Thứ sáu 26/04/2024 18:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công trình ở vùng động đất Kon Tum cần sửa chữa và xây mới thế nào?

20:30 | 05/09/2022

(Xây dựng) – Để đối phó với tình trạng động đất xảy ra thường xuyên tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có Công văn 3851/BXD-KHCN gửi UBND tỉnh Kon Tum và Sở Xây dựng Kon Tum về tài liệu kỹ thuật “Hướng dẫn sửa chữa hư hỏng và xây mới cho công trình dân dụng thấp tầng trong vùng chịu động đất khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum”.

cong trinh o vung dong dat kon tum can sua chua va xay moi the nao
Đoàn công tác Bộ Xây dựng kiểm tra ảnh hưởng của động đất tới các công trình xây dựng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tài liệu chỉ áp dụng với nhà thấp tầng tường gạch, khung bê tông cốt thép

Kể từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất. Trong đó, trận động đất mạnh nhất hơn 1 thế kỷ qua tại khu vực này diễn ra vào ngày 23/8 với cường độ 4,7 richter, tương đương cường độ động đất tại thuỷ điện Sông Tranh 2.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất đang xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Từ năm 1903 đến năm 2020, địa phương này ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn 2,5 - 3,9 richter. Nhưng từ tháng 2/2021 đến nay, hiện tượng động đất xảy ra thường xuyên hơn và có xu hướng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2021 xảy ra 114 trận động đất và trong 8 tháng đầu năm 2022 xảy ra 146 trận động đất ở tỉnh Kon Tum. Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực có thể lên tới 5,5 richter.

Đứng trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo và giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng khảo sát, đánh giá và biên soạn tài liệu kỹ thuật “Hướng dẫn sửa chữa hư hỏng và xây mới cho công trình dân dụng thấp tầng trong vùng chịu động đất khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum”.

Hướng dẫn này được biên soạn căn cứ trên Hướng dẫn sửa chữa hư hỏng và xây mới cho công trình dân dụng thấp tầng trong vùng động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 do Viện Khoa học công nghệ xây dựng ban hành năm 2012; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và kết quả khảo sát, nghiên cứu của các cán bộ, chuyên gia của Viện.

Tài liệu này sẽ được áp dụng để sửa chữa, gia cố các công trình dân dụng hiện hữu bị hư hỏng do động đất, hướng dẫn một số giải pháp cấu tạo kháng chấn để áp dụng cho công trình dân dụng thấp tầng xây mới trong vùng chịu ảnh hưởng của động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Đối tượng áp dụng chủ yếu của hướng dẫn này là các công trình nhà thấp tầng (từ 1 đến 3 tầng) có kết cấu chịu lực chính là tường gạch, khung bê tông cốt thép kết hợp tường gạch; có công năng sử dụng như trụ sở, trường học, trạm y tế, nhà dân... Các dạng công trình khác cần được tính toán, thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế công trình chịu động đất TCVN 9386:2012.

Sửa chữa các hư hỏng của nhà do động đất

Hướng dẫn của Viện Khoa học công nghệ Xây dựng đã nêu ra 3 nguyên tắc chính khi sửa chữa các công trình bị hư hỏng do động đất. Trước khi sửa chữa, cần thu thập các thông tin, bản vẽ, tài liệu liên quan đến nền móng và kết cấu của nhà; khảo sát kỹ toàn bộ nhà để phát hiện các vết nứt, mức độ hư hỏng và các nguyên nhân gây hư hỏng để lựa chọn giải pháp sửa chữa hợp lý. Đối với các nhà có một số bộ phận của kết cấu bị nứt nhưng về cơ bản toàn bộ kết cấu của nhà vẫn còn khả năng chịu lực, có thể tiến hành sửa chữa, gia cố nhằm khôi phục khả năng chịu lực ban đầu và phần nào cải thiện khả năng kháng chấn của nhà. Tường hợp xác định kết cấu nhà (bao gồm móng và kết cấu bên trên) không đủ khả năng chịu lực thì cần gia cường kết cấu trước khi sửa chữa các vết nứt.

