(Xây dựng) - Xu hướng xây dựng xanh đang trở nên ngày càng phát triển. Nó không chỉ là trào lưu mà còn là mong muốn của nhân loại trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Các công trình xây dựng tiêu thụ đến 20% năng lượng, 70% điện năng và phát thải ra 39% tổng lượng khí thải CO2 tại Mỹ, tương đương 2,1 tỉ tấn.
Ví dụ về một công trình xanh. |
Việc cắt giảm tiêu thụ năng lượng đi đôi với khí thải CO2 cho các công trình xây dựng là một trong những yêu cầu bức thiết. Có nhiều loại vật liệu xây dựng xanh hiện nay trên thị trường giúp các công trình cải thiện các mức tiêu thụ năng lượng này. Một số ví dụ về các sản phẩm đóng góp cho xây dựng bền vững và tiết kiệm năng lượng bao gồm: Cách nhiệt cho mái, tường bao, hệ thống ống dẫn khí lạnh là yêu cầu gần như bắt buộc cho mọi công trình để đạt được tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng tối thiểu. Hệ thống điều hòa không khí HVAC tiết kiệm điện năng và đèn LED chiếu sáng, sensor đo ánh sáng… Tấm thạch cao (thay thế tường gạch), tường bê tông hay vật liệu không nung thay thế cho các vật liệu nung. Kính Low-E glass giúp cắt giảm nhiệt lượng từ bức xạ mặt trời mà vẫn cho ánh sáng đi qua, tiết kiệm chi phí cho chiếu sáng nhưng vẫn cách nhiệt. Các sản phẩm sản xuất tại địa phương cũng đóng góp cho quá trình xây dựng xanh vì quá trình vận chuyển sản phẩm từ các khu vực xa hơn cũng phát thải ra khí CO2. Sản phẩm tái chế dùng trong kết cấu thép, xi măng không chỉ đóng góp cho việc giảm chi phí của chủ đầu tư mà còn giúp cắt giảm việc phải chôn lấp và lưu phế thải. Pin mặt trời giúp giảm chi phí năng lượng và có thời gian hoàn vốn 7 - 10 năm. Tuy nhiên những công trình cần sử dụng HVAC thì việc đầu tư nên vào giải pháp cách nhiệt và HVAC trước khi tính đến việc lắp đặt các tấm pin mặt trời.
Song song với việc xuất hiện những sản phẩm xây dựng xanh, các chứng nhận xây dựng xanh cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ (LEED), Anh (BREEAM), Singapore (Green Mark). Hệ thống chứng chỉ cho công trình xanh đầu tiên ra đời năm 1990 tại Anh đến năm 1998 thì hệ thống chứng nhận LEED của Mỹ ra đời. Tại Việt Nam đến năm 2005 Hội Đồng Công trình Xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council) cũng đã chính thức được thành lập. Trải qua hơn 10 năm Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam tại Việt Nam đã có được một hệ thống đánh giá LOTUS tương đối đầy đủ bao gồm các hệ thống đánh giá cho công trình phi nhà ở (LOTUS NR), công trình đang vận hành (LOTUS BIO), nhà chung cư (LOTUS MFR), không gian nội thất (LOTUS Interiors), công trình quy mô nhỏ (LOTUS SB), nhà ở (LOTUS Home) và không gian nội thất quy mô nhỏ (LOTUS SI).
Một hệ thống đánh giá như LOTUS hay LEED là cho toàn bộ dự án không phải cho một sản phẩm cụ thể nào. Các sản phẩm có thể đóng góp điểm cho LEED & LOTUS nhưng chúng không thể đạt điểm một mình. Tất cả các dự án LEED và LOTUS phải làm mô phỏng năng lượng cho cả công trình (ngoại trừ những công trình cần chứng chỉ LOTUS SB). Mô phỏng năng lượng bao gồm thiết kế, vật liệu vỏ bọc và tất cả các thiết bị được sử dụng trong tòa nhà. Mô hình này cho biết tổng tiết kiệm năng lượng và là nguồn điểm lớn nhất theo các hệ thống LEED và LOTUS. Các mô hình được thực hiện bởi các chuyên gia, thuộc nhóm tư vấn LEED hoặc LOTUS. Một mô hình dự thảo cần được thực hiện trước khi kết thúc giai đoạn Thiết kế cơ bản để đảm bảo tòa nhà tuân thủ tiêu chuẩn.
Một hệ thống đánh giá đầy đủ của LEED hay LOTUS thường bao gồm rất nhiều hạng mục như: Năng lượng, Nước, Vật liệu, Sinh thái, Rác thải, Sức khỏe tiện nghi, Thích ứng & giảm nhẹ, Quản lý và Sáng tạo. Trong đó hạng mục Năng lượng chiếm tỉ trọng lớn nhất thường lên tới 30% tổng số điểm đánh giá một công trình xanh. Một số công trình đạt chứng chỉ xanh tiêu biểu Big C Green Square (Bình Dương), Nhà máy Intel, Cao ốc President Place (TP.HCM), Nhà máy Nokia (Bắc Ninh), Tòa nhà Liên Hiệp Quốc (Hà Nội)…
Song song với xu thế phát triển xây dựng xanh thì cũng có một số DN lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các chủ đầu tư nhằm cạnh tranh không lành mạnh đã đưa logo của LEED lên sản phẩm của mình. Mặc dù trên trang web chính thức của Hội đồng Công trình Xanh của Hoa kỳ (USGBC) đã dẫn chứng rõ ràng là họ không chứng nhận cho sản phẩm hoặc công ty. Hiện nay trên thị trường Việt Nam đã có những Công ty tư vấn Xanh chuyên nghiệp gồm cả tư vấn người Việt Nam lẫn nước ngoài. Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tư vấn xanh của Green Consult Asia, cô Melissa Meryweather (Mỹ) cho biết: “Rất nhiều chủ đầu tư có mong muốn làm công trình xanh nhưng lại không có sự hiểu biết nhất định về các điều kiện để đạt được chứng chỉ. Nhiều người bị lầm tưởng trong việc mua các sản phẩm có thương hiệu xanh sẽ giúp họ đạt được chứng chỉ. Chưa kể các công ty lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để đưa các logo như LEED trái phép lên sản phẩm của họ.
Ngoài ra quy trình lấy chứng nhận nên được bắt đầu từ lúc thiết kế Concept (cho nhà máy) hoặc ít nhất giai đoạn Thiết kế Cơ bản (cho các loại công trình khác). Không nên bắt đầu việc thực hiện đánh giá công trình xanh mà không có sự tham gia của chuyên gia hoặc nhân sự có kinh nghiệm. Bởi những chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm sẽ xác định được các vấn đề từ sớm. Thiết kế Xanh có thể có chi phí rất phải chăng nếu nó bắt đầu sớm trong quy trình thiết kế. Càng về sau càng khó khăn để đạt được thành công”.
Thanh Huyền
Theo