Thứ bảy 21/12/2024 19:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Công chứng "tư" - "vạn sự khởi đầu nan"

08:19 | 20/08/2008
Vạn sự khởi đầu nan!
 
Khó khăn lớn nhất mà các VPCC phải đối mặt đó là tâm lý e ngại của người dân. TS. Lê Quốc Hùng, Trưởng Văn phòng công chứng Hà Nội cho biết: Cách đây vài năm người dân cho cái gì của Nhà nước cũng hơn tư nhân, giờ tâm lý đó có phần mờ nhạt nhưng vẫn còn, đặc biệt “ăn sâu” trong suy nghĩ của những người có tuổi. Có mặt tại VPCC Hà Thành từ hơn 7 giờ sáng, tôi gặp bác Nguyễn Văn Bình (Xuân Đỉnh, Từ Liêm) đi công chứng giấy tờ nhượng quyền sử dụng đất cho con. Bác Bình phân trần: Không biết hiệu lực pháp lý của văn bản công chứng tư có gì khác so với văn bản công chứng Nhà nước, mức phí không biết thế nào? . “Có trường hợp hồ sơ đã nộp, chờ bổ xung thêm giấy tờ nhưng họ lại đến rút về với lý do “sợ không có hiệu lực pháp lý”, Thạc sỹ Đào Anh Dũng, Trưởng Văn phòng công chứng Ba Đình cũng cho biết như vậy. Theo ông Đào Anh Dũng, còn khó khăn nữa là: Hiện đang trong qúa trình chuyển đổi con dấu nên vẫn tồn tại 2 hệ thống dấu. Dấu của phòng công chứng có quốc huy, dấu của văn phòng công chứng không có quốc huy. Người dân cho rằng dấu có quốc huy thì mới có giá trị pháp lý. Họ không biết theo quy định của Luật công chứng mẫu con dấu mới sẽ được sử dụng thống nhất cho VPCC và PCC là mẫu con dấu không có hình quốc huy. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều văn bản vẫn phải sử dụng mẫu cũ, chưa được sửa đổi kịp thời theo quy định của Luật công chứng cũng gây khó khăn, cản trở. VPCC vẫn chưa được hưởng cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ quan Nhà nước. Chẳng hạn như các VPCC không có văn bản hướng dẫn về hạn chế hoặc cấm chuyển dịch, không thể biết tháng vừa rồi quận này, huyện này có bao nhiêu mảnh đất, căn nhà bị kê biên hoặc cấm chuyển dịch. Nếu công chứng cho những giấy tờ đó thì tính rủi ro sẽ rất lớn và VPCC phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
 
Văn phòng công chứng Ba Đình (ảnh Phương Thanh)
 
Một vấn đề rất nhỏ nhưng lại tác động đến tâm lý, suy nghĩ của người dân, đó là tên gọi. Theo quy định của Luật công chứng, có 2 hình thức tổ chức hành nghề công chứng là: Phòng công chứng (do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng) và VPCC do một công chứng viên thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. VPCC do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Nhưng hiện nay nhiều người hay gọi nôm na là Công chứng nhà nước (tức Phòng công chứng) và công chứng “tư” (tức VPCC). Chính cách gọi này cũng mang nặng tâm lý phân biệt Nhà nước và tư nhân, tác động một phần tới tâm lý và suy nghĩ của người dân. 
 
Lạc quan về tương lai
 
TS Lê Quốc Hùng chia sẻ: Mới đầu tôi băn khoăn, Luật thì quy định rõ về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, nhưng không biết các cơ quan công quyền có đối xử với văn bản công chứng của VPCC như với văn bản công chứng của PCC không. Đến nay, trên thực tế các cơ quan công quyền đã đối xử bình đẳng và tôi hoàn toàn yên tâm.
 
Chị Phạm Thị Oanh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải cho biết: Mức phí công chứng tư cũng như của như Nhà nước, thậm chí phần soạn thảo giấy tờ công chứng Nhà nước còn đắt hơn. TS Lê Quốc Hùng giải thích rõ hơn: Mọi phí công chứng được tuân thủ đúng quy định hiện hành. Một số vấn đề ở ngoài trụ sở có thể thoả thuận, như trường hợp khách hàng muốn công chứng tại nhà sẽ được đáp ứng ngay với "phụ phí" 200.000đ trong nội thành, trường hợp ngoại thành và xa hơn nữa sẽ thoả thuận cụ thể. Đây là sự thoả thuận của VPCC chứ không phải sự thoả thuận riêng cá nhân. Mọi khoản tiền đều phải có phiếu thu, nhân viên không được nhận tiền “boa” của khách, nếu nhân viên nhận “phong bì” của khách hàng sẽ bị đuổi việc. Chị Oanh cho biết: Sự minh bạch về tài chính này có lợi cho người dân. Mọi khoản chi trả đều có phiếu thu giúp thanh toán với cơ quan thuận lợi hơn.
 
Sau khi được nhân viên tiếp đón với thái độ niềm nở, lịch sự, tôn trọng, được tư vấn và giải thích cặn kẽ, chu đáo, Bác Nguyễn Trọng Đồng (xã Minh Khai, Từ Liêm) ra khỏi VPCC Đông Đô với nụ cười rất tươi, bác nói: Nhà nước đã bảo lãnh về pháp lý rồi, tôi không còn quan tâm đến công chứng Nhà nước hay công chứng tư nữa, miễn sao công việc của mình được giải quyết nhanh gọn và ổn thoả.
 
“Vạn sự khởi đầu nan”, nhìn chung, các Trưởng VPCC đều tỏ ra lạc quan về tương lai của loại hình mới mẻ này. Ông Đào Nguyên Khải - Trưởng VPCC Đào và đồng nghiệp tin rằng công chứng “tư” sẽ ngày càng phát triển. Ông Lê Quốc Hùng - Trưởng VPCC Hà Nội tiết lộ, ông đang có kế hoạch mở rộng địa điểm vì hiện nay ngôi biệt thự 3 tầng đã chật chội khi khách hàng đến ngày càng đông. Còn ông Đào Anh Dũng - Trưởng VPCC Ba Đình thì hy vọng những khó khăn trước mắt sẽ sớm được giải quyết, loại hình dịch vụ này sẽ được người dân tin tưởng và sử dụng.

Thanh Huyền

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load