Chủ nhật 19/01/2025 20:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

10:32 | 18/04/2023

(Xây dựng) – Ngày 17/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).

Cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát chi tiết các tuyến ga đường sắt để đưa vào các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Mục đích của Kế hoạch là xây dựng lộ trình triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt giai đoạn đến năm 2030 để cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch).

Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và xây dựng các tuyến đường sắt mới theo quy hoạch, dự kiến nhu cầu sử dụng đất; cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí nguồn lực đầu tư phát triển, quản lý, bảo trì, khai thác mạng lưới đường sắt.

Phạm vi thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường sắt được duyệt. Đối tượng là các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030.

Ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030

Đối tượng của quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung của quy hoạch tuyến, ga đường sắt thực hiện theo Điều 3 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến Luật Quy hoạch (Luật số 35/2018/QH14 ngày 01/01/2018).

Sẽ ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030; các tuyến đường sắt đang khai thác, việc quản lý được thực hiện theo hành lang an toàn đường sắt; các tuyến đường sắt mới đã, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc thực hiện đầu tư sẽ được cập nhật và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Tổ chức triển khai lập quy hoạch đối với các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030, cụ thể như sau: 03 quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Thành phố Hà Nội, khu vực đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đầu mối thành phố Hải Phòng; quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long); quy hoạch các ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế (trừ các ga đã có trong quy hoạch các khu đầu mối thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng); các tuyến đường sắt đang chuần bị đầu tư, thực hiện đầu tư được cập nhật thành quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ...).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát chi tiết các tuyến ga đường sắt để đưa vào các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nêu trên cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch.

Sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện: Năm 2022 - 2025.

Tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Đối với đường sắt hiện có, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến, ga đường sắt trên các tuyến đường sắt hiện có đã được xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; các dự án bảo đảm an toàn giao thông (xây dựng các đường ngang, hầm chui, xóa lối đi tự mở... theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, giao Bộ Giao thông vận tải lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.

Đối với đường sắt mới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án); tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện); xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, giao Bộ Giao thông vận tải lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Đối với đường sắt trong khu đầu mối thành phố Hà Nội: Bộ Giao thông vận tải bàn giao hồ sơ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND Thành phố Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư; chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội, các địa phương liên quan triển khai nghiên cứu phương án tổ chức vận tải trong khu đầu mối; xác định lộ trình đầu tư Khu tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía Đông để thống nhất thời điểm bàn giao các đoạn đường sắt quốc gia cho UBND Thành phố Hà Nội đầu tư.

Đối với các tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia: các địa phương triển khai đầu tư tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.

Dự kiến nhu cầu (kế hoạch) sử dụng đất

Theo Kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25.836ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 là 16.377ha quỹ đất tăng thêm so với hiện nay là 5.644ha.

Giao Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và chuẩn bị đầu tư các dự án sẽ tiếp tục rà soát chuẩn xác chi tiết nhu cầu sử dụng đất, phân kỳ đầu tư phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghi quyết số 39/2021/QH15.

Bố trí 15.924 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025

Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm đảm bảo vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

Huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư kèm theo Quyết định này, cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025: Bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch.

Giai đoạn 2026 - 2030: Dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2030.

Ngọc Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load