(Xây dựng) – Hiện nay, hệ thống thoát nước tại các đô thị hiện nay là hệ thống thoát nước chung cho nhiều loại nước như nước thải, nước mưa... Các quy chuẩn về xây dựng hạ tầng công trình thoát nước chưa đồng bộ, khiến các chủ đầu tư khi thi công xây dựng các công trình thoát nước, xử lý nước thải gặp khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCVN 07-2:2016/BXD) các công trình hạ tầng kỹ thuật – Công trình thoát nước.
Các công trình thoát nước đô thị phải tuân thủ theo quy chuẩn riêng
Sử dụng vật liệu đảm bảo độ bền lâu
Để xây dựng hệ thống thoát nước được hiệu quả, quy chuẩn quy định rõ cần phải phù hợp với quy hoạch thoát nước trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành, thoát nước đô thị được phê duyệt và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Trong đó, vật liệu và kết cấu ống, cống, mối nối và các công trình trên mạng lưới thoát nước phải đảm bảo độ bền lâu, ổn định dưới tác động của tải trọng, điều kiện tự nhiên và tác động ăn mòn của môi trường xung quanh trong suốt tuổi thọ của công trình.
Mối nối đường ống phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn được áp dụng. Đường kính tối thiểu của ống, cống thoát nước mưa, cống thoát nước chung đơn vị ở là 300mm, ngoài đường phố là 400mm. Đường kính tối thiểu của ống, cống thoát nước thải trong khu nhà ở là 150mm, ngoài đường phố 200mm.
Tính toán đến an toàn công trình, Quy chuẩn nêu rõ về độ sâu chôn ống nhỏ nhất (tính đến đỉnh ống). Đối với khu vực không có xe cơ giới qua lại là 0,3m. Khu vực có xe cơ giới qua lại là 0,5m đối với tất cả các loạị đường kính ống từ cao độ mặt đường. Trong trường hợp đặc biệt khi chiều sâu nhỏ hơn 0,5m thì phải có biện pháp bảo vệ ống.
Phải bố trí giếng thu nước mưa trên đường phố, quảng trưởng nhằm đảm bảo thu hết nước mưa. Khi chiều rộng đường phố nhỏ hơn 30m hoặc khi độ dốc lớn hơn 0,03 thì khoảng cách giữa các giếng thu không lớn hơn 30m. Chiều dài của đoạn ống nối từ giếng thu đến giếng thăm của đường cống không lớn hơn 40m. Đường kính tối thiểu của đoạn ống nối phải xác định theo diện tích thu nước mưa tính toán nhưng không được dưới 300mm.
Đáy của giếng thu nước mưa phải có hố thu cặn với chiều sâu lớn hơn hoặc bằng 0,3m và cửa thu phải có song chắn rác.
Đối với mạng lưới thoát nước mưa khi độ chênh cốt đáy ống nhỏ hơn hoặc bằng 0,5m, đường kính ống dưới 1.500mm và tốc độ dòng chảy không quá 4m/s thì cho phép nối ống bằng giếng thăm. Khi độ chênh cốt lớn hơn phải có giếng chuyển bậc.
Theo PGS. TS Nguyễn Việt Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, việc xây dựng quy chuẩn riêng biệt về xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật công trình thoát nước là việc làm hết sức cấp bách hiện nay. Để có thể thực hiện được quản lý nước thải bền vững cho các đô thị, chủ đầu tư phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý nước thải đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái. Áp dụng triệt để phương thức tiếp cận tổng hợp, quản lý theo lưu vực. Thoát nước, xử lý nước thải, cũng như các vấn đề hạ tầng kỹ thuật đô thị khác, cần được giải quyết một cách đồng bộ, và càng lồng ghép sớm từ khâu quy hoạch, chi phí càng giảm.
Tái sử dụng nước thải sau xử lý
Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều nhà máy xử lý nước thải theo nhiều công nghệ khác nhau. Tuy nhiên để đạt hiệu quả trong xử lý nước thải, quy chuẩn quy định nước thải khi đưa tới nhà máy (trạm) xử lý phải đạt yêu cầu tại các quy chuẩn như: QCVN 14:2008/BTNMT, QCVN 40:2011/BTNMT… để phù hợp với từng loại nước thải và nguồn tiếp nhận. Việc quản lý bùn thải thu gom được từ hệ thống thoát nước thải phải tuân thủ theo quy chuẩn QCVN 50:2013/BTNMT.
Trạm/nhà máy xử lý nước thải phải có thiết bị thu gom và khử mùi hoặc phải có các giải pháp ngăn ngừa mùi, khí phát tán ra môi trường xung quanh. Các công trình trong nhà máy xử lý nước thải phải có song chắn rác được lắp đặt ở mọi trạm xử lý nước thải với công suất bất kỳ. Các trạm xử lý nước thải công suất từ 100m3/ngày trở lên phải có bể lắng cát. Thiết bị thu dầu mỡ phải được bố trí khi nồng độ dầu mỡ lớn hơn 100mg/l.
Phải bố trí bể làm thoáng sơ bộ và đông tụ sinh học để tăng hiệu suất lắng và đảm bảo điều kiện nồng độ chất rắn lơ lửng của dòng nước thải vào các công trình xử lý sinh học dưới 150mg/l. Các công trình xử lý nước thải trên đất ướt như cánh đồng tưới nông nghiệp, bãi lọc ngập nước được phép đặt ở những nơi có đủ điều kiện địa chất thủy văn, đáp ứng những yêu cầu vệ sinh của địa phương…
Đại diện Vụ Khoa học công nghệ & Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, Dựu án đầu tư xây dựng, hồ sơ thiết kế các công trình đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và quản lý vận hành các công trình thoát nước mưa, thoát nước thải và xử lý nước thải thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn phải có thuyết minh về sự tuân thủ quy định của quy chuẩn này.
Việc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế công trình thoát nước tiến hành theo quy định hiện hành, trong đó phải có nội dung về sự tuân thủ các quy định của quy chuẩn QCVN 07-2:2016/BXD.
Thành Luân
Theo