(Xây dựng) - Sau hàng loạt vụ hỏa hoạn dẫn đến cái chết thương tâm chỉ vì mắc kẹt trong nhà vì lối thoát hiểm ban công bị bịt kín bằng chuồng cọp, chúng ta mới giật mình nhận ra, mối nguy hại bắt nguồn từ những “công trình” tự phát này.
Khoảng 1h sáng ngày 25/9 vừa qua, tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội xảy ra vụ cháy lớn tại một gia đình kinh doanh lốp, sửa chữa ô tô. Khi ngọn lửa bùng phát, chủ nhà đã lao ra ban công tầng 2 nhưng kẹt lại do lan can đã bị bịt kín bằng chuồng cọp.
Với sự giúp sức của hàng xóm xung quanh, lực lượng cứu nạn phòng cháy chữa cháy đã phá 1 góc của chuồng cọp và cứu những người bị kẹt. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cứu được 5 người thoát ra an toàn. Tuy nhiên, đám cháy lớn khiến 2 con gái của chủ nhà tử vong.
Căn nhà cháy lớn tại Chương Mỹ, Hà Nội (ảnh: Internet )
Không chỉ có vậy, trước đó, có rất nhiều vụ hỏa hoạn lớn tại Hà Nội gây thiệt hại về người và của. Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và lực lượng chức năng không thể cứu người do những ngôi nhà được rào chắn, bịt kín bởi khung sắt, chuồng cọp kiên cố.
Đến bao giờ chúng ta mới nhận ra, những biện pháp tưởng chừng như để phòng trộm chính là mối nguy hại trong những trường hợp khẩn cấp.
Ngay giữ lòng Thủ đô hoa lệ, vẫn còn nhan nhản những khu tập thể cũ cơi nới bằng chuồng cọp – một chiếc lồng khung sắt khoảng 10m² gắn ngoài trời nhằm tăng diện tích sinh hoạt cho các căn hộ chật hẹp.
Khu tập thể Dốc Thọ Lão, phường Đồng Nhân, Hà Nội.
Dây điện, dây phơi quần áo lẫn lộn, chằng chịt.
Khu tập thể trông thật lộn xộn, xấu xí với những lồng chim giăng mắc
Chuồng cọp đã tồn tại từ những ngày đầu khi khu tập thể xuất hiện cách đây khoảng 50 năm, cho đến tận bây giờ, khi Hà Nội mọc lên những công trình cao tầng hiện đại, thì chuồng cọp cũng tăng lên theo, treo lơ lửng trên tường.
Nhà dân cũng bịt kín bằng khung sắt.
Trước đây, các hộ dân thường lắp lồng sắt bao quanh ban công mà không cần đục tường vách. Nhưng ngày nay, người dân không làm lan can ban công mà thay bằng những chuồng cọp vươn ra phía ngoài, thậm chí chuồng cọp ngay trên nóc nhà.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, Hà Nội.
Những chuồng cọp, lồng chim được thiết kế mà không có tiêu chuẩn nào, vật liệu từ nhựa, tre đến inox, sắt, tôn... với đủ kích cỡ nhỏ, to, cao, thấp gây mất mỹ quan đô thị, phá vỡ cảnh quan của khu vực.
Phần cơi nới xập xệ, gây nguy hiểm cho người dân.
Nhà nhà lấn chiếm khoảng không để làm chuồng cọp, lồng chim.
Chuồng cọp, lồng chim được người dân tận dụng làm nhà kho, phơi quần áo, trồng cây cảnh, làm bếp, góc làm việc… Có thể thấy, đối với những căn hộ chật hẹp thì cơi nới giúp không gian sinh hoạt thêm rộng rãi, hoặc chống trộm hiệu quả. Nhưng các chuồng cọp đang khiến Hà Nội thêm phần nhếch nhác, xấu xí, bẩn thỉu đối lập hoàn toàn với hình ảnh một thành phố hàng đầu cả nước, văn minh, sạch đẹp.
Khu tập thể Hồng Hà, phường Đống Mác, Hà Nội.
Chuồng cọp đủ sắc màu, to nhỏ khác nhau.
Chỉ vì lợi ích trước mắt mà hằng ngày, người dân tại các khu tập thể đang đối diện nguy cơ tiềm ẩn khôn lường. Khi có sự cố, hỏa hoạn, người dân chỉ chạy được cửa chính hướng đến cầu thang, lực lượng chức năng cũng không thể can thiệp cứu nạn kịp thời.
Đường dây điện như mắc cửi tại các khu tập thể
Ngoài nguy cơ sập do chuồng cọp, lồng chim tại các tập thể xuống cấp, những “công trình” này khiến dây điện bị kéo chùng tiềm ẩn nguy cơ chập điện, cháy nổ. Và hằng ngày, người dân vẫn phải sống chung với nguy hiểm rình rập, tại chính ngôi nhà của mình.
Diệu Anh
Theo