Thứ bảy 21/12/2024 19:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Có một Điện Biên trong lòng Hà Nội

11:15 | 08/10/2024

(Xây dựng) - Năm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 70 “Ngày bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô” (10/10/1954-10/10/2024). Những người dân Hà Nội ngày ấy, giờ cũng đã cao tuổi. Tôi may mắn được quen biết một gia đình người Hà Nội gốc, có người con cả đi bộ đội từ vùng tự do Hà Nam năm 1949, tham gia đánh trận Điện Biên Phủ và là một trong những chiến sĩ công binh (thuộc Đại đoàn Công pháo 351) được vào Hà Nội từ sớm, rà phá bom mìn, chuẩn bị cho bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. May mắn thay, ông gặp lại gia đình. Người em trai thứ hai của ông, Trương Hiếu, năm đó 15 tuổi, đã chứng kiến giây phút anh trai mình trở về cùng đoàn quân chiến thắng. Ông kể lại những sự việc này, như muốn nói với thế hệ hôm nay rằng: “Người Hà Nội là như thế. Với gia đình ông, có một Điện Biên trong lòng Hà Nội”.

Có một Điện Biên trong lòng Hà Nội
Họa sỹ Trương Hiếu (ngoài cùng bên trái), Cục Chính trị Quân khu 8 cùng họa sỹ Hồng Châu (Minh Hải), Cục Chính trị tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua Quân giải phóng năm 1973 tại Lộc Ninh, quân khu 6.

…Tôi gặp họa sĩ Trương Hiếu tại ngôi nhà nhỏ bé của ông, khuất trong một góc của khu tập thể Trại Găng, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ở tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn minh mẫn, hóm hỉnh và vẫn đang tiếp tục vẽ, đặc biệt là vẽ về người lính trong chiến đấu và khi đã trở về với đời thường. Ông kể vắn tắt: “Quê tôi ở làng Thuyền Quang B, khu Bẩy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất). Làng có đình, có chùa, có lịch sử lâu đời, tên làng Thuyền Quang đã được cụ Nguyễn Văn Siêu ghi trong sách “Phương Đình địa chí loại”. Tục truyền làng đã từng là nơi nghĩa quân Hoàng Hoa Thám hoạt động. Cụ Đề Thám vốn họ Trương mà, các cụ bảo thế”.

Ông Trương Hiếu tiếp tục câu chuyện: “Cách mạng tháng 8/1945 thành công. Rồi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Bố tôi ở lại tham gia chiến đấu. Còn cả nhà gồm ông bà nội, mẹ tôi và mấy anh em tản cư về Hưng Yên, ở làng Phượng Tường, huyện Tiên Lữ. Khi Pháp đánh đến Hưng Yên, cả nhà chạy sang Duy Tiên (Hà Nam). Anh cả Trương Ngọ tham gia công tác, làm cán sự Huyện đoàn Duy Tiên, được kết nạp Đảng và năm 1949 được điều vào quân đội chuẩn bị cho Tổng phản công.

Một đoạn lịch sử mấy năm gian khổ, được ông kể vắn tắt như thế. Tôi thắc mắc: “Thế lúc đó cụ thân sinh ra ông ở đâu?”-“Ở Quân dược Liên khu 4, đóng tại Thanh Hóa”.

Vậy là một gia đình Hà Nội chia ba. Tìm hiểu lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, biết thêm rằng khá nhiều gia đình Hà Nội tản cư mấy năm, cuối cùng cũng phải hồi cư về Hà Nội vì những nơi họ tản cư, giặc Pháp lần lượt chiếm đóng. Gia đình ông Trương Hiếu là một trong những gia đình như vậy.

-“Thế lúc đó có biết tin anh cả không?”, tôi hỏi.

- “Làm sao mà biết được”, ông Hiếu cười tủm tỉm.

Vậy là cuối năm 1950, gia đình ông Trương Hiếu hồi cư về Hà Nội. Lúc đó giặc Pháp mới dựng ra Chính phủ Bảo Đại, nên việc dân Hà Nội hồi cư về chúng cũng không làm khó dễ lắm. Thời gian sau, ông thân sinh ra ông Trương Hiếu cũng được Quân dược Liên khu 4 cho “hồi cư” về theo gia đình. Ông quay trở lại làm việc ở khoa Hóa trường Cao đẳng Khoa học (sau hòa bình là trường Đại học Tổng hợp). Quen biết nhiều người trong ngành Y - Dược, ông được giao việc tìm kiếm thuốc men, vật tư y tế chuyển ra vùng tự do. Lúc đó ông Trương Hiếu còn nhỏ, nên chỉ có người chị lớn của ông được tham gia làm liên lạc, mang vật tư y tế… ra vùng tự do và nhận tài liệu của Chính phủ kháng chiến chuyển vào nội thành. Chị đã từng bị mật thám Pháp bắt, tra tấn dã man những quyết không khai báo gì nên cuối cùng chúng buộc phải thả.

Tôi tò mò hỏi: “Từ vùng kháng chiến về, ông theo học ở đâu?”.

