Thứ hai 29/04/2024 23:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chuyên gia đưa giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản

21:23 | 07/08/2023

(Xây dựng) - Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ (Nghị quyết 33) và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS) diễn ra chiều 3/8, các chuyên gia đã đóng góp một số giải pháp cụ thể để gỡ khó cho thị trường BĐS.

Chuyên gia đưa giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng việc Chính phủ tập trung cao độ cho thị trường BĐS Việt Nam hiện nay là bước đi, tầm nhìn rất lớn. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp không theo logic thông thường. Chỉ có cách làm đó mới thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, các giải pháp thường tập trung về phía cung, trong khi thị trường BĐS hiện đang khó cả về cung và cầu. Trong đó, các phân tích gần đây về tổng cầu chưa thấy điểm gì sáng, như việc làm, tốc độ tăng trưởng đang cải thiện còn chậm, đầu tư công còn chậm…

Vì vậy, cần phải phân tích đầy đủ cầu cho thị trường BĐS để có cách tiếp cận về cầu. Nếu không, chúng ta đầu tư, xây dựng xong lại để đấy, không có thị trường tiêu thụ…

Cùng với đó, về thủ tục pháp lý, Nhà nước cần hỗ trợ các dự án BĐS tốt nhưng đang vướng mắc, để bảo đảm tạo lòng tin cho cả phía doanh nghiệp lẫn phía người mua.

Về thủ tục triển khai các dự án, dự án nào nằm trong quy hoạch thì không cần phải qua các bước xin chủ trương, quy chế triển khai, xin cấp phép bởi vì quy hoạch là Nhà nước cho phép rồi, nếu không thì mất vài ba năm quy trình.

Về chính sách nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, ông Thiên nhận định, nhu cầu của các địa phương về nhà ở xã hội, về nhà ở công nhân là khác nhau; điều kiện, năng lực, áp lực thực thi chính sách ở các địa phương là khác nhau nên chúng ta cần có chính sách để bảo đảm cho các địa phương có quyền chủ động chính sách nhiều hơn…

Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), trong dài hạn, Chính phủ cần kiện toàn hệ thống pháp lý đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng luật chồng chéo, gây vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm qua. Mục tiêu hàng đầu là phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan.

Trong giai đoạn trung hạn, cần có chính sách cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS khi dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, nhằm giúp khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án BĐS theo nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp (M&A), nhất là để xử lý các dự án bị đắp chiếu do chủ đầu tư yếu kém về năng lực.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chính sách của gói 120 nghìn tỷ đồng cần phải đáp ứng được về cả thời hạn cho vay, mức lãi suất, thậm chí có thể dùng thêm một phần hỗ trợ từ ngân sách cho lãi suất đối với lãi suất của phân khúc nhà ở xã hội.

Về tăng nguồn cung cho thị trường, phải giải quyết vấn đề vướng mắc của những dự án đầu tư, đặc biệt là dự án BĐS.

GS.TS. Hoàng Văn Cường kiến nghị, Chính phủ cần vận hành một nghị quyết về quy trình xử lý vướng mắc trong khung luật pháp, bằng cách được phép lựa chọn và áp dụng linh hoạt các quy định đúng luật làm sao phù hợp nhất, áp dụng đúng thực tế nhu cầu cao nhất trên nguyên tắc công khai, minh bạch, không có vụ lợi…

Như vậy, sẽ không còn tình trạng cán bộ “ngồi chờ” mà phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị, đối với phát triển nhà ở xã hội, các địa phương cần ưu tiên đầu tư hạ tầng ở ngoài hàng rào các dự án để khi dự án nhà ở xã hội triển khai thì sẽ kết nối được ngay.

Về cải tạo nhà chung cư cũ, việc lựa chọn chủ đầu tư và thỏa thuận với các hộ dân cần di dời vẫn là vấn đề mang tính đặc thù và khó nhất hiện nay.

Để thu hút các doanh nghiệp, Hiệp hội kiến nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề điều chỉnh bài toán về quy hoạch, có cơ chế cho phép chủ đầu tư sử dụng phần thương mại không phải là 20% như hiện tại.

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ việc cơ cấu lại sản phẩm, phân khúc nhà cho phù hợp với thu nhập và nhu cầu thị trường; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp…

Nhật Minh (tổng hợp)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load