(Xây dựng) - Phát biểu tại Hội nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh với UBND các tỉnh vùng Đông Nam bộ và tỉnh Long An diễn ra ngày 15/1, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hết sức cấp bách nhằm giải quyết giao thông cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động và cả vùng Đông Nam bộ.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hoàng Lộc) |
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh cùng với tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải sớm khởi công dự án này. Phấn đấu đến tháng 9/2026 hoàn thành để đồng bộ với tiến độ khai thác Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trong năm 2022 và 2024, nhiều lần tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ và các Bộ, ngành sớm cho chủ trương, thống nhất phương án để triển khai dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 55km. Dự án được đưa vào khai thác từ năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Những năm gần đây, tuyến cao tốc này đã quá tải, đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng thường xuyên bị ùn ứ. Đoạn đường từ nút giao thông An Phú đến đường Vành đai 2 là một phần của tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, có vai trò là tuyến kết nối chính giữa cao tốc Bắc - Nam với Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác đường cao tốc đến gần cuối năm 2024, lượng xe đi lại liên tục tăng cao (trung bình 11-12%/năm), dẫn đến quá tải. Vì vậy, việc Thành phố Hồ Chí Minh bố trí vốn đầu tư đoạn đường dẫn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 là rất cần thiết và cấp bách.
Theo phương án đề xuất mới nhất của Bộ Giao thông vận tải, dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài gần 22km. Trong đó, đoạn từ nút giao với đường Vành đai 2 - Thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng quy mô 8 làn xe; đoạn từ nút giao với đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng quy mô 10 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 15.000 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay dự án mở rộng đường nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú đến đường Vành đai 2) đã được HĐND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư công với quy mô 8 làn xe (không bao gồm đường song hành 2 bên).
Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn khảo sát. Dự kiến tới đây sẽ hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo tiền khả thi dự án trình thẩm định, phê duyệt dự án trong tháng 4/2025 và xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2026.
Ông Lâm cho biết thêm, sự kết nối giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai rất cần thêm những cây cầu, đặc biệt là cầu Cát Lái. Hiện nay, các cầu kết nối giữa hai địa phương đã được thể hiện trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Đồng Nai sớm triển khai đầu tư cầu Cát Lái. Đồng thời, hai địa phương sẽ tiếp tục trao đổi, thống nhất kế hoạch và quy chế phối hợp làm cầu Phú Mỹ 2, cầu Long Thành 2 trong thời gian tới.
Liên quan vấn đề trên, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong buổi làm việc mới đây tại Đồng Nai, Thủ tướng đã gợi ý thêm phương án làm hầm ngầm nối giao thông ở Cát Lái. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đang nghiên cứu cả hai phương án là làm cầu và hầm ngầm để gửi Thành phố Hồ Chí Minh, xem xét và để thống nhất trong quý II/2025.
Nguyễn Đức Dũng
Theo