(Xây dựng) - Từ một huyện đảo khó khăn nhất nước, nay Cô Tô đã được “kéo gần bờ” hơn, mang bóng dáng của một đô thị biển hiện đại. Hành trình 30 năm của ước vọng và khát khao đổi mới đã đưa Cô Tô “vượt sóng”. “Viên ngọc giữa biển trời Đông Bắc” như đã trở thành một phần máu thịt với bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân Cô Tô trong đó có chúng tôi.
Cô Tô đô thị trên bến dưới thuyền. |
Huyện Cô Tô là một huyện đảo xa bờ trong số 12 huyện đảo của cả nước, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh và được thành lập ngày 23/3/1994. Huyện Cô Tô cũng là nơi duy nhất Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng khi còn sinh thời sau chuyến Người ra thăm quân và dân huyện đảo vào sáng 09/5/1961. Nơi Bác đặt chân cũng đã vinh dự được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô” vào đầu năm 2022. Tự hào hơn là cho đến nay trong cả nước có 885 di tích và địa điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 32 tỉnh thành phố, gồm 40 di tích quốc gia, trong đó có 7 di tích quốc gia đặc biệt, nhưng duy nhất chỉ có một di tích quốc gia đặc biệt về Bác ở một huyện đảo là Cô Tô.
Với vị trí, vai trò vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng, huyện Cô Tô có chiều dài biên giới quốc gia trên biển gần 100km, có diện tích phần đất liền trên 53km2 gồm 74 hòn đảo và cồn, trong đó có 3 đảo lớn có dân sinh sống là đảo Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân và đảo Trần cách không xa đường phân định Vịnh Bắc bộ. Đảo Trần được ví như Trường Sa của miền Bắc, cho đến nay đảo Trần vẫn tự hào được cả nước biết đến qua câu nói “Cả nước có Trường Sa, Quân khu 3 có đảo Trần”, khẳng định vị trí vai trò là phên dậu quốc gia, là cột mốc chủ quyền biên giới biển, cũng như nói nên những tình cảm ấm áp và sự quan tâm động viên về mọi mặt của cả nước dành cho đảo Trần và cho huyện đảo Cô Tô.
Tâm sự, chia sẻ qua lời kể từ những cán bộ đầu tiên ra xây dựng huyện đảo đến nay vẫn còn đang công tác thì Cô Tô khi đó còn rất nghèo và khó khăn, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt với câu nói vui “Ruồi vàng, bọ chó, gió Cô Tô”. Tôi còn nhớ Cô Tô xưa còn hoang sơ, nghèo, buồn đặc biệt khi màn đêm đổ xuống, Cô Tô như một ốc đảo chỉ le lói ánh đèn, nhà cửa lúp xúp. Hình ảnh đảo ngọc khi đó như một vùng quê nghèo trong các tác phẩm văn học xưa, mang đến cảm giác buồn, nản lòng bất cứ ai ở xa ra đảo.
Còn nhớ, khoảng thời gian đầu tiên thành lập huyện đến nay đã gần 30 năm, xác định Cô Tô là nơi khó khăn nhất trong cả nước: Không có điện, nước ngọt hạn chế, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Đến nay 3 bài toán khó khăn nhất để huyện Cô Tô giữ ổn định và không ngừng phát triển là “Giao thông – nước ngọt – điện” đã được huyện từng bước tháo gỡ:
Giải bài toán về giao thông
Ngày đầu tiên chúng tôi ra đảo, khi đó huyện mới thành lập được vài tháng, giao thông đi lại với đất liền chỉ duy nhất có một con tàu gỗ cũ sử dụng máy 33CV, mỗi tuần chỉ có 2 chuyến ra và về, tàu đưa khách ra đảo chở kèm theo đầy hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thư báo, có nhiều hôm chở thêm cả gia súc, gia cầm sống… Nếu thời tiết thuận lợi cũng phải lênh đênh trên biển 5 đến 7 tiếng đồng hồ mới từ đất liền đến đảo. Có những lúc sóng to nước tràn cả vào khoang tàu, mọi người đều ướt hết cả, hàng hóa, thư báo cũng dính đầy nước mặn.
