(Xây dựng) - Công trình thủy điện Hòa Bình ghi dấu ấn lịch sử của đất nước Việt Nam về một biểu tượng cao đẹp với tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Đã có gần 1.000 chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam xây dựng công trình thế kỷ này, trong số 186 cán bộ, người lao động hy sinh trên công trường, có 13 chuyên gia Liên Xô cũ (nay là nước Nga).
Công trình thủy điện Hòa Bình - Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Xô. |
Từ năm 1958, Chính phủ đã giao Bộ Thủy lợi cử cán bộ tiến hành nghiên cứu địa chất trên toàn bộ lưu vực sông Đà và Hòa Bình đã được chọn là nơi xây dựng công trình thủy điện đầu tiên trên dòng sông Đà hùng vĩ. Trong những năm 1959 -1965, Viện khảo sát và thiết kế thủy lợi của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có sự tham gia của các chuyên gia Liên Xô S.K.Kitôvanhia và A.E.Đốpdưcốp cùng nhiều người khác, đã tiến hành đo vẽ địa hình, trắc địa và lập bản đồ địa chất lưu vực sông.
Đến ngày 02/9/1971, mũi khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện. Hàng vạn thanh niên của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã được tuyển chọn, đào tạo để trở thành những công nhân kỹ thuật phục vụ công trình, nhất là sự đóng góp của các chuyên gia, kỹ sư người Nga. Hàng loạt công trình phụ trợ như nhà ở cho cán bộ, công nhân, người lao động, trường học, bệnh viện và khu chuyên gia được gấp rút xây dựng để phục vụ cho công trình thế kỷ.
Người bạn lớn - Liên Xô để lại dấu ấn tại công trình thủy điện Hòa Bình cả về trí tuệ, kinh nghiệm, công sức. Thuở ngày đầu mới khởi công, những kỹ sư, chuyên gia Liên Xô làm trực tiếp mọi việc: Từ cung cấp điện cho công trường, nổ mìn, dọn đá đến việc tự lái máy xúc, máy ủi, sửa chữa ôtô... Sau này, các chuyên gia đã đào tạo cho chúng ta đội ngũ kỹ sư, công nhân bản địa giỏi tay nghề, thông thạo kỹ thuật để tiếp quản lại. Các chuyên gia địa chất, địa hình, thủy năng, khoan phun của nước bạn rất giỏi, giàu kinh nghiệm; họ giúp Việt Nam làm được việc lớn bằng tất cả lòng nhiệt huyết.
Kỹ sư Nguyễn Phụ Du, nguyên cán bộ kỹ thuật phụ trách thiết kế một hạng mục thi công trong quá trình thi công dự án thủy điện Hòa Bình nhớ lại: Khi ấy, chuyên gia cơ khí người Uzbekistan đến làm việc ở đơn vị tôi tên họ ông dài lắm. Ông bảo cứ gọi ông là Sep-pin cho dễ. Vợ ông cũng theo ông sang Việt Nam và được bố trí công việc tại Phòng Nghiệp vụ trong làng chuyên gia.
“Trước khi đi học đại học, ông là công nhân cơ khí bậc cao của một nhà máy chế tạo thiết bị xây dựng. Khi đến Việt Nam ông đã ngoài năm mươi tuổi. Nhiệm vụ của ông là hướng dẫn chỉ đạo chúng tôi thiết kế chế tạo kết cấu cơ khí phục vụ cho 4 công tác thi công bê tông công trình ngầm thủy điện Hòa Bình”, kỹ sư Du kể lại.
Chia sẻ thêm về những kỷ niệm với vợ chồng chuyên gia Sep-pin, người cán bộ kỹ thuật ngày nào bồi hồi xúc động: “Ngày nghỉ, ông bà Sep-pin cũng thỉnh thoảng đến chơi thăm nhà chúng tôi. Ông Sep-pin không thích uống rượu, đến nhà tôi chỉ thích ngồi nhâm nhi ly cà phê. Ông bà sống rất tình cảm, ngày chủ nhật họ thường cùng nhau đi chợ. Những loại hoa quả lạ của Việt Nam vợ chồng ông thường nhờ tôi hướng dẫn cách thưởng thức. Ông bà đến Việt Nam vào giữa mùa hè. Nắng hè chói chang, gió Lào hầm hập làm cho họ lúc nào cũng cảm thấy mình sắp không thể chịu được. Mùa thu đến dễ chịu hơn, họ mới thường dắt nhau đi dạo”.
Câu chuyện về người chuyên gia Liên Xô tiếp tục được ông Du kể say sưa hơn: Sau mấy tháng miệt mài làm việc dưới sự hướng dẫn tận tình của Sep-pin, nhóm thiết kế của Việt Nam gần hoàn thành các bản vẽ cơ khí chi tiết. Thế rồi một sự cố đáng tiếc xảy ra với vị chuyên gia giàu kinh nghiệm, khiến ông vướng vào một quy chế nghiêm khắc và với linh cảm lúc bấy giờ, khả năng sẽ buộc phải về nước.
Nghe tin này anh em kỹ sư, công nhân trong đơn vị của ta bàng hoàng, sửng sốt. Một phần vì công việc đang dang dở, nhưng cái chính là chúng tôi rất quý và thương Sep-pin. Đối với những người đi làm ở nước ngoài, nếu vi phạm còn bị xử lý tăng nặng thêm một bậc. Tôi đã đến gặp lãnh đạo cao nhất công trường phía Việt Nam để cầu cứu. Nghe tôi trình bày sự việc, ông Tổng Giám đốc rất thông cảm với Sep-pin.
