(Xây dựng) – Ngày 15/3 tới, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sẽ diễn ra Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) – Densavan (Lào). Theo đó, một số cơ chế, chính sách mới dự kiến sẽ được áp dụng cho mô hình kinh tế hợp tác này.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. |
Các cơ chế, chính sách bao gồm ưu đãi về thuế, giá, tạo thuận lợi cho phương tiện; Chính sách lao động và tiền lương; cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hải quan; chính sách đất đai…
Đáng quan tâm, có nhiều cơ chế được xây dựng mang tính vượt trội như ưu đãi về thuế, giá, tạo thuận lợi cho phương tiện, mà cụ thể là doanh nghiệp tại Khu kinh tế thương mại, được áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, theo quy định hiện hành của Việt Nam hoặc Lào. Cho phép miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư…
Về cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư, thì ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ nguồn thu ngân sách Trung ương hưởng (hoặc để lại cho ngân sách địa phương một phần số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu), phát sinh tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung trong thời gian từ 10-15 năm, để đầu tư kết cấu hạ tầng tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung…
Riêng về việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, sẽ thí điểm thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất gia công, tái chế tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung.
Thí điểm áp dụng cơ chế vận hành các khu phi thuế quan tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực logistic; áp dụng thí điểm cơ chế ưu đãi về thuế, phí, lệ phí và thủ tục hải quan, kiểm dịch động, thực vật, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sản xuất nông nghiệp do cư dân biên giới hai nước sản xuất đưa vào tiêu thụ trong Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung.
Đối với chính sách đất đai, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để thực hiện dự án không quá 50 năm (hoặc 70 năm). Riêng đối với dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bàn kết hợp với cho thuê thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người nước ngoài chỉ được quyền thuê nhà để ở, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài; cho phép thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài theo quy định pháp luật của nước sở tại (Việt Nam hoặc Lào)…
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết thêm: Về vận hành, dự thảo Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, dự kiến xây dựng mô hình “Hai nước một khu kinh tế”; có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Trên cơ sở tuân thủ yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan thống nhất trong một quy hoạch khu vực chung, tổ chức và vận hành chung, xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm, cơ sở hạ tầng kết nối trong và ngoài khu trung tâm; tạo thuận lợi cho kết nối vận tải, logistics xuyên biên giới; thiết lập và triển khai cơ chế “ba trong một”: Đồng chính sách, đồng quy tắc, đồng tiêu chuẩn và một chung là chung một khu; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại hai nước.
Hữu Tiến
Theo