Sống nhàn nhạt, mọi người bảo thế, cứ sau mấy ngày lễ ngày hội, không khí uể oải lan tỏa trong mọi cơ quan. Các nam viên chức hai ngày nay chưa thôi bình luận trận thua 0-6 của ĐT U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan. Các nữ viên chức lại cần cù ngồi trước trước máy tính 6 tiếng một ngày đi chợ trên mạng.
Cơn mưa lớn trút xuống địa bàn Hà Nội sáng sớm 8/9 khiến nhiều tuyến phố bị ngập cục bộ, lại đúng vào tầm học sinh chuẩn bị đến trường và người dân khởi đầu ngày làm việc mới, đã khiến giao thông tại nhiều nơi tắc nghẽn kéo dài. Trong ảnh: Tắc đường trên phố Lê Văn Lương. Ảnh: TTXVN
Dư âm ngày khai giảng quá ngắn ngủi, đơn giản vì trẻ em đã đi học từ lâu nên một cái lễ khai giảng dù có tưng bừng bao nhiêu cũng bớt đi ít nhiều quan trọng.
Tuy nhiên, cứ nhìn chăm chú hơn vào cuộc sống thì sự nhạt hóa ra không đến nỗi. Chẳng hạn, mỗi trận mưa đều là một cuộc thử thách với đường phố Hà Nội. Có thử thách tức là có phấn đấu vượt qua, thế nghĩa là không nhạt. Mưa, mùa này sẽ không ít. Phố sẽ hóa sông và nơi nơi tắc đường, chuyện đó không hề lạ.
Một cơn mưa vừa vừa lúc 6 giờ sáng 8/9, mà ngập bao nhiêu phố: Quán Thánh, Hoàng Hoa Thám, Liễu Giai, Huỳnh Thúc Kháng, Văn Cao, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh... phố mới phố cũ đều mưa là ngập sâu, dân kẹt xe kêu trời. Ừ thì năng lực thoát nước của thủ đô là yếu và rất yếu, ngày càng yếu, nhưng đấy có phải lỗi của chính quyền đâu.
Lỗi đầu tiên nếu phải quy trách nhiệm, thì là lỗi của mưa, sau rồi đến lỗi của dân. Dân mình bừa bãi quăng rác, xây nhà xây bếp bít hết miệng cống, nước mưa thoát được mới là chuyện lạ.
Mà có tắc đường, mới thấy đời sống người dân thủ đô ngày càng cao quá thể. Nhìn những bức ảnh chụp dòng xe ô-tô nối đuôi nhau trên những đường phố lớn khi tắc, cứ ngỡ ảnh chụp thủ đô nước nào ấy.
Bao nhiêu là xe, xe đẹp xe xịn, ai đời nhìn cảnh tắc đường mà bỗng dấy lên… niềm tự hào về thủ đô. Đúng là hiện đại hóa, công nghiệp hóa, so với mươi năm trước, người thủ đô, ít ra một bộ phận không nhỏ, cũng giàu lên quá nhiều.
Nhưng, giá như đừng đọc báo để khỏi sốc về những con số, cũng nhiều quá, ngay trong buổi sáng mưa ngập đường ấy, hàng trăm sinh linh bé nhỏ được đưa về nghĩa trang thai nhi Đồi Cốc.
Nghĩa trang thai nhi Đồi Cốc thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội hàng tuần vẫn cử hành lễ chôn cất thai nhi xấu số. Đây có lẽ là khu nghĩa trang có mật độ hài cốt dày đặc nhất so với bất kỳ một nơi nào. Người trông coi nghĩa trang, bà Nguyễn Thị Nhiệm, buồn rầu cho biết: “Khu mộ mới nhất vừa làm bia. 1.634 cháu trong chỉ chưa đầy 2 tháng”.
Những hài nhi trong ngôi nhà chung này được tiếp nhận từ ngày 1/3/2015 - 25/4/2015. Ảnh Zing
Gọi là khu mộ, nhưng thực ra là những hố chôn. Trung bình mỗi hố có 1.600 hài nhi, 8 hố nằm sát nhau, vết gắn nắp xi măng còn mới kia có tới khoảng 12.800 thi thể thai nhi nằm dưới đó. Còn biết bao hố chôn trước đây Ban quản lý nghĩa trang không thống kê, biết bao nhiêu hài nhi nằm dưới lòng đất, báo chí nêu như thế.
Ám ảnh suốt cả tuần bức ảnh bé trai Syria 3 tuổi nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đọc những con số vừa rồi, số thai nhi nằm trong mộ, còn ám ảnh nhiều hơn nữa.
Mà không chiến tranh, không tị nạn.
Dân vẫn giàu lên, phố vẫn tắc khi mưa và những đứa trẻ chết khi chưa kịp sinh ra vẫn nhiều lên.
Lại phải hỏi nhau rằng: Chúng ta đang sống thế nào?
Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Theo