Các kỹ sư người Việt đồng lòng đoàn kết viết đơn dưới danh nghĩa người phụ trách đơn vị nơi ông Sep-pin đang làm việc gửi đến lãnh đạo cao nhất cả hai phía Việt Nam và Liên Xô. Trong đơn tôi có ghi nội dung nêu rõ các kỹ sư trẻ Việt Nam đang rất cần sự hướng dẫn của ông Sep-pin để hoàn thành các bản thiết kế còn lại, sớm đưa vào gia công, chế tạo đảm bảo tiến độ công trình. Sau hai ngày, đơn đề nghị của tôi được lãnh đạo cao nhất Đoàn chuyên gia Liên Xô chấp nhận. Thật mừng quá. Hôm sau, ông Sep-pin trở lại làm việc xúc động cảm ơn chúng tôi đã giúp ông.
Chuyên gia Liên Xô luôn sát cánh cùng cán bộ kỹ sư, công nhân Việt Nam tại thủy điện Hòa Bình. (Ảnh tư liệu) |
Sau này, khi vợ chồng Sep-pin về nước, bà Sep-pin tặng lại những bộ váy, áo và đề nghị cắt chúng ra để may quần áo cho bọn trẻ. Còn ông Sep-pin tặng tôi các cuốn sách quý, là những cuốn sổ tay cẩm nang kỹ thuật, ông mang theo sang Việt Nam để tra cứu tính toán. Ông biết tôi cần những cuốn sách này. Một quyển vở dày mới viết có mấy trang ông cũng mang cho tôi để dùng tiếp. Ông biết khi ấy Việt Nam đang còn nhiều khó khăn.
Chúng tôi tiễn ông bà đến đỉnh dốc rồi chia tay. Nhìn hai ông bà dắt nhau đi chầm chậm về phía làng chuyên gia, chúng tôi không cầm được nước mắt. Chắc chẳng bao giờ gặp lại được nhau nữa. Đất nước Liên Xô xa xôi và rộng lớn lắm. Bao nhiêu năm đã qua đi, những cuốn sách quý giá ông cho vẫn luôn nằm trang trọng trong tủ sách kỹ thuật của tôi và đã giúp tôi rất nhiều trong công việc. Quyển vở ông đang dùng dở tôi đã ghi chép dày đặc những gì mà tôi thu lượm, đúc kết được trong những năm làm việc.
Người kỹ sư trên công trường thế kỷ ngày nào xúc động: “Ở nước Nga xa xôi không biết ông bà còn sống hay đã mất. Nếu còn sống, năm nay ông bà cũng ở tuổi chín mươi rồi. Không biết cuộc sống tuổi già của hai người có được bình an vui vẻ không? Hai vợ chồng người que chúng tôi nhớ hai ông bà người vuông lắm”.
Cũng gắn bó và nhiều kỷ niệm về quãng thời gian ấy, Kỹ sư Trần Ngọc Lan, nguyên cán bộ Công ty Công trình ngầm nhớ lại: “Trong điều kiện sống và sinh hoạt rất khó khăn (thiếu điện, thiếu nước, công việc vất vả, hiểm nguy) nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thúc giục những bàn tay, khối óc của các kỹ sư, công nhân Việt Nam không ngừng học hỏi những kinh nghiệm của các chuyên gia Liên Xô với tinh thần tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.
Mọi người không quản ngại khó khăn, gian khổ, hăng say lao động tới 3 ca, 4 kíp trắng đêm vì các mục tiêu tiến độ, những khẩu hiệu lao động đã trở thành huyền thoại như: “Cao độ 81 hay là chết”, “Chiến dịch 150 ngày đêm thông hầm xả lũ”…
Những cái tên của người bạn Liên Xô sẽ khắc ghi mãi trong tâm trí của cán bộ Việt Nam như chính dấu ấn của họ để lại công trình thủy điện Hòa Bình – công trình thế kỷ: Đó là Kỹ sư trưởng thiết kế Anbect Bôrixôvích Vanxiliep; Kỹ sư chủ nhiệm Công ty thi công Cơ giới Anđrây Arkhipôvich Pôrôkhanhia; Kỹ sư trưởng Phòng thiết kế thi công của Ban kiểm nghiệm chính Sirvan Ixmaidade Alếchbecli; Kỹ sư trưởng về xây dựng Alếchxanđrơ Víchtorôvich Xkliarencô hay nhà vật lý địa chất Miakhain Grigôrievich Ederxki; Trưởng phòng thiết kế thi công Bôrix Ivanôvich Gôđunốp và nhiều người khác nữa.
Đặc biệt là tổng chuyên viên Trưởng Đoàn chuyên gia Liên Xô của nhà máy thủy điện Hòa Bình Paven Timophievich Bogachencô, người đã kỷ niệm lần sinh nhật thứ 60 của mình cùng các bạn Việt Nam bên bờ sông Đà luôn được nhiều thế hệ cán bộ công nhân kỹ sư của Tổng Công ty Sông Đà nhắc đến với tình cảm yêu mến, trân trọng.
Các đại biểu Hội hữu nghị Việt - Nga trong một lần thăm lại Nhà máy thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: Tiến Dũng) |
Sự gần gũi và lịch sử của hai dân tộc Việt Nam – Liên Xô trước đây và Cộng hòa Liên bang Nga sau này sẽ càng thắt chặt thêm mối quan hệ, tình hữu nghị bền chặt để cùng hướng tới những tầm cao mới.
Lê Mỹ
Theo