Có vẻ như “chọc đúng chỗ ngứa”, ông Hiếu cười rất vui: “Tôi học ở trường Tiểu học Quang Trung (nay là trường PTCS Quang Trung - phố Quang Trung). Tôi còn nhớ là hôm đầu xin vào học, phải qua phần “vấn đáp” của nhà trường. Thầy Thành hiệu trưởng (nhà ở phố Bùi Thị Xuân bây giờ) hỏi: “Trò Hiếu muốn trả lời thế nào?”. Tôi thưa: “Em xin hát một bài hát kháng chiến”. Rồi tôi dõng dạc hát vang bài “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước: “Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng. Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…”.

Kể đến đây, ông Trương Hiếu cất giọng hát đoạn đầu của ca khúc “Bạch Đằng Giang”. Một ông già tuổi đã ngoài 80 nhưng khi nói, khi kể về những đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, dường như trẻ lại. Tôi tiếp tục đi vào chủ đề chính: “Thế tháng 10/1954, làm sao anh cả của ông tìm được gia đình?”.

Theo lời ông Trương Hiếu thì sau khi hồi cư về làng cũ, nhà cửa ruộng vườn của nhà đã có người khác về trước ở. Gia đình ông được người ta “đền” cho một miếng đất khác để ở. Hồi đó đất đai rộng rãi nên việc đó cũng bình thường thôi. Với lại cả làng đều biết nhà ông có con đi bộ đội Cụ Hồ, bản thân gia đình tiếp tục tham gia hoạt động kháng chiến, nuôi dấu cán bộ kháng chiến nên cũng cưu mang, đùm bọc và che chở. Cho nên việc anh cả của ông tìm về làng, hỏi thăm tin tức gia đình cũng thuận lợi thôi.

Kể đến đây, ông Trương Hiếu ngừng lời, ánh mắt xa xăm dường như đang dõi theo từng bước chân tìm về làng của người anh cả. Ông kể tiếp: “Ta thắng trận Điện Biên. Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, rút hết quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Cả Hà Nội hân hoan chờ đón ngày bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. Dân làng Thiền Quang cũng chuẩn bị cờ, hoa và dựng một cột cờ cao vút trên sân đình làng, chờ đợi. Vào một buổi tối trước ngày 10/10 vài hôm, cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm, thấy từ ngoài ngõ đi vào một anh bộ đội, người dong dỏng cao, mặt mũi đen nhẻm… Niềm vui vỡ òa. Anh cả vui nhất khi thấy cả nhà bình an. Và vui hơn nữa là lại có thêm một cậu em út, lúc đó mới hai tuổi. Anh ôm đứa em nhấc bổng lên mà nước mắt dâng trào”.

-“Anh cả về thăm nhà được lâu không?”, tôi hỏi.

Chừng 15 phút rồi lại đi ngay. Tôi chạy theo anh ra đến đầu làng (chỗ tượng đài Công an nhân dân bây giờ) thấy có một tốp bộ đội đang đứng chờ. Về sau mới biết đơn vị anh vào Hà Nội sớm để dò mìn và gỡ mìn của giặc cài lại, chuẩn bị cho các đơn vị chủ lực của Đại đoàn Quân tiên phong tiến vào.

Thế là trong ngày 10/10/1954, niềm vui mừng chiến thắng của gia đình ông Trương Hiếu có thêm một niềm vui riêng: Người anh cả đi bộ đội thắng trận Điện Biên trở về. Ngày hôm đó, ông Trương Hiếu cùng đội thiếu nhi trong làng trống ếch rộn ràng, cờ hoa trên tay đi khắp xóm Đình, xóm Chùa vừa đi, vừa hát, vừa hô khẩu hiệu đến tận đêm khuya…

“Đúng là vui bất tuyệt”, ông Trương Hiếu bảo.

Có một Điện Biên trong lòng Hà Nội

Mở album gia đình, ông Trương Hiếu chỉ vào một tấm ảnh chụp anh cả và mấy người em. Ảnh chụp năm 1956. Nhà ông có 5 anh em trai. Cuộc kháng chiến tranh chống Mỹ nổ ra, lần lượt 3 người em của anh cả đều vào bộ đội. Người em út tốt nghiệp đại học năm 1973 cũng xung phong đi Nam, làm phóng viên của CP 90 (Đài phát thanh Giải Phóng). Mãi đến năm 1979, năm anh em trai mới lại có một tấm ảnh chụp chung cùng bố mẹ. Suốt thời gian hơn 20 năm đó, người này được về phép thăm nhà thì người khác lại ở đơn vị. Riêng ông Trương Hiếu (lính công binh Trung đoàn 88 Sư 308) biền biệt từ năm 1965 hết Tây Nguyên đến Nam Bộ… đến tháng 12/1975 mới được trở về đoàn tụ với gia đình.

Không thể kể hết những khó khăn gian khổ, quãng đời chiến đấu hy sinh của những người lính. Ông Trương Hiếu nói như vậy nhưng những người ở lại Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ cũng chịu đựng những mất mát hy sinh không kém. Cho nên ta chỉ dừng lại ở đây thôi nhé.

