(Xây dựng) - Thời gian qua, người người trở thành “cò” lao vào thị trường bất động sản trong cơn “sốt” đất nhằm kiếm lợi nhuận từ những thương vụ “lướt sóng” khiến giá đất tại Nghệ An tăng chóng mặt. Thế nhưng giờ đây, khi giá đất chững lại, nhiều nhà đầu tư đang phải chấp nhận bỏ cọc “tháo chạy”.
Người người trở thành “cò” đất tại những khu đất nền các xã ngoại thành và vùng ven thành phố Vinh tạo nên “cơn sốt” đất những ngày đầu năm 2022. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ở những xã vùng ven thành phố Vinh, cơn sốt đất nền đã diễn ra từ cuối quý I/2021 và thực sự bùng phát từ cuối quý IV/2021, đầu quý I/2022 khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế và mọi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Tại các xã vùng ven thành phố Vinh như: Nghi Phong, Nghi Thái, Nghi Trường (Nghi Lộc); các xã ngoại thành thành phố Vinh: Hưng Lộc, Hưng Đông, Nghi Đức, Nghi Ân… giá sang tên, chuyển nhượng đất nền cũng tăng từ 100-300% chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiều lô đất trước đó có giá có giá khoảng 6-9 triệu đồng/m2 thì nay có giá giao động từ 10-20 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí.
Thậm chí, có những lô đất ở các xã như Nghi Đức, Nghi Ân (thành phố Vinh) hay các xã Nghi Phong, Nghi Xuân, Nghi Trường (Nghi Lộc), cơn sốt đất diễn ra đầu quý I/2022 đã giúp không ít người kiếm được vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng chỉ trong vài ngày “lướt sóng”.
Việc nhiều người giàu lên nhanh chóng từ những thương vụ “lướt sóng” các giao dịch bất động sản, kết hợp với những chiêu trò thổi giá của giới cò đất theo hiệu ứng đám đông đã kéo rất nhiều nhà đầu tư thử vận may. Nhiều người sẵn sàng cầm cố tài sản để đầu tư. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, không ít nhà đầu tư phải chấp nhận bỏ cọc.
Anh Trần Quốc Dũng, một nhà đầu tư đến từ phường Hưng Dũng (thành phố Vinh) cho hay: "Giữa tháng 3/2022, tôi có đặt cọc một lô đất có diện tích hơn 100m2 tại xã Hưng Lộc với giá 10,2 triệu đồng/m2, số tiền đặt cọc là 100 triệu đồng. Thời hạn đặt cọc là 15 ngày, gia hạn thêm 5 ngày. Nếu như vào thời điểm này năm trước, với lô đất đó, tôi có thể thu về số tiền không dưới 300 triệu đồng. Tuy nhiên vừa qua, tôi chấp nhận mất 100 triệu đồng tiền đặt cọc vì sau gần 1 tháng đăng tải không thấy khách hàng nào hỏi mua”.
Hiện tại đã không còn cảnh mua đi bán lại tấp nập như thời điểm cách đây vài tháng. Đất tại các vùng như Nghi Thái có giá dao động từ 10-13 triệu đồng/m2, Nghi Phong 12-20 triệu đồng/m2, Nghi Trường 6-10 triệu đồng/m2… nhưng giao dịch thật rất ít và hiện tượng bỏ cọc bắt đầu xuất hiện.
Hiện tại, những khu đất nền vùng ven thành phố Vinh không còn cảnh “cò đất ” tấp nập giao dịch như những ngày đầu năm 2022. |
Anh Đinh T. L. ở xã Hưng Lộc, thành phố Vinh chia sẻ: Cách đây khoảng hơn 1 tháng, tôi có đăng thông tin bán lô đất của mình trên mạng xã hội với giá gần 900 triệu đồng ở Hưng Lộc, chỉ sau mấy ngày đã có không ít khách hàng quan tâm đến xem. Sau đó, có một khách hàng quyết tâm mua và đặt cọc 50 triệu đồng hẹn sau 15 ngày sẽ chồng đầy đủ tiền và tiến hành hoàn tất các thủ tục mua bán, sang tên bìa đỏ.
Tuy nhiên, đến ngày hẹn chồng tiền không thấy khách hàng liên lạc gì cả. Tôi có gọi điện thoại cho họ (khách hàng) thì được khách hàng kia trả lời, họ chỉ đặt cọc giữ đất 15 ngày để tìm khách khác bán lại kiếm chênh lệch, nhưng sau 15 ngày đăng tải trên trang cá nhân và trực tiếp mời chào bên ngoài vẫn không có khách hàng nào mua lại nên chấp nhận bỏ cọc chạy chứ không dám bỏ tiền ra ôm vì đất đang chững lại và có xu hướng hạ nhiệt.
Theo các chuyên gia bất động sản tại Nghệ An: Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là nguồn cung các dự án khan hiếm trong khi lực cầu thị trường mạnh. Song không ít cầu "ảo" đến từ đầu cơ, không hẳn là cầu thật với nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Các dòng vốn đang chảy vào bất động sản hiện tại chủ yếu vẫn mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư "lướt sóng". Người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là cò đất bán đi bán lại qua tay, tạo ra hiện tượng nóng, sốt đất, nhưng người mua thật không nhiều. Các nhà đầu tư cũng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021, khi nhiều người chạy theo phong trào và đã chịu lỗ.
Cơn sốt đất ở Nghệ An và Hà Tĩnh đang hạ nhiệt dần bởi những nguyên do như: Ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường. Đặc biệt là Nhà nước tạm thời dừng chuyển đổi mục đích, phân lô tách thửa ở các huyện, thị quanh thành phố.
Và một trong những lý do cơ bản nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh, buôn bán đã trở lại gần như bình thường, do đó, những nhà đầu tư “ăn theo cơn sốt đất” từng tạo sóng thì nay lại “bán tháo”, thoát nhanh trong vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường bất động sản.
Quang Hợp
Theo