Khi tiến hành khảo sát nhà bị hư hỏng để sửa chữa, những vị trí cần chú ý là các kết cấu chịu lực chính như móng, tường, cột, dầm...; các góc tường; chỗ giao nhau giữa tường ngang và tường dọc; chỗ tiếp xúc giữa tường với cột gạch hoặc cột bê tông cốt thép; chỗ giao nhau giữa dầm với cột; góc các lỗ thông tường, sàn như cửa sổ, cửa đi, lỗ sàn ở cầu thang…

Theo tài liệu hướng dẫn, có 6 dạng vết nứt thường thấy trong các kết cấu tường gạch khi chịu tác động của động đất là nứt chéo ở các mảng tường đặc hoặc ở các mảng tường giữa hai lỗ cửa; nứt ngang ở các mảng tường hẹp giữa hai lỗ cửa; nứt chéo ở góc của các lỗ cửa; nứt dọc theo phần tiếp xúc giữa kết cấu bê tông cốt thép (sàn, giằng, cột...) và khối xây gạch; nứt gần chỗ giao nhau của các tường (tường dọc và tường ngang) hoặc phần tường kề nhau ở hai bên của khe lún và khe biến dạng nhiệt; nứt ngang cột (thường ở đỉnh cột).

Trên cơ sở những phân tích nêu trên, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã giới thiệu một số giải pháp sửa chữa, gia cường các công trình bị hư hỏng do động đất. Đối với các vết nứt có thể sữa chửa bằng 2 phương pháp trát vữa xi măng cát và bơm vữa. Đối với tường bị hư hỏng có thể sửa chữa bằng cách đặt cốt thép neo giữ kết hợp với bơm vữa, sử dụng chốt bê tông cốt thép, lớp vỏ xi măng lưới thép, bổ sung các cột bê tông cố thép hay tháo dỡ, xây lại một phần hoặc cả bức tường. Bên cạnh đó, tài liệu cũng giới thiệu một số giải pháp sửa chữa lanh tô gạch; sửa chữa cột gạch; sửa chữa cột bê tông cốt thép bằng các loại bỏ các phần bị hư hỏng và thay bằng phần bê tông mới; sửa chữa cột bằng lớp bọc bê tông cốt thép, bọc khung thép; sửa chữa dầm bằng lớp bọc bê tông cốt thép.

cong trinh o vung dong dat kon tum can sua chua va xay moi the nao
Động đất xảy ra thường xuyên với cường độ mạnh tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong thời gian qua.

Xây mới nhà thấp tầng trong vùng chịu động đất

Trong tài liệu hướng dẫn, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã nếu ra các nguyên tắc chung khi xây mới công trình dân dụng thấp tầng trong vùng chịu động đất, đó là các nguyên tắc về lựa chọn giải pháp mặt bằng, mặt đứng, địa điểm xây dựng và lựa chọn giải pháp kết cấu, vật liệu xây dựng.

Ví dụ, mặt bằng và mặt đứng của nhà cần bố trí đối xứng ít nhất theo hai phương, không nên xây lệch tầng, có bố trí đường thoát khi xảy ra động đất, địa điểm xây dựng công trình nên chọn ở những nơi có đất nền thích hợp như đất cứng, đặc chắc và đồng nhất trên một diện rộng. Những công trình này cũng cần bố trí các giằng bê tông cốt thép để tăng khả năng chịu lực của chung toàn nhà và của riêng các tường xây.

Trên cơ sở các nguyên tắc chung, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã giới thiệu một số giải pháp để áp dụng trong trường hợp xây mới nhà thấp tầng trong vùng chịu động đất như yêu cầu chung về cấu tạo cốt thép; yêu cầu đối với tường xây chèn; cấu tạo khối xây gạch; cấu tạo các cột, giằng trong tường xây gạch; cấu tạo móng của tường xây gạch; cấu tạo sàn, mái, cấu tạo lanh tô, dầm, giằng.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load