Theo thống kê của cơ quan Hải quan Nhật Bản, hàng năm nước này phải chi hơn 100 tỷ Yên để nhập khẩu đá xây dựng và gạch lát. Riêng vật liệu đá thô, đá phiến, đá cẩm thạch, đá granite... phải nhập 90%, thậm chí có loại phải nhập 100% vì Nhật Bản không có tài nguyên để sản xuất.
Nhộn nhịp thị trường nhập khẩu
Italia là nơi cung cấp hầu hết đá cẩm thạch (marble) cho Nhật Bản và chiếm giữ khoảng 50% thị phần nhập khẩu. Gần đây sản phẩm đá cẩm thạch thô và đá phiến mỏng của Hy Lạp và Bồ Đào Nha cũng đẩy thị phần của họ tại Nhật lên cao. Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN giữ phần cung cấp đá granite và các sản phẩm đại trà. Do tận dụng tốt về lợi thế địa lý với Nhật, Trung Quốc đang giữ vị trí đầu tầu với thị phần khoảng 80% khối lượng đá granite vào Nhật.
Trên thị trường gạch lát, Italia đang chiếm 30 - 40% tổng kim ngạch nhập khẩu. Gạch Italia thường được dùng để trạm khắc hoa văn cây cối chim chóc, khắc nổi ba chiều và các công trình thiết kế kiểu cách khác. Hàng từ Đức thường là gạch đất nung để xây dựng nội thất và gạch gốm cứng để trang trí ngoại thất.
Với nhiều dự án xây dựng mới đang hình thành, các nhà phân tích dự báo nhu cầu nhập khẩu gạch trang trí và đá xây dựng sẽ còn tăng mạnh.
Chính sách nhập khẩu thông thoáng
Người tiêu dùng Nhật đòi hỏi đá xây dựng phải có tiêu chuẩn, kích cỡ chính xác, màu sắc ổn định, chất lượng và nguồn gốc kỹ hơn cả thị trường châu Âu hay Mỹ. Bởi vậy, 90% sản phẩm đá xây dựng nhập khẩu được hoàn thiện ở Nhật. Thường tuỳ vào nhu cầu và loại mặt hàng sẽ có cách thức nhập khẩu và phân phối khác nhau. Phần lớn đều theo chu trình: các nhà khai thác đá ở nước ngoài xuất cho các nhà nhập khẩu Nhật Bản, đến tay các nhà chế tác đá, họ sẽ hoàn thiện sản phẩm rồi bán trực tiếp cho các Cty xây dựng. Tuy nhiên, gần đây nhà chế tác đang có xu hướng lập những Cty riêng để nhập trực tiếp từ nước ngoài, hoặc nhiều Cty vừa chế tác vừa xây dựng.
Một điều cần biết là hiện tại Nhật Bản vẫn không có quy định đặc biệt về nhãn mác gạch lát và đá xây dựng dù mặt hàng này nằm trong hệ thống nhãn hiệu tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản (JIS). Đặc biệt hơn nữa, Nhật Bản đánh thuế rất thấp vào mặt hàng phải nhập khẩu này chỉ từ 2 - 3%, thậm chí hàng từ các nước kém phát triển còn được miễn thuế.
Chữ Tín để bắt tay hợp tác lâu bền
Ông Ken Arakawa - chuyên viên tư vấn của Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, gạch lát và đá xây dựng nằm trong danh sách các mặt hàng có nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Thậm chí lời khuyên của ông là chúng ta có thể xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện trực tiếp sang Nhật thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô như nước khác.
Để vào được Nhật Bản và đứng vững trên thị trường, ông Arakawa khuyên rằng, cách tốt nhất là các nhà xuất khẩu cần tạo một hình ảnh đáng tin cậy cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu thiện chí muốn thiết lập mối quan hệ làm ăn lâu dài, nên chứng tỏ cho đối tác thấy rằng đó là những sản phẩm rất tiềm năng vì đã có sự nghiên cứu kỹ về thị trường, thị hiếu tiêu dùng, có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn một cách hoàn hảo và nhanh chóng cũng như thoả mãn các đòi hỏi khác về sản phẩm và nhu cầu thực tế của thị trường Nhật. Lâu nay, các DN Việt Nam khi tham giá xuất khẩu chưa chú trọng đến việc “làm đẹp” hình ảnh cơ sở sản xuất, bao gồm dây chuyền công nghệ, kỷ luật sản xuất, chăm lo điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động, trong khi người Nhật thường có thói quen đến tận doanh nghiệp để mua hàng.
Được biết, hiện nay Vicostone là DN tiên phong đã kết nối xuất khẩu đá thành phẩm sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, ông Hồ Xuân Năng - Giám đốc Cty Vicostone cũng cho biết đang xúc tiến tìm hiểu thị trường và hy vọng sớm đưa đất nước Mặt trời mọc vào danh sách hơn 40 quốc gia trên thế giới nhập khẩu sản phẩm của mình.
Ninh Toàn
Theo baoxaydung.com.vn