(Xây dựng) - Theo nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với lĩnh vực thiết kế kết cấu công trình được quy định tại Mục 3.1 Phụ lục VI kèm theo Dự thảo Nghị định.
Ảnh minh họa. |
Liên quan đến quy định chuyên ngành phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình, trước đây, qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) đã có ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm xem xét, có hướng giải quyết, nghiên cứu điều chỉnh những quy định còn bất cập của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
Sau đó, Bộ Xây dựng đã có thông tin phản hồi với nội dung, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đang được xây dựng để khắc phục các tồn tại đã nêu theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong đó có nội dung về chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Tuy nhiên, vừa qua ông Nguyễn Văn Lang tham khảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP bản gần nhất vào ngày 8/7/2024 thì thấy tại Mục 3 Phụ lục VI kèm theo bản Dự thảo quy định không có gì thay đổi, chuyên ngành để được tham gia sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình chỉ có ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Lang, quy định nêu trên khi áp dụng sẽ gây khó khăn rất lớn cho những người tốt nghiệp kỹ sư xây dựng chuyên ngành khác như cầu đường,… từ lúc ra trường chỉ làm duy nhất công việc thiết kế kết cấu công trình và đã từng được Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu trước đó nhưng hiện nay đã hết hạn.
Do vậy, ông Nguyễn Văn Lang tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan xem xét điều chỉnh quy định chuyên ngành để cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình là: "Chuyên ngành đào tạo về kết cấu công trình dân dụng, công nghiệp hoặc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan mà trong chương trình đào tạo có các môn học về kết cấu công trình như: Cơ kết cấu 1, Cơ kết cấu 2, Cơ học đất, Nền móng, Kết cấu bê tông cốt thép 1, Kết cấu bê tông cốt thép 2 (phần kết cấu nhà cửa), Kết cấu thép + gỗ, Công trình trên nền đất yếu, Kết cấu bê tông cốt thép 3 (các cấu kiện đặc biệt), kết cấu dự ứng lực,…" để những kỹ sư xây dựng như ông thuộc các chuyên ngành rất gần với ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp theo chương trình đào tạo trước thời điểm Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực (điển hình như ngành cầu đường, cảng công trình biển...) có cơ hội tham gia sát hạch chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu.
Hoặc, có hướng giải quyết, nghiên cứu điều chỉnh quy định theo hướng mở, chẳng hạn, những trường hợp như ông Nguyễn Văn Lang cần phải tham gia bổ túc thêm những kiến thức gì do Bộ Xây dựng hoặc các đơn vị do Bộ Xây dựng ủy quyền tổ chức để sau đó ông có thể tham gia sát hạch và lấy chứng chỉ hành nghề.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với lĩnh vực thiết kế kết cấu công trình được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và đã trình Chính phủ.
Theo nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với lĩnh vực thiết kế kết cấu công trình được quy định tại Mục 3.1 Phụ lục VI kèm theo Dự thảo Nghị định, cụ thể:
- Chuyên ngành đào tạo theo văn bằng: Chuyên ngành đào tạo về kết cấu công trình dân dụng, công nghiệp;
- Chuyên môn đào tạo phù hợp thể hiện tại bảng điểm/phụ lục văn bằng trong trường hợp văn bằng không ghi rõ chuyên ngành đào tạo: Có các môn học, đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp về kết cấu công trình dân dụng và công nghiệp.
Anh Thư