(Xây dựng) - Đơn vị ông Nguyễn Cường (Hải Phòng) ký hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu thi công theo loại hợp đồng đơn giá điều chỉnh (dự án sử dụng vốn đầu tư công). Hợp đồng bao gồm 2 khoản mục chi phí dự phòng cho phát sinh khối lượng và phát sinh trượt giá.
Trong quá trình thực hiện, đơn vị ông Cường đã ký phụ lục điều chỉnh bổ sung khối lượng (giá trị phần khối lượng bổ sung sử dụng hết phần chi phí dự phòng cho phát sinh khối lượng) và phụ lục điều chỉnh giảm giá hợp đồng do thay đổi thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Đến nay, qua tính toán, khoản mục chi phí dự phòng cho phát sinh trượt giá không đủ để điều chỉnh giá hợp đồng cho trượt giá.
Ông Cường hỏi, đơn vị ông có được ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng, điều chuyển phần giá trị dư (do có một số khối lượng thực tế nghiệm thu giảm và do giảm trừ 2% thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP) sang khoản mục chi phí dự phòng trượt giá để thanh toán, quyết toán không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Trường hợp hợp đồng theo nội dung câu hỏi của ông Nguyễn Cường thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng thì việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP.
Việc sử dụng nguồn vốn nào để thanh toán các chi phí liên đến điều quan chỉnh hợp đồng xây dựng, phải căn cứ vào quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý tài chính và các quy định pháp luật có liên quan khác để thực hiện.
Khánh Diệp
Theo