Thứ bảy 27/04/2024 05:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chuyện nhân sự, “nứa, tre” và “lươn, chạch”

08:37 | 22/07/2020

Có điều băn khoăn, với các vụ sai phạm về kinh tế thì đã và đang được xử lý rất quyết liệt. Thế nhưng thất bại về việc này lại chưa thấy cá nhân nào chịu trách nhiệm?

chuyen nhan su nua tre va luon chach

Nhân sự là chuyện quan trọng, rất quan trọng lại đặt cùng với “nứa, tre” và “lươn, chạch” là ý làm sao?

Xin thưa luôn, về “nứa tre” là lấy từ câu của đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội trả lời phỏng vấn báo Vietnam Net, bài “Chọn người tài và quy định “quy hoạch, độ tuổi” đăng tải ngày 21.7.

Nguyên văn: “Cha ông ta nói, “dụng nhân như dụng mộc”. Đó cũng là nguyên lý trong việc dùng người. Ví như, khi xây một ngôi nhà, thì gỗ lim được chọn làm cột cái, tre nứa thì dùng làm phên, giậu; còn ngược lại, nếu lấy tre nứa làm cột trụ, thì ngôi nhà sẽ nghiêng, đổ”. Ông Vân nói.

Còn chuyện “lươn, chạch” là vào tháng 11-2018, chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:

“Dứt khoát không đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ mới những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”…”.

Có thể nói nhân sự đang là trăn trở và lo ngại rất lớn hiện nay của từ Tổng Bí thư đến các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân bởi “Công tác cán bộ là then chốt của then chốt” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Song, sự lo ngại còn ở chỗ nhìn lại công tác chuẩn bị nhân sự của nhiệm kỳ 11, phải nói thẳng là không thành công. Thậm chí, chỉ tính đến tháng 1.2020, đã có 92 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị kỉ luật là một thất bại đau xót.

Đáng lo ngại hơn, trong đó có cả những vị là cán bộ cấp cao của Đảng và nhà nước như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son,… bị kết án với khung hình phạt rất cao.

Việc này khiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng phải thốt lên: "Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới".

Thế nhưng có lẽ cũng cần nhắc lại, trong một lần trả lời báo chí, ông Tô Huy Rứa khi đó là trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã khẳng định việc qui hoạch cán bộ đã được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc.

Trên báo Tiền phong ngày 28.1.2015, bài "Quy hoạch, luân chuyển cán bộ: "Chạy" làm sao được" đăng lời ông Rứa:

"Về việc tổ chức luân chuyển cán bộ trong quy hoạch, ông Rứa khẳng định được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, nên chống lại tiêu cực, chống lại "chạy". "Làm sao mà có thể "chạy" được, 5, 6 cơ quan trên này với cả địa phương nữa. "Chạy" làm sao được". ông Rứa nói.

Thế nhưng thực tế với khoảng 100 cán bộ cấp cao và chắc chắn con số “các đồng chí chưa bị lộ” vẫn còn không ít.

Xin đừng để những "con lươn", "con chạch" lọt vào qui hoạch bởi một khi có quyền, có chức, chúng sẽ biến thành những con "cá sấu", "cá mập", "ăn không từ thứ gì" của nước, của dân.

Và nếu để “nứa tre làm rường cột” như lời ĐB Lê Thanh Vân thì nhà sẽ xiêu, sẽ đổ.

Còn nếu để “lươn, chạch” leo cao thì không chỉ sụp đổ mà còn tan nát cả giang sơn.

Có điều băn khoăn, với các vụ sai phạm về kinh tế thì đã và đang được xử lý rất quyết liệt. Thế nhưng thất bại về việc này lại chưa thấy cá nhân nào chịu trách nhiệm?

Theo Bùi Hoàng Tám/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load