Đến giữa năm 1995, huyện được quan tâm đóng một con tàu khác to và chắc chắn hơn chở tối đa được 50 người, thời gian đi lại cũng rút ngắn dần chỉ còn khoảng hơn 4 tiếng nhưng cũng chỉ đến sóng cấp 4 phải dừng hoạt động. Lúc đó huyện Cô Tô còn chưa có cảng cập tàu, các chuyến tàu ra đảo đều đỗ ở bãi biển trước Tượng Bác. Tàu ra đến nơi là cả bộ đội và nhân dân cùng xắn quần lội ra biển để nhanh chóng bốc hàng hóa lên bờ cho an toàn, bãi biển và đường mòn toàn cát nóng làm chân ai cũng bỏng rộp, bước đi cũng liêu xiêu trên đường cát.
Huyện Cô Tô hoàn thành tuyến đường xuyên đảo. |
Trăn trở để tìm hướng giải quyết những khó khăn trên, tập thể lãnh đạo huyện đã họp bàn và thống nhất chủ trương phải sớm khởi công xây dựng cầu cảng để cập tàu khách và bốc xếp hàng hóa, đảm bảo an toàn và thúc đẩy phát triển kinh tế. Phải kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân khẩn trương đóng tàu khách có sức chở lớn, thời gian di chuyển nhanh ra huyện đảo Cô Tô. Về giao thông trên đảo phải mở rộng và bê tông hóa các tuyến đường xuyên đảo, ngày ấy chưa có xe điện, nhưng cũng đã bàn đến việc trên đảo phải hạn chế tối đa xe ôtô chạy xăng dầu trên đảo để giữ môi trường. Những chủ trương đúng đắn cùng với việc vận hành quyết liệt đã làm bộ mặt huyện Cô Tô đổi thay nhanh chóng.
Tháng 4/1997, huyện khởi công cầu cảng Cô Tô và hoàn thành gần 3 năm sau đó. Các bến cảng Thanh Lân, bến cập tàu Bưu điện cũ cũng đã được triển khai sớm, các tuyến đường xuyên đảo cũng đã được quan tâm đầu tư mở rộng để xe ôtô tránh nhau và bê tông hóa. Từ năm 2001 đến năm 2008, huyện đã kêu gọi tư nhân đóng thêm 3 tàu gỗ có sức chở lớn, thời gian tiếp tục rút ngắn hơn và giá vé cạnh tranh.
Ngày 22/4/1997, huyện đảo Cô Tô đã tổ chức lễ khởi công công trình cảng Cô Tô. |
Đến năm 2006, Công ty TNHH Mạnh Quang là công ty tư nhân đầu tiên trên huyện Cô Tô được thành lập và đi tiên phong trong việc đầu tư tàu cao tốc có sức chở 120 khách, thời gian từ đất liền ra đảo chỉ còn 1 giờ. Tuy nhiên vẫn có nhiều đợt gió mùa, áp thấp và bão tàu phải nằm bờ dài ngày, toàn bộ việc đi lại, học tập, công tác, khám chữa bệnh của cán bộ và nhân dân phải dừng lại, đảo xa lại tiếp tục bị chia cắt dài ngày với đất liền. Tôi nhớ thời điểm cuối tháng 7/2015, trận mưa bão lịch sử lớn nhất trong suốt 50 năm từ khi thành lập tỉnh Quảng Ninh đã chia cắt huyện đảo với đất liền hơn 20 ngày, khoảng 3.000 khách du lịch đã bị “mắc kẹt” tại đảo Cô Tô. Quân đội đã phải điều động cả tàu Hải quân mang số hiệu HQ 634 để tham gia giải cứu khách du lịch từ đảo về đất liền. Tất cả người dân trên đảo đã san sẻ với khách du lịch từ sinh hoạt, nghỉ ngơi miễn phí, nấu ăn tại gia đình để cùng nhau vượt qua đợt mưa bão. Cả tập thể lãnh đạo huyện có những lúc quên cả ăn đi kiểm tra tình hình thực tế tại mỗi khách sạn, nhà nghỉ, trực tiếp có mặt tại cảng tàu làm nhiệm vụ điều tiết phương tiện và khách về đất liền an toàn, đã có những cán bộ bị tan nạn, mang trong mình thương tật suốt đời trong khi làm nhiệm vụ “giải cứu” khách du lịch năm đó.
Hiện nay, nhiều du khách trong nước và quốc tế với du lịch trải nghiệm đón bão biển tại Cô Tô. |
Đến nay đã có trên 30 con tàu cao tốc các loại kết nối các bến cảng Ao Tiên, Cái Rồng, Tuần Châu, Vũng Đục với Cô Tô. Câu chuyện du khách bị “mắc kẹt” ở đảo do không đủ phương tiện an toàn về đất liền lâu nay đã không còn nữa. Huyện đảo “xa bờ” nay đã không còn quá xa với đất liền, người dân có thể đi về trong ngày, nhiều ca bệnh nặng được chuyển tuyến kịp thời đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người dân, khách du lịch ra đảo ngày một đông hơn.
