẫn tới vụ việc cứ thế kéo dài gần 10 năm không có tiến triển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của ông Tuấn.
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Anh Tuấn buộc phải khiếu nại Chấp hành viên, Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê về việc chậm tổ chức thi hành Bản án và kiến nghị Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng trực tiếp giải quyết vụ việc.
Ngày 28/4/2021, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng ra Quyết định về việc rút hồ sơ thi hành án số 08/QĐ-CTHADS ngày 28/4/2021, để tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.
Sau nhiều lần tổ chức làm việc, đối thoại giữa các bên đương sự không thành. Ngày 16/11/2021, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng có Thông báo số 2084/TB-CTHADS về việc ấn định thời gian cưỡng chế giao tài sản vào lúc 8 giờ 30 ngày 10/12/2021. Cũng trong ngày 16/11/2021, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế trả nhà, giao nhà.
Ngày 07/12/2021, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng có Thông báo số 2244/TB-CTHADS về việc chuyển thời gian cưỡng chế giao tài sản vào lúc 8 giờ 30 ngày 15/12/2021.
Đến ngày 13/12/2021, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng ban hành Giấy mời các lực lượng, ban, ngành tham gia Hội đồng cưỡng chế vào lúc 7 giờ 30 ngày 21/12/2021, để tiến hành cưỡng chế thi hành bản án nói trên.
Song, đến nay Cơ quan Thi hành án Đà Nẵng vẫn chưa tổ chức cưỡng chế trả nhà, giao nhà cho ông Nguyễn Anh Tuấn, mặc dù lịch cưỡng chế đã dời lần thứ 3 và đã quá hạn nhiều tháng trời. Hiện, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng bao giờ sẽ tiến hành thi hành án được và làm cách nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Liên hệ với ông Trần Phước Thu – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng để tìm hiểu sự việc vì sao chậm trễ thi hành bản án có liệu lực pháp luật và ai sẽ chịu trách nhiệm khi để chậm trễ thi hành án kéo dài gần chục năm thì ông Thu cho biết: Hiện nay, không có căn cứ để hoãn thi hành án. Gia đình đương sự gửi đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm, nhưng đã được trả lời là không có căn cứ để Giám đốc thẩm. Do vậy, cơ quan Thi hành án đang báo các cấp có thẩm quyền để tiến thành thi hành án theo thủ tục. Quan điểm của Cục là sẽ tiến hành thi hành án tuy nhiên thời gian cụ thể thì chưa rõ. Còn liên quan đến trách nhiệm của cá nhân, đơn vị để chậm thi hành án kéo dài thì ông Thu mời phóng viên đến làm việc trực tiếp cho tiện trao đổi.
Như vậy, việc chậm trễ thi hành Bản án kéo dài gần 10 năm mà người dân tại Đà Nẵng gửi đơn đến Báo điện tử Xây dựng là có cơ sơ. Để bảo vệ quyền lợi của người dân, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn nữa để bản án được thực thi một cách nghiêm minh, kịp thời, hiệu quả, giảm áp lực, giảm bức xúc cho người dân cũng như tránh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Đỗ Lê
Theo