Như để kết thúc câu chuyện về ngày bộ đội ta về tiếp quản Thủ Đô, ông Trương Hiếu tâm sự rằng ông cụ thân sinh ra các ông luôn nhắc con cháu: Không có cái nhục nào hơn cái nhục mất nước. Nên dù có phải chiến đấu hy sinh, dân ta không tiếc. Và với mấy anh chị em nhà ông, luôn tự hào vì trong ngày 10/10/1954, cả nhà ông có thêm một niềm vui: Có một người lính Điện Biên trong gia đình. Và truyền thống Điện Biên năm xưa đã giúp các anh chị em nhà ông vượt qua khó khăn gian khổ, không tiếc tuổi xanh, cống hiến hết mình cho đất nước.

Trước khi ra về, tôi không nén được thắc mắc, hỏi ông Trương Hiếu rằng sao trong nhà không có lấy một tấm bằng khen, một tấm huân chương? Ông Hiếu cười rất tươi: “Dân ta có câu hát vui rằng “huân chương không lấy đâu”… Chúng tôi đã để lại ở chiến trường cả rồi. Dịp tháng 10 năm nay, tôi sẽ được trao tặng huy hiệu “55 năm tuổi Đảng”. Còn sống khỏe mạnh để mà nhận, đã là may lắm rồi”.

Thanh Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An - Tam Cốc - Bích Động

    (Xây dựng) – Trong tuần qua, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia đã báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình về dự thảo Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    23:06 | 18/12/2024
  • Lào Cai thêm 5 di tích danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp tỉnh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Văn bản số 3386/QĐ-UBND Quyết định xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

    22:08 | 18/12/2024
  • Dòng họ Hồ tỉnh Khánh Hòa và những giá trị văn hóa truyền thống cần được gìn giữ

    (Xây dựng) - Nhà thờ họ Hồ tỉnh Khánh Hòa tọa lạc dưới chân núi Hòn Ngang, thôn Lễ Thạnh, huyện Diên Khánh, khu đất này do người trong họ cung tiến để xây dựng nhà thờ, đất giáp ranh với đất mỏ của Công ty Cổ phần Á Châu.

    20:25 | 18/12/2024
  • Hơn 100 đại biểu tham dự “Hội trại Sáng tạo Kiến trúc và Nghệ thuật”

    (Xây dựng) – Từ ngày 16 – 21/12, hơn 100 đại biểu là kiến trúc sư, nghệ sỹ cùng giảng viên, sinh viên đến từ 8 trường đại học lớn đã quy tụ tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) để tham dự Hội trại "Sáng tạo Kiến trúc và Nghệ thuật”. Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE phối hợp cùng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức.

    09:56 | 18/12/2024
  • Những dấu mốc trong hành trình 30 năm gìn giữ và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long

    (Xây dựng) - Kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994, vịnh Hạ Long không chỉ là một trong những kỳ quan thiên nhiên nổi bật nhất của Việt Nam mà còn là một trong những điểm du lịch biển hàng đầu thế giới. Để bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản này, tỉnh Quảng Ninh đã trải qua hành trình 30 năm với những dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý và bảo tồn đầy thử thách, đối mặt với nhiều áp lực từ sự phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh chóng và tác động của các yếu tố môi trường.

    16:38 | 17/12/2024
  • Long An: Khánh thành Làng văn hóa Việt - Nhật

    (Xây dựng) - Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tại Khu đô thị tích hợp Waterpoint, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An diễn ra Lễ khánh thành Làng văn hóa Việt - Nhật.

    16:32 | 17/12/2024
  • Du Xuân khám phá kho tàng văn hóa người Sán Dìu trên đảo Cái Bầu

    (Xây dựng) - Xuân này xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) mở rộng cửa đón du khách đến thăm Trung tâm Văn hóa xã kết hợp với Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu (huyện Vân Đồn) vừa được khánh thành giai đoạn II, trưng bày nhiều hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể về lịch sự văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số Sán Dìu trên đảo Cái Bầu.

    11:16 | 17/12/2024
  • Festival Hoa Mê Linh: Bản hòa ca đầy màu sắc, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai

    (Xây dựng) - Với chủ đề “Mê Linh rực rỡ sắc hoa”, Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh (Thành phố Hà Nội) từ ngày 26 đến 29/12.

    09:52 | 17/12/2024
  • Kon Tum: Phát huy di sản văn hóa thành tài sản kinh tế

    (Xây dựng) - Di sản văn hóa không chỉ là biểu tượng của bản sắc dân tộc mà còn là nguồn tài nguyên quý giá trong phát triển kinh tế. Tại Kon Tum, Dự án 6 với phương châm "Di sản văn hóa thành tài sản" đang từng bước chuyển hóa những giá trị truyền thống thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

    09:38 | 17/12/2024
  • Chân dung Á hậu 2 Hoa hậu Văn hoá Du lịch Việt Nam 2024 Phùng Thị Ngân

    (Xây dựng) - Phùng Thị Ngân vừa giành danh hiệu Á hậu 2 cuôc thi Hoa hậu Văn hoá Du lịch Việt Nam 2024 diễn ra ở Đà Nẵng sau hành trình dài.

    10:44 | 16/12/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load