Giải bài toán về nước ngọt
Do đặc điểm huyện đảo là không có nguồn nước tự nhiên về sông suối và nguồn nước sinh thủy nên trước đây hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cả huyện Cô Tô phụ thuộc hoàn toàn vào vài hồ nước ngọt và giếng đào cũ. Nắng hạn cũng đồng nghĩa với các hồ, giếng nước khô hạn hoặc nhiễm mặn, cứ đến mùa khô và nắng nóng dài ngày toàn huyện đảo thiếu nước sinh hoạt.
Tôi nhớ những năm trước đây, khoảng từ năm 1996 - 2000, Cô Tô thực sự là “đảo khát”, cả huyện đảo khô hạn, chỉ còn vài hồ nước trơ cạn gần đến đáy. Có những ngày phải sử dụng xe công nông lót vải bạt lên thùng xe để đựng nước khơi gạn từ các giếng đào và các hồ nước ngọt cũ, sau đó dùng phèn, hóa chất để lắng lọc. Mỗi người cũng chỉ dám cầm cự dùng 7-15 lít/ngày cho tất cả sinh hoạt và phải tái sử dụng để vệ sinh hoặc tưới cây.
Hồi đó, lãnh đạo huyện cùng các Phòng ban đã đi từng nhà, tham khảo những người già, người sinh sống lâu năm trên đảo để tìm nguồn nước ngọt. Tất cả anh em cán bộ đã phải đi khắp hầu hết các cánh rừng trên đảo để tìm những dấu tích của khe, suối, lưu vực có thể thu nước, những hồ nước ngọt cũ của người Hoa có thể cải tạo, quy hoạch những thung lũng có thể làm hồ chứa nước mới, tuyên truyền cho nhân dân bảo vệ rừng tự nhiên để giữ nguồn sinh thủy nước ngọt, hạn chế khoan giếng ngầm để bảo vệ địa chất ở đảo, hạn chế xâm thực nhiễm mặn nguồn nước.
Ngày 2/9/2020, Lễ khánh thành công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trên huyện đảo Cô Tô. |
Đến nay, huyện đã từng bước hoàn thành việc quy hoạch, cải tạo, xây mới toàn bộ 23 hồ chứa nước trên đảo, dung tích khoảng 1,4 triệu m3, nếu lượng mưa ổn định có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân và khách du lịch trong mùa cao điểm nhất. Cho đến nay cơ bản đã không còn khó khăn nhiều về nguồn nước ngọt như xưa, sau khi hồ Trường Xuân, hồ C4 mở rộng, tới đây là hồ C22 và các hồ nước ngọt khác theo Đề án An ninh nguồn nước ngọt của tỉnh hoàn thành, Cô Tô sẽ không còn là “đảo khát” như trước đây.
Giải bài toán về điện
Những ngày đầu mới thành lập huyện, chỉ có số ít các hộ dân ở đảo kinh tế khá giả mới có điều kiện mua máy phát điện nhỏ để sử dụng, chủ yếu là cho kinh doanh bán hàng, trẻ em phải tranh thủ học bài ban ngày hoặc thắp đèn dầu vào buổi tối để học.
18h, ngày 16/10/2013 dưới chân tượng đài Bác Hồ, chính quyền và nhân dân huyện đảo đã chứng kiến dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60 km, qua các đảo đá và biển cả mênh mông, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu này của Tổ quốc. |
Khi đó khu nhà lưu niệm Bác Hồ tạm thời vừa là nơi làm việc vừa là nơi ở của hơn 20 cán bộ Huyện ủy, UBND huyện cũng chỉ có 1 máy phát điện chạy dầu công suất 5KVA, chỉ nổ máy phát điện buổi tối cho nhu cầu thắp sáng, quạt điện và xem tivi từ 18h30 đến 22h hàng ngày.
Sau đó từ năm 2000 đến 2003, trên đảo Cô Tô lớn được tỉnh quan tâm đầu tư 2 cụm máy phát điện từ 135 – 200KVA phát điện cho các cơ quan và hộ dân khu vực trung tâm. Thời gian phát điện nâng dần lên 7 tiếng rồi 15 tiếng đến 20 tiếng/ngày với giá điện từ 18.000 - 25.000 đồng/Kw điện.
