56,4% tổng vốn ODA được phân bổ cho hạ tầng giao thông.
Bài viết đã đưa ra những đánh giá dưới quan điểm của một chuyên gia tư vấn thiết kế và giám sát về thực trạng thi công các dự án xây dựng từ nguồn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Bài viết có một số nội dung chủ yếu sau:
Vấn đề của chủ đầu tư
Chủ đầu tư của Việt Nam vẫn còn tình trạng cho các Cty “có vấn đề” về tài chính, năng lực kỹ thuật, năng lực bảo đảm tiến trình tham gia đấu thầu; vẫn có khuynh hướng chỉ dựa trên tiêu chí giá cả để xét đấu thầu, chưa chú ý sử dụng hình thức đấu thầu dựa trên các yếu tố về bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn; tình trạng không giao thầu theo năng lực của các Cty xây dựng mà chỉ giao theo gói lớn; vẫn cho các Cty địa phương tham gia dù năng lực của Cty đó thấp. Trong nhiều trường hợp, cho dù Cty tư vấn không chấp nhận cho tham gia công trình, nhưng nếu chủ đầu tư chấp nhận thì Cty địa phương vẫn được tham gia. Khi tiến độ công trình bị trễ, thì viện lý do để cho qua và thường không bị phạt.
Những nghịch lý thường xảy ra như: chưa giải tỏa mặt bằng nhưng công trình vẫn nhận được chỉ thị cho bắt đầu thi công; hầu hết các trường hợp chưa có thỏa thuận về giải tỏa, các chướng ngại vật liên quan đến công trình nhưng vẫn tiến hành đấu thầu.
Ở Việt Nam ít có nhà quản lý chịu trách nhiệm hoàn toàn giải quyết vấn đề; tình trạng sợ trách nhiệm liên đới cá nhân, cho nên ra quyết định giải quyết vấn đề rất chậm chạp; có trường hợp lãnh đạo của chủ đầu tư không nắm rõ công trình, nên phát ngôn bất hợp lý về tiến độ công trình; có trường hợp đòi hỏi phi lý về tiến độ công trình nhằm đón chào những ngày kỷ niệm lịch sử.
Sự liên đới trách nhiệm giữa các ban ngành liên quan đến công trình không tốt nên không thể giải quyết nhanh chóng được việc giải tỏa các công trình công cộng, nhất là trong đô thị; có trường hợp không chấp hành nghiêm ngặt các điều khoản đã được ghi rõ trong khế ước, quy định.
Lương nhân viên khá thấp nên họ thường không chú tâm vào công việc; có khi kiểm tra chi tiết liên tục sau khi công trình hoàn thành họ đòi trừ chi phí có tính tiểu tiết; người thi công rất sợ bị chỉ trích với việc giám sát công trình sau này, nên có những đòi hỏi vô lý nhằm lẩn tránh trách nhiệm.
Vấn đề sử dụng các Cty tư vấn xây dựng
Vẫn còn tình trạng sử dụng các quy chuẩn không phù hợp với thực tế; thường ưu tiên mối quan hệ với chủ đầu tư nên có trường hợp tạo áp lực lên các Cty thi công.
Việc quản lý nhân viên địa phương lỏng lẻo, dẫn đến việc phó thác cho sự phán đoán của nhân viên tại công trình mà không theo quy chuẩn kỹ thuật, do đó, xảy ra các vấn đề bất hợp lý; nhiều trường hợp do nền tảng tri thức và kinh nghiệm về kỹ thuật thi công yếu kém, nên có tình trạng lấp liếm một số vấn đề sai sót.
Vẫn có tình trạng đối xử không công bằng như nghiêm khắc với các Cty thi công Nhật Bản nhưng lại dễ dãi với các Cty địa phương; khó thuyết phục được chủ đầu tư loại bỏ sử dụng hệ thống đấu thầu dựa trên bỏ thầu giá rẻ mà không có chứng cứ đơn giá minh bạch.
Các vấn đề của Cty thi công Nhật Bản
Thực tế cho thấy đang có khuynh hướng không đưa các chuyên gia hàng đầu ra hải ngoại; để thử nghiệm việc kinh doanh ở hải ngoại nhằm bổ túc cho sự sụt giảm của kinh doanh trong nước, nên thường đưa nhân viên chưa được huấn luyện kỹ càng ra hải ngoại; cùng một số tiền nhưng quy mô công trình ở hải ngoại bằng 2,5 đến 3 lần trong nước, nên nhiều trường hợp không xử lý nổi lượng công việc lớn như vậy.
Do không phá vỡ được bức tường ngăn cách với các nhân viên người địa phương, nên không sử dụng hiệu quả năng lực của họ; để tăng năng lực đấu thầu, phải hạn chế số nhân viên người Nhật Bản và tăng nhân viên địa phương, dẫn đến quá tải không quản lý nổi. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sai sót trong công trình.
Trong trường hợp Cty lớn đưa trọn gói công việc cho các Cty nhỏ phía dưới, thì không thể quản lý được các vấn đề liên quan đến gói công việc đó được nữa; các Cty kinh doanh của Nhật Bản chỉ có lời khi được sự hỗ trợ kinh doanh nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản.
Vấn đề của các Cty Việt Nam
Nhiều Cty thi công đang nợ ngân hàng rất lớn, cho nên đưa tiền cho thi công nhưng không được dùng vào mục đích thi công; lương thấp nên nhân viên không tập trung làm việc; mặt bằng kỹ thuật và kinh nghiệm kém, tuổi trung bình của kỹ sư còn trẻ nên khó có thể tuyển lựa được quản đốc các công trình lớn.
Do quyền hạn của cá nhân bị giới hạn, nên chậm ra quyết định dẫn đến việc trễ nải tiến độ công trình; nhận thức về chất lượng và an toàn thấp, nhìn tổng thể thì cách vận hành và công trường bề bộn và kém an toàn.
Hiện tượng rất ngại đầu tư trước, thường thì tới đâu đầu tư tới đó, nên dẫn đến thi công thiếu yếu tố kinh tế; kiến thức và kinh nghiệm về kỹ thuật thấp, khả năng lập kế hoạch và quản lý cũng yếu kém, nên thường trên thực tế công trình vận hành ở mức các công nhân lành nghề; năng lực đổi mới kỹ thuật yếu, các Cty thường sử dụng các kỹ thuật tương tự nhau và không hợp lý.
Vấn đề kiểm tra
Có quá nhiều công đoạn kiểm tra, cho nên phải viết rất nhiều báo cáo làm cho hiệu suất công việc giảm; nhân viên kiểm tra thì thiếu kiến thức về các công trình ODA. Nhiều trường hợp nhân viên kiểm tra không nói được tiếng Anh; nhận thức thiếu thốn về công trình, thường đưa ra các ý kiến rất phi lý, thiếu khách quan…
Nguyễn Nhâm
Theo baoxaydung.com.vn