Thứ ba 10/12/2024 12:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Đà Nẵng: Đề xuất giải pháp quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt đô thị

10:27 | 13/05/2024

(Xây dựng) - Để giải quyết bài toán về cao độ nền, thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, liên danh tư vấn đã đưa ra nhiều giải pháp cho Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Đề xuất giải pháp quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt đô thị
Đà Nẵng triển khai thi công mở rộng một số tuyến cống tại khu vực thường xuyên bị ngập.

Theo liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Bình Định và Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định thì quy hoạch cao độ nền của đô thị Đà Nẵng phải đánh giá, xác định được các loại đất theo điều kiện tự nhiên thuận lợi, ít thuận lợi, không thuận lợi, cấm hoặc hạn chế xây dựng. Phải đánh giá, xác định được các nguy cơ rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong đó có xét đến các khu vực lân cận và phù hợp với quy hoạch chuyên ngành thủy lợi.

Phải tận dụng địa hình và điều kiện tự nhiên, hạn chế khối lượng đào, đắp. Cần có giải pháp để cao độ nền khu quy hoạch mới không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của các khu vực hiện hữu. Cao độ nền khống chế tối thiểu khu vực xây dựng công trình phải cao hơn mực nước ngập tính toán 0,3m đối với đất dân dụng và 0,5m đối với đất công nghiệp. Quy hoạch cao độ nền phải được thiết kế với chu kỳ lặp lại mực nước ngập tính toán được xác định theo loại đô thị và phân khu chức năng đô thị.

Đối với Đà Nẵng thì việc san lấp sẽ không thể đáp ứng được với tần suất lũ 1%, nhiều khu vực dọc bờ sông cũng không thể đáp ứng được tần suất 5%. Đồ án này là san nền với tần suất lũ P=5% và xây dựng kè chống lũ với P=1% kết hợp trạm bơm chống ngập để đảm bảo QH359 được duyệt.

Tuy nhiên đối với khu vực Hòa Vang, việc quy hoạch đô thị dọc 2 bờ sông sẽ làm cho mực nước sông dâng cao, khó đáp ứng được tần suất 5% hay 1%, việc san lấp lên 5% hay 1% cũng sẽ làm lũ gia tăng nhiều ở thượng lưu, cũng sẽ không thỏa mãn điều kiện gia tăng lũ nên đắp với cao trình phù hợp đồng thời ứng phó với lũ để tránh rủi ro cho các khu vực xung quanh.

Về thoát nước, đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp thoát nước khu vực Yên Thế - Bắc Sơn, Đinh Liệt – Nam Trân, ưu tiên mở rộng đoạn cống nối giữa 2 hồ Trung Nghĩa. Mở rộng đoạn cống từ kênh Yên Thế - Bắc Sơn và hồ Trung Nghĩa. Mở rộng gấp đôi cống tuyến Đinh Liệt – Nam Trân. Kết hợp mở 2 tuyến cống đường Phùng Hưng và Hồ Quý Ly giúp làm giảm mực nước sông Phú Lộc từ đó tăng khả năng thoát nước cho khu vực Yên Thế - Bắc Sơn và Đinh Liệt – Nam Trân.

Hai tuyến cống đường Đinh Liệt và tuyến cống đường Cao Sơn Pháo giữ nguyên hiện trạng. Đồng thời đưa ra kịch bản mở rộng cống Trần Xuân Lê, cống phần Lăng 19, cống đường Hà Huy Tập, Hà Khê có đấu nối với cống Kỳ Đồng, mở rộng thêm cống đường Mẹ Nhu - Dũng Sĩ Thanh Khê.

Về giải pháp thoát nước khu vực phía Nam của cụm hồ sân bay, cần mở rộng thêm 02 cống ở đường Hà Tông Quyền, mở rộng cống đường Cách mạng tháng Tám, đường Lương Như Của, đường Thăng Long - cửa xả. Tại một số trục chính các khu vực thường xuyên ngập như đường Hàm Nghi, Hoàng Hoa Thám, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm cần phải mở rộng thêm cống.

Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng kiến nghị, khối lượng của đồ án rất lớn ngoài việc tính toán san nền thoát nước còn tính thêm mực nước các sông ứng với các tần suất lũ và xây dựng hành lang thoát lũ cho sông.

Theo bà Tô Thúy Nga, đại diện liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Bình Định và Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định, đơn vị tư vấn đã thu thập và nghiên cứu đánh giá tình hình ngập lụt, ngập úng hiện nay cùng với ảnh hưởng của các công trình đường giao thông lớn như cao tốc, vành đai… đến ngập lụt trong khu vực. Phân tích ưu điểm, nhược điểm của đồ án quy hoạch 499/QĐ-TTg và phân tích về mô hình CDM đã lập tính toán thoát nước cho thành phố Đà Nẵng để áp dụng cho đồ án này.

Tư vấn đã sử dụng các mô hình thủy văn, thủy lực để mô phỏng ngập lụt để thấy được mức độ ảnh hưởng mực nước lũ đối với cao trình hiện trạng và quy hoạch. Kết quả mô phỏng cho thấy nếu san nền cao độ ứng với tần suất 1%, hoặc làm đê bao để ngăn lũ tràn bờ đáp ứng lũ 1% với các sông tại thành phố Đà Nẵng mà không ảnh hưởng đến các khu vực lân cận là không đáp ứng. Phương án này không khả thi.

Đề xuất định hướng cao độ san nền cho các lưu vực Vu Gia Thu Bồn, Cu Đê và lưu vực sông Phú Lộc đáp ứng được với tần suất 5% - 1% là khả thi hơn với đô thị Đà Nẵng. Xác định được hành lang thoát lũ cho các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn, Cu Đê, riêng sông Phú Lộc vì nằm trong nội đô nên hành lang thoát lũ cũng là khu vực 2 bên bờ sông như hiện trạng hiện nay.

Xác định được cao độ san nền cho thành phố Đà Nẵng cũng như tuyến hành lang thoát lũ cần xem xét tác động ảnh hưởng lũ khi san nền cũng như xây dựng để bao để đáp ứng tần suất lũ 5%, 1% khi xem xét quy hoạch các khu đô thị Hòa Vang. Cần xem xét xây dựng quy trình vận hành của các hồ điều hòa cũng như đầy tư các trạm đo mực nước cửa van… Các hồ điều hòa cần vận hành tự động hóa hơn.

Cần bổ sung thêm kinh phí khảo sát và thực hiện các mô phỏng thủy lực nhằm đưa ra được con số tin cậy hơn. Các mực nước từ các trạm đo trên sông ở thành phố Đà Nẵng hiện nay chỉ dùng để kiểm định mô hình chứ không còn phù hợp khi thống kê tần suất vì nó đã bị ảnh hưởng của vận hành hồ chứa thượng nguồn.

Nguyễn Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load