Thứ bảy 27/04/2024 15:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Cỗ máy kiếm tiền” du lịch nông nghiệp đã bắt đầu vận hành

08:08 | 10/02/2024

(Xây dựng) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nông nghiệp lớn nhất nước. Nơi đây, ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay, bốn mùa cây lành trái ngọt trĩu quả, tôm cá đầy ghe… khó nơi nào sánh được. Đó là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành, với mục tiêu: “Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững…” đang là điểm tựa để du lịch nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL có cơ hội phát triển tốt hơn…

“Cỗ máy kiếm tiền” du lịch nông nghiệp đã bắt đầu vận hành
Du khách chụp ảnh vườn chôm chôm Bến Tre.

Thuật ngữ du lịch nông nghiệp trong tiếng Anh có nhiều cách gọi khác nhau như: Agritourism, agricultural tourism, agro-tourism, entertainment agriculture… nhưng theo các nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch thì có thể hiểu nôm na du lịch nông nghiệp là hoạt động thương mại tại các trang trại hoặc nơi sản xuất nông nghiệp hướng đến việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho du khách và tạo thêm thu nhập cho chủ sở hữu.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển thành sản phẩm du lịch và phát triển du lịch nông nghiệp là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh nhất cho người nông dân. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp Việt Nam phát triển không đồng đều và chất lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt với khách phương Tây thì đây là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái rất hấp dẫn đối với họ. Du lịch nông nghiệp chính là “át chủ bài” của Việt Nam, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, chống khuynh hướng ly nông, giao lưu văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và giao lưu văn hóa với khu vực, quốc tế, thúc đẩy hội nhập văn hóa, kiến trúc, trau dồi ngoại ngữ cho nhà nông.

Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu đến năm đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

“Cỗ máy kiếm tiền” du lịch nông nghiệp đã bắt đầu vận hành
Du khách nước ngoài tham quan trải nghiệm Vườn ca cao Mười Cương (Phong Điền, Cần Thơ).

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.

Theo đó, phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao…; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

Phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; Xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch nông thôn; thúc đẩy liên kết nông thôn - đô thị trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch, trung tâm gửi khách. Các địa phương có tiềm năng du lịch xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2022 – 2025…

Để triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, hiện nay, các tỉnh, thành ĐBSCL đã ban hành Quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, chú trọng những mô hình sản xuất kinh doanh đặc thù, sản phẩm OCOP, văn hóa bản địa để khai thác và phát triển du lịch nông thôn. Ở Cần Thơ có nhiều điểm tham quan du lịch miệt vườn như: Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái Ông Đề, Vườn ca cao Mười Cương, Lung Cột Cầu… Hậu Giang có du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, làng trầu Vị Thủy 100 năm; Đồng Tháp có làng quýt hồng Lai Vung, hoa Sa Đéc, sen Tháp Mười, xoài Cao Lãnh; Bến Tre nổi tiếng vườn măng cụt, sầu riêng, hoa kiểng; Vĩnh Long được du khách thích đến các cù lao An Bình, cù lao Mây nơi những vườn trái cây đặc sản và làng nghề bánh tráng 100 năm; Cà Mau, Bạc Liêu nổi tiếng với những cánh đồng tôm, cua…

Hiện nay, khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều có sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch thì việc đầu tư và khai thác du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng. Có người ví du lịch nông nghiệp ĐBSCL là “mỏ vàng” chưa khai thác. Mức độ phát triển du lịch nông thôn vùng ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí của vùng. Nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp nên chưa khai thác triệt để lợi thế sông nước, nông nghiệp, nông thôn miệt vườn, đặc biệt còn xem nhẹ vai trò hợp tác liên kết giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài vùng.

“Cỗ máy kiếm tiền” du lịch nông nghiệp đã bắt đầu vận hành
Du khách nước ngoài thích chèo ghe tam bản tham quan miệt vườn cù lao An Bình (Vĩnh Long).

Một chuyên gia tư vấn du lịch ĐBSCL cho rằng: Hiện nay, nhiều nước trên thế giới phát triển du lịch nông nghiệp. Họ tổ chức rất bài bản và đem lại thu nhập cao cho nông dân. Trong tương lai, ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Vì ĐBSCL là đồng bằng đẹp hàng đầu châu Á, khí hậu tốt cả 4 mùa, đồng lúa, vườn cây, làng xóm đẹp, có nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và nhiều khu bảo, dồi dào thực phẩm tươi ngon. Tài nguyên quý giá nhất để làm du lịch nông nghiệp là những thứ không phải mua như trời, đất, nước... Tuy nhiên, hiện chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình du lịch này trở thành một trong những loại hình du lịch chính, cần phải có chiến lược về phát triển sản phẩm. Khách du lịch lữ hành đi tour nông nghiệp chủ yếu là nhóm nhỏ, theo gia đình, bạn bè. Khách này dành nhiều thời gian cho việc tham gia trải nghiệm các hoạt động hơn là nghe thuyết minh. Vì vậy, phải được tổ chức khác biệt… Khách mua tour trải nghiệm ở ngoài đồng, chứ không mua ruộng lúa; khách mua tour trên sông chứ không mua sông; muốn bán được dịch vụ tắm nắng phải có hồ bơi… Vì vậy, cần phát triển sản phẩm thì mới thu hút được khách du lịch.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL đang được đánh thức, “cỗ máy kiếm tiền” bắt đầu vận hành. Hy vọng, từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cùng các quyết định của chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang ban hành triển khai kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ là điểm tựa tạo sức bật cho du lịch nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL bứt phá vươn lên xứng với lợi thế tiềm năng vùng nông nghiệp lớn nhất nước.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load