Các khu vực xa trung tâm và xã đảo Thanh Lân vẫn dùng điện máy nổ theo cụm gia đình 3-10 hộ. Ngành điện lực đã triển khai thử nghiệm nhiều nguồn điện bổ sung như năng lượng mặt trời, điện gió nhưng công suất hạn chế, chi phí rất cao, hỏng hóc thường xuyên do khí hậu biển khắc nghiệt.
Trước khó khăn đó, tập thể lãnh đạo huyện Cô Tô đã bàn bạc, mạnh dạn đề xuất và được Tỉnh ủng hộ. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh và chỉ đạo sát sao, quyết liệt của đồng chí Phạm Minh Chính, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: Phải đưa bằng được điện lưới từ đất liền ra đảo trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 31/10/2013.
Sau 350 ngày thi công, đúng 18h ngày 16/10/2013, Dự án kéo điện lưới bằng cáp ngầm ra huyện đảo xa bờ đầu tiên trong cả nước với kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng đã chính thức đóng điện trong niềm vui vỡ òa của người dân Cô Tô và cả tỉnh Quảng Ninh. Người dân Cô Tô mãi biết ơn từng hộ dân trong toàn tỉnh Quảng Ninh, từ người dân thành phố đến đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng miền núi điều kiện còn rất nhiều khó khăn, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh đã tiết kiệm đóng góp tiền, ngày lương để hỗ trợ thêm kinh phí khởi công Dự án một cách sớm và khẩn trương nhất. Người dân Cô Tô không quên hình ảnh những công nhân ngành điện không quản ngại ngày đêm, giữa mưa giông hay dưới cái nắng nóng 40 độ rát thịt da vẫn hăng say làm việc trên những công trường núi đá cheo leo, hiểm trở. Những thợ lặn thường xuyên ngâm mình ở đáy biển độ sâu vài chục mét làm nhiệm vụ rải cáp ngầm để kịp tiến độ đóng điện lưới trước kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh.
Nhiều người già trên đảo nước mắt rưng rưng khi lần đầu tiên thấy ánh sáng từ lưới điện quốc gia trên đảo, người trẻ rạng ngời ánh mắt nhìn vào màn hình máy tính, vẫn còn bỡ ngỡ với việc sử dụng cáp quang kết nối Internet tốc độ cao để được học tập, được hoà nhập cùng dòng chảy thông tin toàn cầu.
Với ý chí, nghị lực và quyết tâm vượt khó, những cán bộ, đảng viên đầu tiên được Tỉnh cử ra đã cùng nhân dân đồng cam cộng khổ, xây dựng huyện đảo từng bước phát triển về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Từ chỗ hạ tầng gần như chưa có gì, dân số chỉ khoảng hơn 2.000 người, đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đời sống nhân dân vào loại thấp nhất trong cả nước; giao thông, thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Sản xuất manh mún phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên chỉ đảm bảo một phần nhu cầu đời sống tại chỗ; thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; sử dụng điện bằng máy phát điện chạy dầu. Qua chặng đường gần 30 năm xây dựng và trưởng thành đầy thăng trầm, sóng gió, Cô Tô đã giải được 3 bài toán khó khăn nhất có lúc tưởng chừng như không thể giải là “Giao thông - Nước ngọt - Điện lưới”, qua đó cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ chỗ thuần túy chỉ dựa vào sản xuất nông ngư nghiệp nay chuyển sang thương mại, dịch vụ chiếm chủ đạo. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Cảng bến và đường giao thông đến từng ngõ, xóm được bê tông hoá, những tuyến đường trục chính đã được trải thảm nhựa; hạ tầng công nghệ thông tin được hoàn thiện ở mức độ tương đương với đất liền, các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư đạt chuẩn.
Huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được Chính phủ công nhận huyện Nông thôn mới, được quy hoạch trở thành khu du lịch sinh thái biển cao cấp của quốc gia. Ngày càng có nhiều doanh nhân, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào Cô Tô. Cô Tô cũng đang là hình mẫu “đảo xanh” nhờ khuyến khích phát triển xe điện chở khách trên đảo và đi tiên phong trong việc vận động nhân dân, khách du lịch không mang túi nilon ra đảo, góp phần bảo vệ môi trường.
Cô Tô kiến trúc hài hoà với cảnh quan môi trường. |
Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cô Tô trong suốt gần 30 năm qua đã được Đảng, nhà nước và tỉnh Quảng Ninh ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, được nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến thăm, động viên. Đó là nguồn cổ cũ, động viên, khích lệ to lớn để Đảng bộ, chính quyền huyện Cô Tô tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Vũ Hiển
Theo