(Xây dựng) – Như tin đã đưa, chiều 3/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (Nghị quyết 33/NQ-CP). Tại đây, các Bộ, ngành liên quan cũng đã tập trung phân tích, tìm cách giải quyết các vấn đề về pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch, tài chính, ngân hàng, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền…nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS (ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Thị trường BĐS còn nhiều khó khăn
Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Trong quý II/2023, nguồn cung BĐS, nhà ở vẫn hạn chế khi có 07 dự án hoàn thành với 2.424 căn, số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý I/2023 và bằng khoảng 29,17% so với quý II/2022. Việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…
Về lượng giao dịch BĐS, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo (58/63 tỉnh), trong quý II/2023 có 96.977 giao dịch thành công.
Cũng trong quý II/2023, giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là có những khu vực tăng dù thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại; giá bán BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm; giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước…
Về kết quả thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án), trong giai đoạn 2021 - 2025, đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án NƠXH khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Đánh giá chung, lĩnh vực BĐS trong quý II/2023 đã từng bước được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn thách thức, cụ thể như về thể chế, về pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, tập trung thúc đẩy phát triển NƠXH theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn cho vay ưu đãi để tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng BĐS
Liên quan đến tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú, dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng.
Bên cạnh các nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán…vốn tín dụng là một trong những nguồn vốn có đóng góp lớn đối với thị trường BĐS.
Thời gian qua, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Riêng Chương trình 120.000 tỷ đồng, đến nay, có 09 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia Chương trình tới NHNN với 23 dự án và 01 UBND tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 03 dự án; tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng. Hiện các Ngân hàng thương mại (NHTM) đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực BĐS; chỉ đạo các NHTM triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ...
Phó Thống đốc Đào Minh Tú kiến nghị, đề xuất UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến vướng mắc hiện nay trong vấn đề pháp lý.
Đồng thời, có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS để giảm bớt áp lực đối với tín dụng ngắn hạn của ngân hàng cho thị trường BĐS…
Giải quyết vướng mắc về pháp lý và thủ tục đầu tư
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định: Vấn đề khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư của các dự án và quá trình thực hiện dự án.
Qua rà soát sơ bộ, vướng mắc chủ yếu của các dự án liên quan đến lựa chọn chủ đầu tư, hình thức đấu giá sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.
Vướng mắc tiếp theo liên quan đến tổ chức thực hiện, chủ yếu ở các địa phương, đặc biệt là các dự án đã được chấp thuận theo pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở… được xây dựng trước thời điểm Luật Đầu tư được thi hành.
Một vấn đề khác là tâm lý e dè, đùn đẩy, né tránh, chờ phải có hướng dẫn hoặc chỉ đạo của Trung ương thì địa phương mới thực hiện hoặc chờ các văn bản khẳng định thẩm quyền của địa phương thì mới triển khai…
Với những vướng mắc trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị có giải pháp tránh chồng chéo các quy định trong quá trình sửa 3 Luật: Đất Đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS.
Song song đó, Chính phủ hướng dẫn và giải thích theo thẩm quyền về công tác quy hoạch chi tiết khi chưa có hoặc đang điều chỉnh quy hoạch phân khu quy hoạch chung theo quy định, nhất là ở khu đô thị mới và các khu đô thị đang điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, quản lý và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có quản lý lĩnh vực BĐS; đẩy nhanh việc hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục đầu tư trong quá trình thực hiện dự án…
Đề xuất Chính phủ ban hành quy định về cho thuê nhà và quản lý sử dụng quỹ nhà đất của các thành phố
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình thị trường để thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành.
Bộ cũng theo dõi, làm việc và có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phát hành bố trí nguồn lực để thanh toán đầy đủ nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết…
Bộ định kỳ tổ chức các cuộc họp Tổ công tác về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp để trao đổi tham mưu về các giải pháp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ thường xuyên thông tin cho Bộ Xây dựng và NHNN về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục vụ việc điều hành thị trường BĐS và thị trường tín dụng ngân hàng…
Cùng với Thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành quy định về cho thuê nhà và quản lý sử dụng Quỹ nhà đất của các thành phố, nhằm tạo cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả quỹ đất đang quản lý hiện nay. Bên cạnh đó là các kiến nghị liên quan về thuế với nhà ở thứ hai hoặc nhiều nhà nhiều đất, đất chậm chưa vào sử dụng…
Rà soát việc cho vay tín dụng đối với BĐS
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo của các Bộ, ngành về kết quả triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 33/NQ-CP và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS.
Triển khai các công việc trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Tổ công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế.
Bộ Xây dựng chủ trì đề xuất sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH; sửa đổi ngay Thông tư 09 năm 2021 của Bộ về NƠXH theo trình tự, thủ tục rút gọn; sửa đổi Thông tư 06 năm 2022 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Đối với NHNN, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án BĐS và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn…
NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quy hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, BĐS, trong đó có NƠXH, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.
Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu hình thành quỹ phát triển NƠXH cho công nhân; thúc đẩy tăng cường hợp tác công tư trong phát triển NƠXH…
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi); khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về phương pháp định giá đất; xây dựng điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất…
Tập trung rà soát các tồn tại, hạn chế, vướng mắc của các Thông tư để khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin về đất đai theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ…
Linh Đan (tổng hợp)
Theo